PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 35
Kinh văn: “Điều chúng sanh, tuyên diệu lý, trữ công đức, thị phước điền, dĩ chư pháp lạc, cứu liệu tam khổ”.
Đoạn Kinh văn này chính là nói “bi trí liệu khổ”. Trên Kinh Phật nói với chúng ta, tam giới đều là khổ, đó là nói đến trên trời và nhân gian. Cái khổ của nhân gian, người hiện đại chúng ta, nhất là trong mấy năm gần đây, cảm xúc của chúng ta rất là sâu sắc. Trên Kinh Phật nói có hai mươi tám tầng trời, trời cũng là rất khổ. Trên Kinh Phật nói với chúng ta, cái khổ vô lượng vô biên, có thể phân làm ba loại lớn là khổ khổ, hoại khổ và hành khổ, ba loại lớn này thảy đều bao gồm trong đó.
“Khổ khổ”, chữ khổ phía sau là danh từ, chữ phía trước là động từ. Sự bao hàm ở trong đó, thực tế mà nói là quá nhiều quá rộng, Phật cũng đem nó quy nạp lại thành tám loại, nên gọi là tám khổ. Các vị phải nên biết, tám khổ chính là thuyết minh rõ khổ khổ, trong đó có sanh-lão-bệnh-tử, có cầu bất đắc, có ái biệt ly, oán tắng hội và ngũ ấm xí thạnh (những danh từ này, tôi nghĩ không cần phải nói tỉ mỉ, vì nói tỉ mỉ sẽ chiếm rất nhiều thời gian). Tám khổ giao nhau.
“Hoại khổ”, đối với tất cả sắc tướng nó luôn có biến hoại. Khi nó tồn tại, chúng ta cảm thấy được rất tốt đẹp, đến khi biến hoại thì liền cảm thấy rất khổ, cho đến điều sau cùng nói đến là “hành khổ”. Thí dụ như người thế gian thường nói “không thể trẻ mãi”, đây chính là thuộc về hành khổ. Sát na sát na nó đang thay đổi, sát na sát na nó đang xê dịch, luôn luôn thay đổi, đó là thuộc về hành khổ. Phật nói với chúng ta, trong Dục Giới, ba loại khổ này đều có, ngày tháng rất khó qua.
Trời Sắc Giới không có khổ khổ, vì sao vậy? Khống chế được dục, nên gọi là “thiểu dục tri túc”. Họ có trí tuệ, có sức định, có thể đem tham ái hưởng thọ trong năm dục sáu trần xả bỏ, do đó mà họ không có khổ khổ. Người Trời Sắc Giới là hóa sanh, cho nên họ không có sanh-lão-bệnh-tử khổ. Cõi Dục Giới đều có thai sanh, noãn sanh, thấp sanh và hóa sanh, nhưng thai sanh, noãn sanh, thấp sanh là chiếm đại đa số. Người Trời Sắc Giới đã lìa khỏi dục, thí dụ chúng ta gọi năm dục là “tài, sắc, danh, thực, thùy”, những thứ này họ đều xả bỏ. Việc này khiến cho chúng ta rất khó tưởng tượng ra được. Chúng ta xả tài còn có thể được, xả sắc (sắc tình nam nữ) cũng có thể được, vẫn chưa phải là chết, danh cũng có thể không cần, nhưng không ăn thì không được, không ăn thì có người nào chịu nổi, không ngủ cũng không thể được. Các vị phải nên biết, người Trời Sắc Giới có thiền định rất sâu, “thiền duyệt vi thực”, cái ăn là dùng từ để nuôi thân, từ nuôi thân thể không cần phải có thức ăn, mà là thiền định; cũng không cần phải ngủ nghỉ, họ luôn luôn tỉnh táo. Thiền định là tỉnh táo, không phải hôn trầm. Họ ở ngay trong định, luôn luôn tỉnh táo. Họ chứng minh cho chúng ta thấy, năm dục đều có thể xả được. Hiểu rõ được đạo lý này, chúng ta phải nên tận khả năng hạ thấp lòng tham xuống. Hạ thấp tham-sân-si xuống sẽ có cái tốt nhất định đối với chính mình, không chỉ có sự giúp đỡ cho việc tu học, giúp cho bạn khai trí tuệ, mà đối với thân thể còn có sự giúp đỡ rất tốt, người thế gian gọi là khỏe mạnh sống lâu, không dễ dàng già yếu, định huệ khởi lên tác dụng nhất định.
Người sức định càng sâu, họ biết được thân thể này vẫn là một việc phiền phức. Sắc tướng, người Trời Sắc Giới có thân thể, tuy là không có khổ khổ, nhưng họ có hoại khổ, thân hình sẽ có một ngày hoại đi, hoàn cảnh lầu các cung điện nơi ở cũng sẽ có một ngày bị hủy diệt, cho nên họ có hoại khổ. Thế là một số người thông minh, biết được hoại khổ từ do đâu mà có. Bởi vì có thân, bởi vì có sắc tướng nên mới có hoại khổ, vì vậy họ còn tiến thêm một bước nữa là không cần đến cái “thân”, sắc tướng cũng xả bỏ luôn, tiến vào Vô Sắc Giới. Vô Sắc Giới đương nhiên không có hoại khổ và khổ khổ, nhưng họ vẫn có hành khổ. Hành khổ chính là cảnh giới này tuy là tốt, nhưng không thể vĩnh viễn giữ gìn, khi thời gian đến thì họ không thể giữ được. Đó là tầng thứ cao nhất trong tầng trời, không có cao hơn, nên họ không giữ gìn được thì liền phải hướng xuống đọa lạc, đây gọi là hành khổ.
Phật nói với chúng ta, tam giới thảy đều là khổ. Trong “Kinh Pháp Hoa” hình dung ba cõi như nhà lửa, cũng giống như một tòa nhà lớn vậy, bên trong đã bị cháy, không có nơi nào là an toàn. Cho nên chúng ta nhất định phải nên biết, trong sáu cõi chỉ có khổ, không có vui. Cái gọi là vui là gì vậy? Vui là cái khổ tạm thời đình chỉ. Bạn cảm thấy được rất vui, kỳ thật đó là cái thấy sai lầm của bạn. Phật nói rất có đạo lý. Thí dụ nói, con người mỗi ngày không thể ăn ít hơn ba bữa cơm, ba bữa ăn no rồi thì cảm thấy rất an vui, một bữa không được ăn thì đói thấy rất khổ, hai bữa không được ăn thì sẽ càng khổ hơn, có thể thấy được khổ là thật. Ăn uống là gì? Là trị bệnh đói của bạn. Cái thân này có gì tốt, có cái gì vui đâu? Đến lúc thì phải trị một chút, nếu không trị một chút thì chịu không nổi. Đây là chân tướng sự thật. Có mấy người nghĩ đến, mấy người chú ý đến chân tướng sự thật này? Cho nên tỉ mỉ mà nghĩ, lời Phật đã nói mỗi câu đều là chân thật.