735

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 41

************

Kinh văn: Viễn siêu Thanh Văn, Bích Chi Phật địa, nhập không vô tướng, vô nguyện pháp môn, thiện lập phương tiện, hiển thị tam thừa, ư thử trung hạ, nhi hiện diệt độ.

Đó là tướng thứ bảy trong tám tướng thành đạo: “Chuyển pháp luân”. Đoạn này đến một tiết sau cùng, như trong Kinh đã nói, đều là Chư Phật Như Lai thị hiện ở trong sáu cõi vì chúng ta làm ra tấm gương hoằng pháp lợi sanh tốt nhất. Đợi sau khi tiết này giảng xong, chúng ta sẽ làm một tổng kết, làm thế nào đem thị hiện của Phật để thực tiễn ngay trong cuộc sống thường ngày của chính ta và trong hoàn cảnh công tác của chính mình, như vậy chúng ta mới có thể học được Phật pháp chân thật.

Viễn siêu Thanh Văn, Bích Chi Phật địa” chính là quyết định sẽ không đọa lạc vào Nhị Thừa. Trong cái nhìn của phàm phu chúng ta, hàng Nhị Thừa cũng là thánh nhân, cũng không phải là phàm phu, họ có năng lực siêu việt sáu cõi luân hồi. Loại công phu nghị lực tu trì đó của họ, người thông thường chúng ta đích thực là không thể nào so sánh được, thế nhưng khi họ so với Bồ Tát thì cự ly này kém rất xa. Ở điểm này chúng ta cần phải hiểu rõ. Đối với người Tiểu Thừa, Thanh Văn chính là A La Hán, Bích Chi Phật chính là Duyên Giác, ở trong pháp Đại Thừa, Thế Tôn thường hay trách cứ hai người này. Việc trách cứ này trên thực tế chính là khích lệ cho họ, là khuyên họ bỏ Tiểu hướng Đại.

Tiểu Thừa tuy là phá được ngã chấp, cũng chính là nói họ đã bỏ được chấp trước, thế nhưng họ vẫn còn phân biệt, cho nên họ có thể siêu việt sáu cõi nhưng không thể siêu việt mười pháp giới. Phật đã nói qua, những người này cũng chẳng qua là ở trong Thiên Chân Niết Bàn trụ được một giai đoạn mà thôi, không thể nào vĩnh viễn đọa ở trong Nhị Thừa, nhất định họ sẽ quay đầu, nhưng quay đầu sớm hay trễ không đồng. Duyên Giác tương đối thông minh, căn tánh tương đối sắc bén, quay đầu được nhanh. A La Hán căn tánh tương đối độn, quay đầu tương đối chậm, nhưng nhất định là sẽ quay đầu. Quay đầu cũng chính là quay Tiểu hướng Đại. Một là do căn tánh không đồng, ngoài ra là gặp duyên có khác biệt, thông thường chúng ta gọi là cơ hội, họ phải thường gặp được Đại Thừa, thường gặp được thiện tri thức thì quay đầu liền nhanh.

Sự khác biệt giữa Tiểu Thừa và Bồ Tát là người Tiểu Thừa không chịu chủ động đi giúp người khác, như phía sau của đoạn Kinh này đã nói là “làm bạn không mời của tất cả chúng sanh”, chỗ này người Tiểu Thừa nhất định không làm được. Người Tiểu Thừa không phải không độ chúng sanh, nếu chúng sanh cầu đến họ thì họ còn phải xem chúng sanh đó có thiện căn hay không, có duyên phận hay không. Nếu bạn có thiện căn, có duyên phận thì họ hoan hỉ giúp bạn, dạy bảo bạn. Nếu họ xem thấy bạn không có thiện căn, không có duyên phận thì họ sẽ rất lãnh đạm với bạn. Không như Bồ Tát, Bồ Tát dùng tâm bình đẳng đối với tất cả chúng sanh, không có phân biệt, không có chấp trước. Về điểm này trên mặt đức hạnh thì A La Hán không thể sánh với Bồ Tát, đương nhiên sức định, đạo lực, trí tuệ cũng không thể bằng Bồ Tát. Tuy là công phu đoạn chứng của Bồ Tát giống y như họ nhưng trí tuệ đạo lực không như nhau.

Thí dụ, trong Đại Kinh nói với chúng ta, Bồ Tát Viên Giáo Thất Tín Vị đã đoạn kiến tư phiền não, tầng công phu này của họ giống như A La Hán, A La Hán cũng đoạn kiến tư phiền não, Bồ Tát Thất Tín Vị cũng đoạn kiến tư phiền não, cho nên đó là bình đẳng; đoạn phiền não thì giống nhau, nhưng thần thông, đạo lực, trí tuệ, thiền định thì không giống nhau, Bồ Tát Thất Tín Vị thì cao hơn rất nhiều so với A La Hán. Đạo lý này chúng ta tuyệt nhiên không khó hiểu, tâm lượng của Bồ Tát lớn, tâm lượng của A La Hán nhỏ, cho nên không như nhau, khác biệt ngay chỗ này.

Cho nên trong “Kinh Hoa Nghiêm” nói, ở thời kỳ Mạt Pháp, người đương cơ là người như thế nào? “Đại Tâm Phàm Phu”. Đại Tâm Phàm Phu còn đáng quý hơn so với Thanh Văn, Duyên Giác. Thanh Văn, Duyên Giác không có cơ duyên tu học Đại Kinh, như “Kinh Hoa Nghiêm”, “Kinh Pháp Hoa”, họ không có phần. Không phải Phật không bình đẳng mà là vì họ không tin tưởng, họ không bằng lòng tiếp nhận, ở điểm này họ còn thua xa với Đại Tâm Phàm Phu.

Gọi là phàm phu là vì một phẩm phiền não cũng chưa đoạn, không cần nói A La Hán không thể so sánh, mà Tiểu Thừa Tu Đà Hoàn cũng không thể so sánh, thế nhưng luận tâm lượng, luận kiến giải thì chân thật là siêu việt Tiểu Thừa, siêu việt Thanh Văn, Duyên Giác, đó là nói “căn tánh một loại Nhất Thừa Viên Giáo”, chân thật rất là đáng quý.