PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 34
Chúng ta nhất định phải ghi nhớ, nếu chúng ta muốn học Phật, muốn vãng sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc mà không phá phiền não thì không được. Bạn thật muốn phá phiền não thì tôi ở ngay đây nhắc nhở bạn: “Tâm không được có ác niệm”. Cái gì là ác? Đó là mười ác: “Sát, đạo, dâm, vọng ngữ, hai lưỡi, ỷ ngữ, ác khẩu, tham, sân, si”. Việc này mọi người dễ ghi nhớ. Tâm không có ác niệm, mười ác niệm này chân thật không còn, cũng không tà tư, khởi tâm động niệm đối với người, với việc, với vật là một mảng chân thành, cung kính, từ bi, quyết định không có một chút ý niệm chiếm tiện nghi lợi ích của người khác (vì đó là tà tư). Vĩnh viễn giữ gìn quyết không xâm hại người khác. Ta phải nên xả mình vì người. Người khác xâm chiếm của ta, ta không nên để ý đến, bố thí Ba La Mật cúng dường họ, chúng ta quyết không xâm chiếm chút gì lợi ích của người khác. Miệng không nói lời ác, thân không tà hạnh, mỗi niệm quan tâm xã hội, quan tâm chúng sanh, thương yêu xã hội, thương yêu chúng sanh, toàn tâm toàn lực giúp đỡ xã hội này, giúp đỡ tất cả chúng sanh. Chúng ta phải có cái tâm này. Bạn có thể giữ cái tâm này, có thể tu hành như vậy thì nhất định được chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần bảo hộ, phiền não của bạn liền sẽ ít đi.
“Hoại chư dục trạm”. “Trạm” là thí dụ. Trước kia thành thị có tường thành, bên ngoài thành có hào giữ thành, hào giữ thành gọi là trạm. Phật ở ngay chỗ này đem phiền não thí dụ cho thành, đem dục vọng thí dụ cho hào giữ thành. Tất cả chúng sanh ở thế gian này đều có dục vọng; “ngũ dục”, năm loại dục vọng mãnh liệt là “tài, sắc, danh, thực, thùy”; “lục dục” là “sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp”, cũng gọi là lục trần. Những thứ này phải viễn ly, phải buông bỏ, đem dục vọng của đời sống chúng ta hạ xuống đến mức độ thấp nhất, đời sống của bạn liền được đại tự tại, ngay đời này bạn chân thật được hạnh phúc mỹ mãn. Ai hiểu được điều này? Thích Ca Mâu Ni Phật hiểu được. Ai làm đến được điều này? Phật và học trò của Ngài làm được. Bạn xem, các Ngài trải qua đời sống dưới gốc cây ngủ một đêm, nửa ngày ăn một bữa, không có gánh nặng nào. Các Ngài thật tự tại. Người thế gian mê hoặc điên đảo, tham đắm năm dục sáu trần, nghĩ hết cách phải thành gia lập nghiệp, thành một cái nhà. Nhà là gì? Nếu các vị xem thử kiểu dáng của cái nhà, văn tự của Trung Quốc giống như chữ “hào”, thì bạn xem ra là một cái phòng nhỏ. Trong cái phòng nhỏ là gì? Là chú heo nhỏ, đó chính là nhà. Phật thông minh, Phật không làm cái việc này. “Nghiệp” là gì? Nghiệp là nghiệp chướng, chướng ngại bạn “minh tâm kiến tánh”, chướng ngại bạn thoát sanh tử, ra khỏi ba cõi. Gia nghiệp trói buộc, cho nên người giác ngộ liền đem nó xả bỏ. Vậy ngày nay chúng ta xem thử, người xuất gia chúng ta có thật xuất gia hay không? Không có! Ra khỏi cái nhà nhỏ, làm thành một cái nhà to; xả bỏ nghiệp nhỏ, làm thành một đại nghiệp, thật khổ nói không ra lời. Cho nên phải tỉ mỉ mà tư duy, nghĩ xem khi Phật còn ở đời, Ngài dạy chúng ta như thế nào? Những Tổ sư đại đức xưa nay làm thế nào dạy bảo chúng ta?
Khi Thế Tôn còn ở đời, Ngài không có đạo tràng. Đến lúc tuổi già, có một số quốc vương đại thần cung cấp một số Tinh Xá, vườn rừng để cúng dường cho người xuất gia, thỉnh Phật ở nơi đó giảng Kinh nói pháp, nhưng đó là thỉnh Phật ở nơi đó tạm trú, không hề đem nơi đó tặng cho Thích Ca Mâu Ni Phật. Vườn rừng đạo tràng vẫn là của các tín đồ, họ có quyền sở hữu, chủ quyền là của chính họ. Thích Ca Mâu Ni Phật cùng những đệ tử này, nếu dùng lời hiện đại mà nói, các Ngài có quyền sử dụng, không có quyền sở hữu. Giống như chúng ta ở nhà nghỉ vậy, chúng ta đến ở vài ngày, mấy ngày này chúng ta có quyền sử dụng, ông chủ có quyền sở hữu, cho nên vẫn là không có. Chẳng phải đã nghe Lão Hòa thượng tiền bối nói với chúng ta, cái phòng này khi mưa xuống thì bị dột, người xuất gia ở chỗ này dột thì dọn qua nơi không dột, chỗ này lại dột nữa thì thôi, dọn đi nơi khác vậy. Sửa sang phòng ốc là việc của người chủ, do họ tu sửa, người ở trong phòng không lo việc này. Loại cúng dường đó là công đức chân thật. Ngày nay có một số tín đồ mua nhà cửa, đem quyền sở hữu cúng dường cho pháp sư, pháp sư liền bước lên thòng lọng, bị lỗ thiệt to. Không phải là bạn muốn xuất gia hay sao? Lại kéo bạn trở lại, đây là nhà của ông, ông lại quay lại rồi, lại có một cái nhà. Vừa có nhà thì liền bị nhốt chết, vĩnh viễn không thể thoát khỏi luân hồi. Hy vọng đồng tu xuất gia chúng ta phải có cảnh giác cao độ, quyết không bị thiệt. Nếu như bạn muốn hỏi, chúng ta không có bất cứ thứ gì mà vẫn có thể thân tâm an ổn, vẫn có thể làm đạo sao? Cả đời tôi làm tấm gương cho các vị, làm thí dụ cho các vị. Cả đời tôi không có đạo tràng, đều là ở đạo tràng của người khác, cả đời này chẳng phải trải qua được rất tự tại, chẳng phải cũng trải qua được rất an vui hay sao? Không có gia nghiệp càng tự tại, càng an vui. Nếu như chân thật là không có người quan tâm đến tôi, không có người thỉnh tôi giảng Kinh, không có nơi nào để tôi ở, xin nói với các vị, thì tôi an vui không gì bằng, tôi lập tức đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, A Di Đà Phật liền đến tiếp dẫn tôi đi. Các vị vẫn biết cúng dường, tìm tôi giảng Kinh thì tôi cũng không còn cách nào khác, phải ở thêm vài ngày vậy. Đó là sự thật. Dục vọng giảm xuống đến mức thấp nhất, hiện tại tôi gần như không có dục vọng. Hoằng pháp lợi sanh là việc của các vị, không liên quan với tôi. Tôi ở đây giảng Kinh, các vị muốn đem nó lưu thành băng đĩa để truyền bá khắp nơi, lợi ích chúng sanh là việc của các vị, không liên quan gì với tôi. Từ trước đến giờ tôi không nghe, không hỏi, vì đó không phải là việc của tôi, ai thích thì người đó đi làm, tôi cũng không có bản quyền, cũng không gởi quan cáo các vị về tác quyền. Chúng ta phải học người thông minh, phải nên biết những thứ này không phải là việc tốt, quyết định không để nó chướng ngại. Xả bỏ tất cả chướng ngại mới có thể được đại tự tại.