/ 374
931

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 55

Kinh văn: “Hà dĩ cố? Đương lai chư thiên nhân dân, nhất thiết hàm linh, giai nhân nhữ vấn, nhi đắc độ thoát cố”.

Lần trước nói đến chỗ này, ý nghĩa vẫn chưa nói hết, hơn nữa rất quan trọng, cần phải bổ sung một chút. Đây là nói rõ, công đức thỉnh pháp không thể nghĩ bàn. A Nan thỉnh giáo với Thế Tôn, nhìn thấy Thế Tôn ngày hôm nay hiển thị tướng hảo thù thắng không gì bằng. Mọi người chúng ta điều biết tướng tùy tâm chuyển, cái tướng này đạt đến trang nghiêm cực độ thì tâm nhất định cũng chuyển đến tốt đẹp không gì bằng, cho nên tướng mới có thể cùng chuyển theo. Trong tất cả tướng hảo trang nghiêm, không tướng nào hơn tướng của Phật. Trong tất cả ý niệm, không ý niệm nào thù thắng hơn niệm Phật. Cho nên A Nan đã đoán đúng, Thế Tôn vào lúc này quả nhiên đang niệm A Di Đà Phật, cho nên được Di Đà và tất cả chư Phật Như Lai gia trì. Phật cũng phải được chư Phật gia trì, cho nên tướng của Phật đặc biệt tốt đẹp. Tôn giả A Nan ngày ngày ở ngay bên cạnh Phật, nhưng từ trước đến giờ chưa từng thấy qua. Điểm này khải thị cho chúng ta rất lớn. Nếu như chúng ta hy vọng chính mình có tướng hảo, thân thể tốt, ngay chỗ này cũng nói với chúng ta phải nên niệm Phật, niệm Phật tất nhiên có thể mãn nguyện.

A Nan không vì tư lợi, mà vì lợi ích tất cả chúng sanh thỉnh giáo với Phật, cho nên Phật nói với ông, lời ông vừa hỏi công đức rất thù thắng. Người thế gian chúng ta thỉnh pháp, cư sĩ, trưởng giả, Đại Đức ở ngay nơi đây diễn giảng Phật pháp lợi ích chúng sanh, công đức đó cũng giống như A Nan vừa hỏi. Đặc biệt là ở trong Thời kỳ Mạt Pháp có thể vì tất cả chúng sanh thỉnh pháp, lợi ích này thực tế mà nói là quá lớn. Nhất là ở thời đại hiện tại này và thời quá khứ không hề như nhau. Ngày trước khoa học kỹ thuật chưa phát triển, mời pháp sư giảng Kinh nói pháp chỉ có thính chúng ở hiện trường được lợi ích, thính chúng ngoài hiện trường thì không cách gì được lợi ích. Cho dù ngay trong thính chúng có số ít người phát tâm ghi chép lại những gì pháp sư đã nói ra, in thành sách để lưu thông ở đời, nhưng số lượng cũng vẫn rất có hạn, cho nên sức ảnh hưởng không thể nào mở rộng. Hiện tại khoa học kỹ thuật đại tiến bộ, ghi âm thu hình càng ngày càng thuận tiện. Hiện tại gần như mỗi một đạo tràng, mỗi một trường hợp đều có những thiết bị này. Máy móc càng ngày càng tiến bộ, giá cả càng ngày càng rẻ, càng ngày càng đại chúng hóa, cho nên chúng ta ở một nơi giảng Kinh thì toàn thế giới đều có cơ hội tiếp sóng nghe được. Hiện tại đường truyền internet còn có hình ảnh, âm thanh, văn tự, gần như đồng thời đều có thể xem thấy, cho nên công đức thỉnh Kinh so với quá khứ thật không biết là phải mở rộng đến bao lớn. Ở ngay chỗ này chúng ta có thể thể hội được, Phật nói pháp, mặt ảnh hưởng càng lớn, mức độ ảnh hưởng càng sâu, chúng sanh ảnh hưởng càng nhiều. Tất cả chúng sanh nhờ pháp môn này mà được độ, công đức của A Nan sẽ càng lớn, công đức của người thỉnh pháp này sẽ rất lớn. Việc này chúng ta phải nên biết, chúng ta phải nên học tập. Cho nên khi vừa hỏi, công đức chân thật như Thế Tôn đã nói, không thể nghĩ bàn. Phía trước Thế Tôn tán thán đối với ông hai chữ “Thiện tai”, câu hỏi này quá hay, thật là hợp với bổn hoài của Phật.

****************

Kinh văn: “A Nan! Như Lai dĩ vô tận đại bi căng ái tam giới, sở dĩ xuất hưng ư thế, quang xiển đạo giáo, dục chửng quần minh, huệ dĩ chân thật chi lợi”.

Chúng ta xem trước hai đoạn nhỏ này. Thế Tôn gọi tên của A Nan, đó là nhắc nhở ông chú ý, thực tế là nhắc nhở mọi người chúng ta chú ý, phía sau có lời rất quan trọng cần nói. Trước tiên nói ra “Như Lai” ứng hóa ở thế gian này với mục đích gì. Nói “Như Lai”, không nói Thế Tôn, ý nghĩa này rất rộng. Mười phương thế giới có rất nhiều chư Phật Như Lai, có rất nhiều Pháp Thân Đại Sĩ mỗi giờ mỗi phút ứng hóa ở thế gian này, đúng như trong “Phẩm Phổ Môn” đã nói là đáng dùng thân gì để độ, Phật Bồ Tát liền hiện ra thân đó để độ; chúng sanh có thể nghe được những pháp môn nào, Phật liền vì mọi người nói ra những pháp môn đó, ứng cơ nói pháp. Tại vì sao Phật phải đến thị hiện, tại vì sao phải đến nói pháp? Đạo lý này ở ngay chỗ này viên mãn tròn đầy, vì chúng ta nói ra. Như Lai dùng “vô tận đại bi thương xót ba cõi”, tám chữ này nói rõ Phật Bồ Tát tại vì sao ứng hóa ở thế gian này. Phàm phu đến thế gian này thì không cách nào, quả báo của nghiệp chiêu cảm, nghiệp đời quá khứ đã tạo cảm được quả báo, không thể không đến, đến thế gian này là chịu quả báo mà đến, đó là phàm phu. Chư Phật Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác, các Ngài đã thoát khỏi sáu cõi luân hồi, có thể không cần trở lại, tại vì sao vẫn còn đến? Các Ngài đến thế gian này không phải chịu quả báo. Sau khi thoát khỏi sáu cõi, không còn tạo ra nghiệp luân hồi nữa, tại vì sao các Ngài phải đến? Là vì nguyện lực mà đến, nhà Phật thường nói thừa nguyện mà đến, thừa nguyện tái lai. Nguyện gì vậy? Các Ngài học Phật đã từng phát ra nguyện: “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”. Nguyện đã phát ra rồi, hôm nay có trí tuệ, có năng lực, nếu các Ngài không quan tâm đến chúng sanh thì chỉ là nói suông, nói mà không làm, vậy thì làm sao được? Một người thiện quân tử thế gian đều giữ chữ tín, lời nói có chữ tín, thánh nhân xuất thế gian làm gì còn có thể vọng ngữ chứ? Quyết định không có vọng ngữ, quyết định giữ chữ tín, vĩnh viễn giữ chữ tín. Nguyện lực này chính là “vô tận đại bi”, tâm bi mẫn chúng sanh không có cùng tận.

/ 374