/ 374
685

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 52

A Nan nói: “Thế Tôn kim nhật, nhập đại tịch định”. “Đại tịch định” chính là thiền định sâu. Các vị phải nên biết, “định” không phải ngồi xếp bằng quay mặt vào vách nhắm mắt lại. Hiện tại chúng ta đều xem hình thức này cho là thiền định. Loại nhập định này là tiểu định chứ không phải đại định. Tiểu định thì sau khi vào định(1:46) thì không khởi được tác dụng, đại định thì đi đứng nằm ngồi đều là định. Thích Ca Mâu Ni Phật vì mọi người giảng Kinh nói pháp đều đang ở trong định.

Ý nghĩa của định là “ngoài không dính mắc, trong không động tâm”, không phải nói sáu căn không tiếp xúc cảnh giới bên ngoài. Thích Ca Mâu Ni Phật mắt cũng thấy, tai cũng nghe tiếng, sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần, trong tâm như như bất động, không bị cảnh giới bên ngoài nhiễu loạn. Phàm phu chúng ta thấy sắc nghe tiếng sẽ bị cảnh giới bên ngoài nhiễu loạn, bị cảnh giới xoay chuyển, vậy thì rất khổ. Phật và đại Bồ Tát các Ngài có công phu, thật có định lực, các Ngài có thể thấy như không thấy, sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần bên ngoài cùng với tâm thanh tịnh của các Ngài không hề có chút ô nhiễm. Loại định này gọi là Đại Tịch Định, trong định có thể thành tựu tất cả sự nghiệp.

Thiền định còn có một danh từ tiếng Phạn gọi là Tam Muội. Tam Muội chính là tịch định. Đại Tịch Định này người xưa thường gọi là “Bảo Vương Tam Muội”. Lại nói “Phổ Đẳng Tam Muội”, phổ là phổ biến, đẳng là bình đẳng. Tất cả các pháp Phật Bồ Tát đã chứng được bình đẳng, tất cả các pháp không những là trên lý bình đẳng, trên tánh bình đẳng, thực tế mà nói, trên sự cũng bình đẳng, khi ứng dụng cũng bình đẳng. Cảnh giới này rất sâu. Chúng ta ngày nay, nếu bạn nói trên lý bình đẳng, trên tánh bình đẳng, chúng ta sẽ gật đầu; nhưng nói trên tướng bình đẳng, trên sự bình đẳng thì chúng ta không đồng ý. Năm ngón tay đưa ra dài ngắn không đều nhau thì làm sao là bình đẳng? Mỗi một người dáng dấp cao thấp không như nhau, mặt mũi không như nhau thì làm sao bình đẳng?

Hiện tại chúng ta biết được trên sự này thì bình đẳng. Thế giới Tây Phương Cực Lạc sự là bình đẳng. Sanh đến Thế giới Cực Lạc dáng dấp của mỗi người là cao như nhau, tướng mạo hoàn toàn giống nhau, nhất định không khác nhau. Trên Kinh Vô Lượng Thọ nói, thân tướng mỗi một người đều giống như “Phật A Di Đà”. Thế giới Tây Phương gọi là thế giới bình đẳng. Thế giới này của chúng ta ngày nay nói bình đẳng, mọi người rất khó tiếp nhận, nhưng trên thực tế vẫn là bình đẳng, chúng ta chưa phát hiện ra. Tại sao nói là bình đẳng? Trên “Kinh Bát Nhã” nói: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”. Hảo tướng là hư vọng, ác tướng vẫn là hư vọng, hư vọng cùng hư vọng chẳng phải là bình đẳng hay sao? Làm gì mà không bình đẳng? “Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh”. Tất cả pháp đều là như mộng. Như mộng thì là bình đẳng. Cho nên nói tướng thật cũng bình đẳng, sự cũng bình đẳng. Vào cảnh giới bình đẳng thì tâm của bạn định, ở trong tất cả pháp tuyệt đối sẽ không khởi tâm động niệm, quyết định không có tốt xấu, quyết định không sanh phân biệt chấp trước. Vì sao vậy? Biết được tất cả pháp không thể được, biết được tất cả hiện tượng không sở hữu. Sự thật này các nhà khoa học hiện đại dần dần đang chứng thực được, dần dần cũng đang phát hiện, chứng thật trên Kinh Phật nói là sự thật. Tương lai chúng ta ở phía sau “Kinh Hoa Nghiêm” phải nói rõ chân tướng sự thật này.

Tâm của Phật vì sao là định? Phật hiểu rõ chân tướng của tất cả pháp, tuy là tùy loại hóa thân, tùy cơ nói pháp nhưng vẫn cứ là như như bất động, chân thật là “nói mà không nói, không nói mà nói”. Đó chính là tướng của đại tịch định, hiện tướng. Bao gồm tất cả hoạt động đều đang ở trong định, chính là trên Kinh Đại Thừa thường nói: “Na Già thường tại định, vô hữu bất định thời”. “Na Già” là tiếng Phạn, ý nghĩa của nó là Rồng Voi. Rồng chúng ta chưa thấy qua, voi thì chúng ta thấy qua. Bạn thấy voi lớn (đến vườn thú sẽ thấy voi lớn) một ngày từ sớm đến tối dáng vẻ của nó dường như đang ở trong định vậy, đi đứng rất chậm rãi, không vội, không khẩn trương, thái độ của nó giống như đang ở trong định vậy, cho nên dùng voi để làm thí dụ, thí dụ cho đời sống của Phật Bồ Tát đều đang ở trong định. Cho dù động tác rất là nhanh nhẹn, bạn tỉ mỉ mà quan sát vẫn là đang ở trong định. Vì sao vậy? Tâm của các Ngài là thanh tịnh, tâm không hề dao động, cho nên khi thân đang nhanh nhẹn, bạn quan sát thấy đều là đang ở trong định.

/ 374