/ 374
593

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 75

Kinh văn:

Thường hành bố thí cập giới nhẫn

Tinh tấn định huệ Lục Ba La

Vị độ hữu tình linh đắc độ

Dĩ độ chi giả sử thành Phật”.

Đoạn kinh văn này là nói rõ A Di Đà Phật phát tâm ở nhân địa. Trong kinh văn phát tâm tổng cộng phân làm sáu đoạn nhỏ, đây là đoạn nhỏ thứ tư, “tất linh thành Phật”. Trong bốn câu kệ văn đầy đủ cả Tứ Hoằng Thệ Nguyện, khi vừa mở đầu liền đem hành môn của Bồ Tát vì chúng ta nói ra. Cái gì là Bồ Tát hạnh? Chính là trong kinh luận thường gọi là sáu phép Ba La Mật. Sáu Ba La Mật hàm nghĩa sâu rộng vô hạn. Thông thường phàm phu chúng ta cũng học theo tu bố thí, trì giới, nhẫn nhục, vậy có xem là Bồ Tát hạnh hay không? Không thể xem là Bồ Tát hạnh, vì sao vậy? Bởi vì bạn không có tâm Bồ Tát, phải có tu tâm Bồ Tát mới là Bồ Tát hạnh, không có tâm Bồ Tát, học mấy thứ này chỉ là làm bộ làm dáng, học dáng vẻ của Bồ Tát, vậy thì không thể học được. Cho nên quan trọng nhất là phải hiểu được phát tâm. Phát tâm, kinh văn trước và sau bổn kinh đều nói đến. Phật là dùng cái tâm gì? Phật dùng cái nguyện gì? Chúng ta trước tiên phải tường tận điều này.

Người tu học Đại Thừa, không thể nói họ không dụng công, không thể nói họ không nỗ lực. Ngay trong đồng tu chúng ta, người xuất gia, tại gia dũng mãnh tinh tấn chúng ta thấy được, ngày đêm không ngủ không nghỉ ở nơi đó học tập, nhưng thành quả như thế nào? Thực tế mà nói đều là bình bình. Cái nguyên nhân này rốt cuộc ở nơi đâu? Nguyên nhân là bạn chưa có phát tâm Bồ Đề. Bổn kinh Thế Tôn dạy bảo chúng ta, vãng sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, trong ba bậc vãng sanh, trong phẩm thứ nhất nói rất hay, một câu nói quan trọng nhất chính là “phát tâm Bồ Đề một lòng chuyên niệm”. Một lòng chuyên niệm làm được rồi, phát tâm Bồ Đề không làm được, cho nên người niệm Phật nhiều, người vãng sanh ít, bởi vì hai câu nói bạn chỉ làm được phân nửa, phân nửa còn lại bạn chưa làm được, cho nên không thể vãng sanh. Tại vì sao nhất định phải phát tâm Bồ Đề? Bởi vì Cực Lạc Tịnh Độ là Đại Thừa, mà Đại Thừa pháp là xây dựng trên nền tảng tâm Bồ Đề.

Tam Phước của Quán Kinhdạy chúng ta nền tảng tu học. Trong tam phước, điều thứ ba, câu thứ nhất chính là “phát Bồ Đề tâm, thâm tín nhân quả, đọc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả”, đây gọi là Bồ Tát. Một điều phía sau tam phước, trong bốn câu, hai câu sau cùng bao gồm sáu Ba La Mật. “Đọc tụng Đại Thừa” là tự tu tự học, “khuyến tấn hành giả”là hóa tha. Tự hành hóa tha. Dùng được sáu điều này rồi, sáu Ba La Mật liền thực tiễn. Bạn nghĩ xem, quan trọng dường nào!

Cái gì gọi là tâm Bồ Đề? Bồ Đề là ý nghĩa của giác ngộ, tâm Bồ Đề chính là bạn chân thật giác ngộ. Làm thế nào mới xem là chân thật giác ngộ? Chúng ta thường xem thấy được ở trong tất cả kinh luận, người nhị thừa chưa phát tâm Bồ Đề. Đâu là nhị thừa? A La Hán, Bích Chi Phật, cho nên họ không thể thành chánh quả. Cái họ thành tựu ở trong Phật pháp là quả nhỏ, không phải chân thật. Trong pháp giới bốn thánh, ngoài Thanh Văn, Duyên Giác ra, còn có Bồ Tát, còn có Phật, Thiên Thai gọi là Phật của Tạng Giáo. Những vị Phật này, thực tế mà nói, không phải là rất cao, ở trong mười pháp giới chưa đột phá được mười pháp giới. Do nguyên nhân gì? Chưa phát tâm Bồ Đề. Tâm Bồ Đề nếu như vừa phát thì người này rất cừ khôi, liền siêu việt mười pháp giới. Vì sao nói tâm Bồ Đề vừa phát liền ra khỏi mười pháp giới? Tâm Bồ Đề quá lớn, cái vòng của mười pháp giới quá nhỏ, phá được cái vòng của mười pháp giới thì liền ra khỏi, đạo lý chính là như vậy. Tâm phải lớn. Trên kinh Đại Thừa thường nói “tâm bao thái hư, lượng khắp pháp giới”, cái tâm đó gọi là tâm Bồ Đề. Tâm Bồ Đề là trùm khắp hư không pháp giới. Chúng ta có phát ra cái tâm này hay chưa? Tâm này vừa phát, ở trong Hoa Nghiêm nói chính là Viên Giáo Sơ Trụ Bồ Tát. Sơ Trụ gọi là phát tâm trụ, trụ cái gì? Trụ Như Lai chi sở trụ, nhất thiết chư Phật Như Lai liền trụ tâm Bồ Đề. Hay nói cách khác,vĩnh viễn không mất tâm Bồ Đề, vĩnh viễn  không thoái tâm Bồ Đề, đây gọi là phát tâm trụ. Con người này trên hội Hoa Nghiêm gọi là Pháp Thân Đại Sĩ, trên hội Bát Nhã gọi là chư Phật Như Lai, họ chân thật là chư Phật Như Lai. Lại như tông môn đã nói “minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”, họ đã kiến tánh hay chưa? Kiến tánh rồi. Thấy được cái tánh gì? Hư không pháp giới là tâm lượng của chính mình, đó là kiến tánh rồi, đó là minh tâm kiến tánh. Tâm lượng của chúng ta quá nhỏ, quá đáng thương, khởi tâm động niệm chỉ biết có chính mình, chỉ biết một gia đình nhỏ, một đoàn thể nhỏ. Tâm của bạn bao lấy một quốc gia, bao lấy một địa cầu vẫn là vọng tâm tà kiến,ởtrong thế pháp nói như vậy là rất cừ khôi, anh hùng hào kiệt, không phải người thông thường có thể so sánh, thế nhưng không thể giải quyết vấn đề. Chúng ta yêu thế giới này, quan tâm thế giới này, các thế giới khác thì sao?

/ 374