/ 374
1.055

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 40

Chúng ta tùy tiện nêu ra một thí dụ, thí dụ chúng ta ở trong nhà giặt quần áo, nấu cơm, đó là việc mà mỗi người phụ nữ chủ gia đình ngày ngày phải làm. Bạn có biết giặt quần áo là tu giới-định-huệ, nấu cơm cũng là tu giới-định-huệ không? Nếu như bạn thông đạt tường tận, bạn từ sớm đến tối khởi tâm động niệm không hề rời khỏi Bồ Tát hạnh, bạn đang tu Bồ Tát đạo. Nếu bạn không hiểu rõ, không thông đạt, thì tâm bạn là tâm luân hồi tạo nghiệp luân hồi. Khác biệt này quá lớn. Truy cứu căn nguyên của sự khác biệt này là sai biệt ở ngay một niệm, một niệm giác, một niệm mê. Một niệm giác, chúng ta giặt quần áo có trình tự của giặt quần áo, có phương pháp giặt quần áo, y theo phương pháp thứ tự mà làm chính là trì giới. Giặt quần áo phải có một khoảng thời gian, phải có mấy mươi phút, mấy mươi phút phải có lòng nhẫn nại ở đó chờ, đó là tu định. Quần áo giặt được sạch sẽ, được ủi thẳng đẹp, đó là trí tuệ. Cho nên không luận việc lớn việc nhỏ, luôn là tương ưng với “Tam vô lậu học”. Tương ưng với “Tam vô lậu học” thì tương ưng với “Lục độ”, tương ưng với mười nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền. Nếu như triển khai ra liền viên mãn, tương ưng với Bồ Tát lục độ vạn hạnh. Cho nên Bồ Tát đạo tu ở nơi nào? Chính ngay trong cuộc sống thường ngày, mọi nơi mọi chỗ đều là viên mãn Bồ Tát hạnh. Chúng ta dùng loại tâm tình này để cúng dường chư Phật.

Ngày nay chúng ta phải thực tiễn ngay bổn phận của mình, thực tiễn vào ngay hiện tiền, làm thế nào “cúng dường chư Phật”? Niệm Phật chính là cúng dường chư Phật. Niệm Phật phải biết niệm, phải “phát tâm Bồ Đề, một lòng chuyên niệm”. Tám chữ này chính là cúng dường chư Phật. Cúng dường chư Phật là tự độ. Cho nên, phát nguyện vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc thì không chỉ Thích Ca Mâu Ni Phật hoan hỉ tán thán, A Di Đà Phật hoan hỉ đến tiếp dẫn, mà mười phương ba đời tất cả chư Phật Như Lai đều khác miệng đồng âm đến khuyên bảo chúng ta, điều này chúng ta xem thấy ở trên Kinh A Di Đà. Chư Phật Như Lai vì sao phải tán thán? Chư Phật Như Lai chỉ có một tâm nguyện là “phổ độ chúng sanh sớm ngày thành Phật”. Phật Bồ Tát không hài lòng xem thấy chúng ta trễ một ngày thành Phật, luôn hy vọng nhìn thấy chúng ta mau chóng thành Phật. Đó là nguyện vọng của chư Phật Như Lai.

Pháp môn Niệm Phật vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc này là pháp môn ngay đời này thành Phật, là pháp môn đệ nhất tất cả chư Phật tiếp dẫn chúng sanh, không hề quanh co uyển chuyển, mà dạy cho bạn ngay trong một đời chứng được cứu cánh viên mãn. Bạn nói xem, pháp môn này thù thắng dường nào! Thế nhưng pháp môn như vậy nhất định phải độ chúng sanh căn tánh chín muồi. Làm sao biết chúng sanh căn tánh chín muồi? Họ sau khi nghe rồi có thể tin tưởng, không hoài nghi, liền có thể phát nguyện và không thoái chuyển, dõng mãnh tinh tấn thành thật niệm Phật. Họ thật đã làm được không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn. Người như vậy trong bổn tông gọi họ là chúng sanh căn tánh chín muồi, hay nói cách khác, duyên của họ làm Phật hiện tại đã chín muồi. Thật không dễ dàng. Không phải họ làm Bồ Tát, làm A La Hán, mà là làm Phật. Nhân duyên làm Phật đã chín muồi, hay nói cách khác, ngay trong đời này họ phải đi làm Phật. Việc này quá hi hữu.

Trên Kinh Di Đà nói: “Không thể thiếu thiện căn phước đức nhân duyên mà được sanh nước kia”. Họ đồng thời có đầy đủ ba điều kiện chủ yếu là thiện căn, phước đức, nhân duyên, cho nên họ nhất định được sanh. Sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc liền bất thoái thành Phật. Thành thật mà nói, sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc liền làm Phật, hạ hạ phẩm vãng sanh cũng làm Phật. Chúng ta xem thấy trong bốn mươi tám nguyện của Kinh này, đó là A Di Đà Phật chính mình nói: “Người vãng sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc đều là A Duy Việt Trí Bồ Tát”. A Duy Việt Trí chính là Phật, không phải Bồ Tát thông thường. Chư Phật Như Lai lại nói pháp môn này gọi là pháp khó tin. Đương nhiên khó tin, vì duyên làm Phật chưa chín muồi nên họ không tin tưởng. Vậy ai tin tưởng? Người làm Phật tin tưởng, không phải người làm Phật thì không tin tưởng. Đạo lý chính là như vậy. Người căn tánh Bồ Tát không tin tưởng. Người căn tánh Thanh Văn, Duyên Giác đương nhiên càng không tin tưởng. Chỉ có người căn tánh nhất Phật thừa thì họ tin sâu, không hoài nghi. Cho nên họ cúng dường chư Phật, cúng dường chư Phật chính là xưng niệm một câu danh hiệu này. “Một niệm tương ưng một niệm Phật”, cái niệm này không phải chỉ cúng dường một vị Phật, mà là cúng dường hết thảy hư không pháp giới mười phương ba đời tất cả chư Phật. Pháp môn này gọi là pháp môn bình đẳng, bình đẳng phổ cúng tất cả chư Phật Như Lai.

/ 374