PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 68
Học Phật phải Tín-Giải-Hành-Chứng, bốn điều này chúng ta phải đều quan tâm đến, đồng thời ứng dụng. Nếu như chúng ta có nguyện vọng này, ngay trong một đời này quyết định có thành tựu. Tôi có thể giúp được thì tôi toàn tâm toàn lực giúp đỡ mọi người. Chúng ta còn có một nhóm pháp sư trẻ, mọi người đều phát đại nguyện “tiếp nối huệ mạng Phật, hoằng pháp lợi sanh”. Hy vọng trong tương lai, trên toàn thế giới đều có thể xây dựng mô hình đạo tràng này ở rất nhiều khu vực. Chúng ta nghĩ, chỉ cần có Bồ Tát chân thật phát tâm để làm thì nhất định nhận được cảm ứng. Chư Phật Bồ Tát quyết không có lòng riêng tư, không có tâm thiên lệch, không thể nào chuyên môn chăm sóc Singapore mà không chăm sóc ở nơi khác, vì tâm của Phật Bồ Tát là bình đẳng, là thanh tịnh. Chúng ta làm ra một mô hình đầu tiên, kiểu dáng đầu tiên, cho nên thành công thất bại của chúng ta quan hệ sẽ rất lớn. Nhất định phải rất cố gắng, rất nỗ lực mà làm. Có nguyện có hành. Có nguyện không có hành, nguyện là trống không, cũng bằng với vọng tưởng. Có hành không có nguyện, thì việc hành này của bạn không có phương hướng, không có mục tiêu, hay nói cách khác, khổ tu như thế nào đến sau cùng cũng không có kết quả, đây là nói có hành không có nguyện, không có kết quả. Cho nên, nhất định phải hành nguyện tương ưng, nguyện giúp cho hành, hành giúp cho nguyện, như vậy mới có kết quả.
Nếu chúng ta muốn làm Phật, chúng ta chân thật tìm ra được phương pháp lý luận làm Phật rồi, đó là “Kinh Vô Lượng Thọ”. Chúng ta xây Thôn Di Đà, lão cư sĩ Triệu Phốc Sơ rất hiếm có, đưa ra cho chúng ta ba chữ “Thôn Di Đà”, lại nêu ra cho chúng ta tên của niệm Phật đường là niệm Phật đường “Liên Trì Hải Hội”, lão cư sĩ đã đề nghị bốn chữ này. Triệu Phốc lão là Bồ Tát tái sanh, năm nay hơn 90 tuổi rồi, nghe được việc của chúng ta làm rất là hoan hỉ. Đây đều là những vị Phật Bồ Tát làm tăng thượng duyên cho chúng ta.
Chúng ta dựa vào phương pháp và lý luận trên Kinh điển thì nhất định thành công, nhất là hiện tại chúng ta cùng với mọi người cùng nhau học tập “Hoa Nghiêm”. “Hoa Nghiêm” là đại “Kinh Vô Lượng Thọ”. Tiến độ của việc giảng “Kinh Hoa Nghiêm” về sau phải nhanh hơn. Hôm qua, tôi lật xem sơ qua, phía sau còn hai đoạn nữa thì quyển thứ nhất viên mãn. Tôi liền nghĩ, chúng ta đã giảng hơn nửa năm rồi mới giảng được một quyển. Tám mươi quyển “Hoa Nghiêm”, nửa năm giảng một quyển thì phải giảng bốn mươi năm, vậy là không thể được rồi, cho nên về sau tiến độ của chúng ta nhất định phải nhanh hơn. Nhanh hơn, tôi nghĩ phương pháp của chúng ta là có thể tỉnh lược thì đọc lướt qua, cần phải nói rõ thì giảng tỉ mỉ, dùng loại phương thức này, nếu không thì thời gian sẽ rất dài. Nếu như “Hoa Nghiêm” 80 giảng đến 59 quyển, lại tiếp theo “Hoa Nghiêm” 40 thì 99 quyển. Chín mươi chín quyển thì gần bằng 100 rồi, vậy bộ Kinh này nếu giảng như tiến độ hiện nay thì phải giảng 50 năm. Ngài Thanh Lương 50 năm giảng 50 bộ, chúng ta 50 năm giảng một bộ thì thật không đúng, vì vậy tiến độ này phải nhanh hơn.
Cầu sanh Tịnh Độ phải có chí hướng lớn, không nên nói tôi hạ phẩm hạ sanh thì được rồi, chí hướng này quá nhỏ. Chúng ta nhất định phải phát ra nguyện vãng sanh thượng thượng phẩm. Nếu lỡ không sanh được thượng thượng phẩm thì còn có thượng trung phẩm, thượng hạ phẩm. Vì vậy, tiêu chuẩn của nguyện vãng sanh không nên quá thấp, hạ hạ phẩm vãng sanh, nếu dưới một chút thì không được, cho nên nhất định phải phát đại tâm, phải tranh thủ thượng thượng phẩm vãng sanh. Thượng thượng phẩm vãng sanh, tôi đã nói qua với các vị rất nhiều lần, nhất định phải đem giáo huấn trong ba Kinh: “Kinh Vô Lượng Thọ”, “Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật”, “Kinh A Di Đà” (đây là Tịnh Độ ba Kinh rất quan trọng) biến thành tư tưởng, kiến giải, hành vi của chính mình. Đối nhân xử thế tiếp vật luôn không lìa giáo huấn của Phật thì chúng ta liền có thể đạt được. Tiêu chuẩn của chín phẩm, tôi có một cách nhìn đơn giản hơn so với người xưa. Nếu như chúng ta đem giáo huấn trên “Kinh Vô Lượng Thọ” làm đến được một trăm phần trăm thì bạn nhất định được thượng phẩm thượng sanh; nếu như bạn chỉ làm đến được chín mươi phần trăm, vẫn còn mười phần trăm chưa làm được, thì bạn được thượng phẩm trung sanh; nếu như tiêu chuẩn của bạn hướng xuống thấp hơn, ta có thể làm đến được tám mươi phần trăm, vẫn còn hai mươi phần trăm chưa làm được, vậy thì bạn được thượng phẩm hạ sanh. Y theo thứ tự này mà giảm lần, giảm đến hạ phẩm hạ sanh thì phải làm đến được hai mươi phần trăm, hay nói cách khác, chí ít bạn phải làm đến được hai mươi phần trăm, không làm đến được hai mươi phần trăm thì không thể có được vãng sanh, vậy phải nhờ vào vận may khi bạn lâm chung. Nếu như bạn có thể làm đến hai mươi phần trăm - ba mươi phần trăm - bốn mươi phần trăm thì quyết định nắm chắc được phần vãng sanh, không có chút hoài nghi nào. Phải thật làm, có như vậy thì A Di Đà Phật, Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, cho đến mười phương tất cả chư Phật Như Lai và chúng ta đều đồng tâm, đồng chí, đồng nguyện, đồng hạnh. Bạn nói xem, nhân duyên này thù thắng dường nào! Lấy thượng phẩm vãng sanh thì có gì khó chứ? Đạo lý này chúng ta phải hiểu, phải nhớ lấy, chăm chỉ nỗ lực mà làm.