PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 37
Kinh văn: “Thăng quán đảnh giai, thọ Bồ Đề ký, vi giáo Bồ Tát, tác A Xà Lê, thường tập tương ưng, vô biên chư hạnh, thành thục Bồ Tát, vô biên thiện căn, vô lượng chư Phật, hàm cộng hộ niệm”.
Đoạn Kinh văn này cùng với nghi thức vừa rồi của Thôn A Di Đà rất là tương ưng. Đoạn này là “Thọ ký Phật hộ”, chư Phật hộ niệm. Tu học Phật pháp, mục tiêu sau cùng mà chư Phật Bồ Tát dạy bảo đều không ngoài hy vọng chúng ta thành Phật, nhất là chính ngay trong một đời này làm Phật, hơn nữa còn làm Phật cứu cánh viên mãn. Tôi nghĩ, tuy ngày trước mỗi một vị đồng tu đã từng nghe qua “Kinh Vô Lượng Thọ”, “Kinh A Di Đà”, cho đến các Kinh luận Đại Thừa khác, có thể đã nhiều lần nghe qua những lời nói này, thế nhưng luôn là nghi hoặc, không thể tin tưởng, tin sâu thì càng không thể nói đến. Đó là do nguyên nhân gì vậy? Lý này quá sâu, sự quá phức tạp, không phải thường thức phàm phu chúng ta có thể lý giải được, cho nên không thể tin sâu. Không thể tin sâu là hiện tượng rất bình thường. Lần này ở Singapore chúng ta hội họp tại Cư Sĩ Lâm không giống như ngày trước, nền tảng của mười năm trước đây, cho nên ngày nay chúng ta khởi giảng Đại Kinh, chỉ có “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh” mới đem sự việc này nói được thấu triệt, nói được tường tận. Việc này đối với chúng ta có sự giúp đỡ rất lớn, khiến cho chúng ta không chỉ sanh khởi tín tâm, mà còn tin sâu, không hoài nghi. Đồng thời chúng ta còn dành ra thời gian một ngày để nói với các vị một cách tường tận về “Kinh Vô Lượng Thọ”, cũng chính là thâm nhập Tịnh Độ, không ngoài làm cho chúng ta đoạn nghi sanh tín, ở ngay trong một đời này đích thực thành tựu Phật quả cứu cánh viên mãn. Duyên phận hy hữu thù thắng như vậy, đúng như trong kệ khai Kinh đã nói: “Trăm ngàn vạn kiếp khó được gặp”, cũng giống như cư sĩ Bàng Tế Thanh đã nói: “Vô lượng kiếp đến nay một ngày hy hữu khó gặp”. Ngày hôm nay chúng ta gặp được, may mắn đến dường nào. Hy vọng chúng ta phải trân trọng nhân duyên hy hữu này, cố gắng nắm giữ, thành tựu đạo nghiệp một đời.
Kinh văn tiếp theo ở phía trước là một đoạn sau cùng ở trong hành môn: “Thăng quán đảnh giai, thọ Bồ Đề ký, vi giáo Bồ Tát, tác A Xà Lê”. Chúng ta thấy đoạn Kinh văn này rất giống như khẩu khí của Mật tông. Không sai, đích thực là mật pháp. Trong bộ Kinh này, Hiển, Mật, Tông, Giáo viên dung. Trong “Kinh Vô Lượng Thọ” bao gồm giáo nghĩa của các tông các phái, đích thực Kinh văn không dài, nhưng rất là viên mãn, rất là hy hữu. Do đây có thể biết, chúng ta có cần phải niệm chú hay học mật không? Không cần thiết, trong Kinh này đều bao gồm hết, mọi thứ đều không kém khuyết, đích thực là đại viên mãn giáo.
“Quán đảnh” là nghi thức của Mật Tông thọ ký. Thế nhưng Mật Tông quán đảnh phân ra rất nhiều giai đoạn. Ban đầu học Phật, thọ tam quy thì Thượng sư quán đảnh cho bạn. Ban đầu tôi học Phật thọ Tam quy là nhờ Đại Sư Chương Gia truyền thụ, cũng nhận qua nghi thức quán đảnh, nhưng đó chỉ là hình thức mà thôi, rốt cuộc ý nghĩa chân thật của quán đảnh chúng ta không hiểu, Đại Sư cũng không giảng giải tường tận cho chúng ta nghe. Trong nghi thức tuyệt nhiên không có giải thích rõ ràng, bởi vì người nhận quy y một lần có mấy trăm người, số người rất nhiều, thời gian rất thúc bách. Thế nhưng thời gian tôi thân cận Đại Sư nhiều, cho nên vào lúc thân cận có rất nhiều nghi vấn thì thỉnh giáo với Đại Sư Ngài, nhờ sự khai đạo của Ngài. Nghi thức quán đảnh, quan trọng nhất là phải hiểu rõ nội dung của nó. Trong “Mật Tạng Ký Sao” của “Đại Tạng Kinh” có giải thích tỉ mỉ đối với quán đảnh.
“Quán” có ý nghĩa thí dụ cho đại bi hộ niệm, chính là đại từ đại bi, ngày nay chúng ta gọi là gia trì, đại từ bi gia trì, đại từ bi hộ niệm, hoặc giả là người thế gian nói là “đại từ bi bảo hộ”, ý này đều có thể nói được thông. “Đảnh” là cao nhất. Đầu của người là cao nhất. Đảnh đại biểu trong tất cả pháp môn là pháp môn cao nhất, pháp môn thù thắng nhất, đỉnh pháp. Do đây có thể biết, chúng ta đem hai chữ “quán đảnh” này liên kết lại thì liền rõ được ý nghĩa, đó là Phật dùng đại từ đại bi đem đảnh pháp viên mãn nhất thù thắng nhất truyền thụ cho bạn, đó gọi là quán đảnh. Không phải rải vài giọt nước lên trên đầu của bạn thì gọi là quán đảnh, quán đảnh như vậy không ích gì, đó là hình thức biểu pháp. Quan trọng là họ truyền pháp cho bạn. Pháp này đương nhiên là đảnh pháp chí cao vô thượng, bạn đạt được pháp môn này quyết định được tất cả chư Phật hộ niệm, tất cả chư Phật gia trì, giúp đỡ bạn, khiến cho bạn khế nhập đảnh pháp, khế nhập pháp môn quả địa cứu cánh Như Lai, đó mới gọi là quán đảnh. Do đây có thể biết, quán đảnh trên hình thức, trong Hiển Giáo của chúng ta quy y trên hình thức, thọ giới trên hình thức đều không đủ tin cậy. Phật pháp phải nói đến thực chất, phải nói chân thật, bạn chân thật chịu làm.