PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 25
Kinh văn: “Cụ túc vô lượng hạnh nguyện, an trụ nhất thiết công đức pháp trung”.
Phía trên, chúng ta đã giảng đến câu này. Hàm nghĩa trong câu này rất sâu, rất rộng. “Hạnh” là hành vi đời sống của Bồ Tát, cũng chính là nói đời sống, công việc của Bồ Tát, thậm chí đến đối nhân xử thế tiếp vật, thông thường chúng ta gọi là thù đáp qua lại. Phàm phu và Phật Bồ Tát rốt cuộc thì có những khác biệt gì? “Nguyện” là mong cầu, là hy vọng. Trong tâm phàm phu mong cầu thứ gì, Bồ Tát mong cầu thứ gì, chúng ta không thể nào không biết.
Đời sống hành trì của chúng ta, trên thực tế mà nói là rất lộn xộn, rối rắm. Chúng ta phải bắt đầu nói từ đâu? Thế Tôn ở ngay trong tất cả Kinh luận, vì chúng ta nói ra rất nhiều qui phạm, cương lĩnh. Chúng ta nắm được những qui phạm, cương lĩnh này thì liền có cửa để đi vào. Sau khi Tịnh Tông Học Hội thành lập, trong rất nhiều cương lĩnh, chúng ta chọn ra năm khóa mục. Thứ nhất là “Tam Phước”. Lần trước tôi đã nói qua với các vị rồi, Tam Phước thành tựu đức hạnh của chính mình. Con người nhất định không thể rời khỏi xã hội mà đơn độc sinh tồn. Con người là động vật xã hội, hay nói cách khác, con người ở ngay trong đời sống nhất định phải có mối quan hệ với mọi người. Làm thế nào cùng ở chung với mọi người? Vậy thì phải nói đến “Lục Hòa”.
LỤC HÒA KÍNH
“Lục Hòa Kính” là qui củ mà Thế Tôn định ra cho chúng ta. Chúng ta chung sống với mọi người cần phải tuân thủ nguyên tắc này. Lục là sáu điều. Trong sáu điều này đều có hòa, không những phải hòa mà còn phải kính, gọi là “lục hòa kính”. Năm xưa, Pháp sư Minh Sơn đến Singapore, ông đã viết cho chúng ta sáu phép hòa kính. Chúng ta cũng in ra rất nhiều, phổ biến cũng rất rộng. Sáu điều này, chỉ cần là đồng tu học Phật, không luận tại gia hay xuất gia, không luận từ ngành nghề nào cũng đều cần thiết. Mỗi niệm không rời sáu điều này, phải thường ghi nhớ trong tâm, chăm chỉ, nỗ lực y giáo phụng hành.
● Điều thứ nhất, “Kiến hòa đồng giải”
Ngày nay, trong xã hội có nhiều người đem khẩu hiệu “hòa bình cùng sống, cùng tồn tại phát triển” gắn ở trên miệng, tuy là phổ biến tuyên truyền khắp nơi nhưng hiệu quả chưa được như ý muốn. Nguyên nhân này là do đâu? Tuy nói cùng tồn tại hòa bình, nhưng dùng phương pháp gì để đạt đến cùng tồn tại hòa bình thì họ không hề nói được. Nếu như nói mà không có lý luận, không có phương pháp, chỉ có câu khẩu hiệu thì đương nhiên là trống không. Phật dạy chúng ta “kiến hòa đồng giải”, đó chính là lý. Nền tảng của hòa thuận được xây dựng trên ý niệm này.
“Kiến” là tư tưởng, kiến giải. Làm thế nào để có thể đạt đến được “cùng hiểu” (tức “xây dựng cùng hiểu” theo cách nói hiện nay)? Mọi người chúng ta có kiến giải như nhau, nhận biết như nhau, đó là căn bản cùng sống với nhau hòa bình. Vậy tiêu chuẩn nào để có kiến giải giống nhau, cách nghĩ giống nhau? Giáp nói tư tưởng kiến giải của ông chính xác, Ất cũng nói tư tưởng kiến giải của ông chính xác, rốt cuộc thì ai chính xác? Chúng ta phải theo ai? Dùng lời thành thật mà nói, chúng sanh thời Mạt Pháp ngày nay cũng giống như Kinh Địa Tạng đã nói là “can cường nan hóa”, đều cho rằng chính mình đúng, người khác sai. Người người đều nghĩ như vậy, cho nên sanh ra rất nhiều mâu thuẫn, xung đột, làm gì có hòa bình. Chúng ta xem thấy đều là đấu tranh kiên cố. Muốn tiêu trừ những đấu tranh này nhất định phải xây dựng cùng hiểu. Tiêu chuẩn Phật nói cho chúng ta nghe thật hay, chúng ta nghe rồi bội phục, khẳng định, có thể phụng hành.
Phật dùng tiêu chuẩn gì để xây dựng cùng hiểu? Phật nói, mỗi người phải buông bỏ thành kiến của chính mình, đem cách nghĩ, cách thấy của chính mình buông bỏ, vậy chẳng phải là cùng hiểu rồi sao? Việc này cao minh. Phật tuyệt nhiên không hề nói “tri kiến của các người là sai rồi, tri kiến của ta là chính xác”. Nếu Phật nói như vậy, chúng ta nghe rồi cũng lắc đầu, “Thích Ca Mâu Ni Phật Ngài cũng chưa chắc gì chính xác, làm sao tôi có thể đi theo Ngài được chứ?”. Phật nói, mọi người chúng ta đều đem cách nghĩ, cách nhìn của chính mình thảy đều buông bỏ, như vậy là chính xác, chúng ta có thể tiếp nhận. Chư Phật Như Lai không hề xỏ mũi chúng ta kéo đi, mà các Ngài dạy bảo chúng ta người người đỉnh thiên lập địa, cho nên trong Phật pháp gọi Phật là “Vô Y Đạo Nhân”.