/ 374
1.272

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 38

Các đồng tu mới học, nếu nói đến tâm hạnh tương ưng với tự tánh thì rất khó. Vì sao vậy? Vì chưa kiến tánh. Hạnh tương ưng với tâm tánh ở mức độ thấp nhất phải là Bồ Tát Viên Giáo Sơ Trụ. Từ Sơ Trụ trở lên đến bốn mươi mốt Pháp Thân Đại Sĩ mà trên “Kinh Hoa Nghiêm” đã nói, chúng ta xem thấy ở trên Kinh Hoa Nghiêm có hơn 170 đoàn thể, tâm hạnh của mỗi một người đều tương ưng với pháp tánh nên gọi là Pháp Thân Đại Sĩ. Ngày nay chúng ta là phàm phu sanh tử, một phẩm phiền não cũng chưa đoạn, chúng ta làm sao học được cái hạnh tương ưng? Phật dạy sơ học, Ngài định ra rất nhiều quy củ, bạn y theo quy củ này mà làm thì tương ưng. Phật nói ra những quy củ này, xin nói với các vị, đều là tánh đức.

“Tập” là học tập thường không gián đoạn, mãi không ngừng đang học tập hạnh tương ưng.

Hạnh tương ưng rải đều rất nhiều trong các Kinh luận, rốt cuộc chúng ta bắt đầu học từ chỗ nào? Chúng ta phát tâm chuyên tu Tịnh Độ, chuyên tu tịnh nghiệp, như vậy thì phạm vi Kinh luận chúng ta liền được thu nhỏ lại. Chúng ta y cứ ba Kinh một Luận, hoặc giả cận đại nói là năm Kinh một Luận, chúng ta căn cứ vào đây thì tốt, điển tích này thì không quá nhiều. Trong năm Kinh một Luận đã nói thì cũng rất phức tạp, cũng vẫn không dễ nắm giữ, thế là khi chúng ta mới xây dựng Tịnh Tông Học Hội, tôi viết ra một duyên khởi. Ở trong duyên khởi viết ra hành môn năm khóa mục, chỗ này mọi người dễ ghi nhớ. Khóa mục của hành môn phải đơn giản thì mới có thể ghi nhớ được, mới có thể học tập được. Quá nhiều, quá phức tạp, không thể ghi nhớ được thì không cách nào làm được. Cho nên bạn xem, hiện tại Tỳ kheo thọ 250 giới, giới điều quá nhiều, không thể ghi nhớ. Không nhớ được thì có thể làm được hay sao? Giới Tỳ kheo ni thì nhiều hơn. Giới Bồ Tát tại gia, trong “Kinh Phạm Võng” nói mười giới trọng, bốn mươi tám giới khinh, vậy cũng quá nhiều, không thể ghi nhớ. Không ghi nhớ thì không thể làm được. Nhất định phải đơn giản nhất, rất dễ dàng, mỗi giờ mỗi lúc đều có thể ghi nhớ, đều có thể đọc thuộc lòng thì bạn ở ngay trong cuộc sống thường ngày, khởi tâm động niệm lời nói việc làm mới có thể thức tỉnh chính mình có tương ưng với lời giáo huấn của Phật hay không. Cho nên, chân thật tu hành phải nắm được cương lĩnh.

Chúng ta đưa ra năm khóa mục.

NĂM KHÓA MỤC CỦA TỊNH TÔNG HỌC HỘI

● Khóa mục thứ nhất là “Tam phước”

Trong Quán Kinh đã nói, tam phước tổng cộng có ba điều, mười một câu. Điều thứ nhất là phước trời người, hay nói cách khác, bạn ở trong sáu cõi chân thật làm đến được thì bạn sẽ không mất thân người, bạn sẽ không đọa vào ba đường ác, bạn sẽ đời đời kiếp kiếp ở trời người để hưởng phước.

Câu thứ nhất là “hiếu dưỡng cha mẹ”, bạn đã làm được chưa? Câu thứ hai là “phụng sự sư trưởng”, câu thứ ba là “từ tâm bất sát”, câu thứ tư là “tu thập thiện nghiệp”. Bốn câu này ý nghĩa rất sâu, chúng ta đã từng làm qua chuyên đề diễn giảng. Bốn câu này phải ghi nhớ. Khởi tâm động niệm, lời nói việc làm có tương ưng với mấy điều này không? Nếu như không tương ưng thì sai. Phải thường tập tương ưng chi hạnh.

Phước thứ hai là phước hàng Nhị thừa Thanh Văn, Duyên Giác. Các vị phải nên biết, phước thứ nhất là phàm phu, phước thứ hai mới là Phật pháp, mới là học Phật. Phật pháp là xây dựng trên nền tảng của phước thế gian. Không có phước đức thế gian thì học Phật làm sao có được thành tựu? Hay nói cách khác, bạn làm người còn chưa làm được tốt thì làm sao có thể học Phật? Bốn câu này là dạy bạn làm người. Nếu như trái ngược với bốn câu này thì bạn không phải là một con người. Không phải là con người thì là súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục. Trong Tả truyện, sách xưa có câu nói: “Nhân khí thường tất yêu hưng”. Ý nghĩa câu nói này là gì vậy? Thường là ngũ thường “nhân-lễ-nghĩa-trí-tín”. Năm chữ này là thường đạo, làm người đều phải nên tuân thủ. Nếu như làm người mà không tuân thủ năm chữ này, đem nhân - lễ - nghĩa - trí - tín bỏ đi, làm những việc bất nhân bất nghĩa, thì người xưa nói đó là yêu ma quỷ quái, không phải là người. Cho nên, trời người đều có tiêu chuẩn đạo đức. Các vị thử nghĩ xem, bốn câu trong phước thứ nhất này, ý nghĩa của ngũ thường đều bao gồm ngay trong đó. Lấy cái này làm nền tảng để bước vào Phật pháp, lại học Phật. Cho nên, phước trời người được xếp ở bên trên phước Nhị thừa.

/ 374