684

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 24

Lời nói này nếu không giảng cho rõ ràng thì rất dễ hiểu lầm, biến thành mê tín. Nếu cho rằng ta muốn học Phật thì phải học với Thích Ca Mâu Ni Phật là sai rồi. Thích Ca Mâu Ni Phật nói: “Bạn phải nương vào tự tánh của bạn”. Thích Ca Mâu Ni Phật nương vào tự tánh, chúng ta cũng nương vào tự tánh, chúng ta cùng với Thích Ca Mâu Ni Phật là bình đẳng. Cho nên tự tánh Tam Bảo quan trọng hơn bất cứ thứ gì. “Tự tánh Giác, Tự tánh Chánh, Tự tánh Tịnh” là ba đại cương lĩnh tu học Phật pháp. Tuy là nói như vậy, nói không sai, nhưng rốt cuộc chúng ta phải học từ chỗ nào? Chúng ta đích thực là mê mà không giác, khởi tâm động niệm là tà mà không chánh, là nhiễm mà không tịnh. Phật dạy chúng ta từ mê quay lại, nương vào tự tánh giác; từ tà tri tà kiến quay đầu lại, nương vào chánh tri chánh kiến; từ tất cả ô nhiễm quay đầu lại, nương vào tâm thanh tịnh. Thế là Phật giáo liền có ba pháp môn, giống như giảng đường này có ba cái cửa có thể bước vào. Giác - Chánh - Tịnh ba cái cửa. Chúng ta xem thử trình độ của chính mình, căn tánh của chính mình, xem cửa nào tương đối dễ vào thì bạn đi vào cửa đó, không nên miễn cưỡng. Miễn cưỡng thì khó. Trong Phật giáo, các vị nên biết có Thiền tông, Tánh tông. Thiền tông, Tánh tông là vào từ “Cửa Giác”, cho nên gọi là đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh. Đó là người căn tánh lanh lợi, thông minh nhất thế gian này, mới có năng lực tu pháp môn này. Đại Sư Huệ Năng giảng, những đối tượng mà Ngài tiếp dẫn là người thượng thượng thừa. Nếu không phải là người thượng thượng thừa thì cửa này không thể vào được. Ngày trước khi tôi mới học, lão sư nói với tôi: “Thiền thì giống như một bước lên trời”. Bạn có bản lĩnh này thì đương nhiên rất tốt, một bước thì lên trời, giống như chúng ta lên lầu cao mười tầng vậy, bạn có được công phu này (người Trung Quốc gọi là công phu), bạn từ dưới đất nhảy một cái thì lên đến lầu mười, vậy thì còn lời gì để nói. Việc này không phải người thông thường có thể làm được. Thế nhưng, nếu bạn không nhảy lên được, rớt trở xuống thì tan xương nát thịt, tiêu rồi, đây không phải là người thông thường có thể làm được. Thông thường người có căn tánh trung hạ thì phải làm sao? Không cần lo, có cầu thang. Bạn leo cầu thang đi lên từng cấp, từng cấp, chậm một chút không hề gì. Giáo hạ là vào từ “Cửa Chánh”, chánh tri chánh kiến. Cho nên, đường đi của Phật rất nhiều. Leo cầu thang thì thời gian dài, phải mất ba A Tăng Kỳ kiếp, đó là nói học giáo. Hiện tại chúng ta rớt hai cửa đầu. Chúng ta không phải là thượng căn, không thể một bước lên trời; leo cầu thang quá chậm, mệt chết người, lại không muốn leo, vậy còn có phương pháp nào không? Vẫn còn một phương pháp, đó là niệm “A Di Đà Phật”. “A Di Đà Phật” là vào từ “Cửa Tịnh”, tức tu tâm thanh tịnh. Chỗ này thực tế mà nói, bạn là người có công phu cũng được, người không có công phu cũng được, bạn chỉ cần dùng một câu “A Di Đà Phật” tịnh hóa ô nhiễm của bạn (ngày nay chúng ta gọi là ô nhiễm tinh thần, ô nhiễm tâm lý, ô nhiễm tư tưởng, ô nhiễm kiến giải, thậm chí ô nhiễm cả sinh lý). Chúng ta dùng một câu A Di Đà Phật đem nó tịnh hóa, sau đó chúng ta nương công đức bổn nguyện của A Di Đà Phật cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ. Sanh đến Thế giới Cực Lạc, thành tựu và thọ dụng của chúng ta so với người căn tánh thượng thượng căn của Thiền tông không biết là cao hơn gấp bao nhiều lần, cho nên pháp môn này là thù thắng không gì bằng. Hôm nay chúng ta giảng bộ Kinh này, chính là giảng pháp môn này, đây là pháp môn mà chư Phật tán thán. Chúng ta có thể gặp được pháp môn này, ngay Bồ Tát Phổ Hiền cũng bội phục. Cho nên trong ba cái cửa Tam quy, chúng ta nên đi vào cửa tịnh, vì cửa giác thì chúng ta không cách gì đi, cửa chánh cũng rất khó đi. Chúng ta chọn đường nhỏ, đi cửa Tịnh, chọn tâm thanh tịnh. Điểm này quan trọng hơn bất cứ thứ gì.

  • Câu thứ hai, “Cụ túc chúng giới”

 Câu này chính là dạy chúng ta phải trì giới. “Chúng giới”, “chúng” là rất nhiều, “giới” này là nghĩa rộng, không phải là nghĩa hẹp, không phải nói năm giới, mười giới, giới Tỳ Kheo, giới Tỳ Kheo ni, giới Bồ Tát, phạm vi đó rất là nhỏ hẹp. Nghĩa của chữ “giới” này rộng hơn so với phạm vi này. “Giới” ở đây nghĩa là giới điều. Chúng giới là chỉ cái gì? Là lời giáo huấn của Phật dạy bảo cho chúng ta ở trong tất cả Kinh. Tất cả Kinh quá nhiều, chúng ta cũng không cách gì thọ trì. Thực tế mà nói, ngay trong một đời của chúng ta chỉ thọ trì một bộ Kinh, y theo lời răn dạy của một bộ Kinh mà làm thì rất viên mãn rồi, nhất là một bộ “Kinh Vô Lượng Thọ” này.