956

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 15

Kinh văn: “Hàm cộng tuân tu Phổ Hiền Đại Sĩ chi đức”.

Lần này, chúng ta nói về cương lĩnh tu học của Bồ Tát Phổ Hiền, tức là “Mười Đại Nguyện Vương” mà người thông thường hay nói. Chúng ta không nói được tường tận, mà chỉ là giới thiệu khái lược qua.

Chúng ta biết được Thế giới Tây Phương Cực Lạc là pháp giới của Bồ Tát Phổ Hiền, hay nói cách khác, mỗi một người ở nơi đó đều là tu hạnh Phổ Hiền. Hiện tại, nếu như chúng ta đối với hạnh Phổ Hiền làm nhiều một chút, thời gian ta chuẩn bị đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc sẽ càng thân thiết, càng quen thuộc, không đến nỗi quá xa lạ. Không chỉ là như vậy, nếu như chúng ta ở ngay nơi đây có thể rất chăm chỉ, rất nỗ lực y theo kinh giáo mà phụng hành, tương lai cầu nguyện vãng sanh cũng nhất định nắm chắc phần. Chúng ta không đến nỗi không có lòng tin, tuyệt đối không thể nói “tôi tương lai có đọa ác đạo hay không?”. Phổ Hiền hạnh nguyện đối với chúng ta mà nói sẽ rất là quan trọng. Buổi tối hôm nay, chúng ta sẽ nói về nguyện thứ tư, “sám hối nghiệp chướng”.

Nguyện thứ tư, “Sám hối nghiệp chướng”

Chúng ta trước tiên phải nói rõ, cái gì gọi là nghiệp chướng? Nghiệp là tạo tác. Không những làm ác có chướng ngại, mà làm thiện cũng có chướng ngại, đó là đạo lý gì vậy? Làm ác, quả báo của bạn ở ba đường ác là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh; nếu bạn làm thiện, quả báo của bạn ở ba đường thiện là cõi trời, cõi người, cõi A Tu La. Tóm lại mà nói, bạn không thể ra khỏi ba cõi. Vậy chúng ta phải làm thế nào đây? Phật dạy chúng ta tu tịnh nghiệp. Cái gì gọi là tịnh nghiệp? Đoạn tất cả ác, tu tất cả thiện mà không chấp trước thì gọi là tịnh nghiệp. Bạn có chấp trước thì nghiệp này không tịnh, liền sẽ sanh ra chướng ngại, cho nên nghiệp là tạo tác. Trong “Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện”, Phật nói rất hay: “Chúng sanh Diêm Phù Đề khởi tâm động niệm đều là đang tạo tội”. Đó là thật, không hề giả, chúng ta không thể không thừa nhận, vì sao vậy? Bạn thử nghĩ xem, có chúng sanh nào khởi tâm động niệm mà không vì cái “Ta”? Mỗi niệm đều là vì “Ta”. Có cái “Ta” này thì phiền phức rất lớn, “Ta” chính là tội, “Ta” chính là nghiệp. Đồng tu mới học, nghe được cách nói này trên Kinh Phật có lẽ không cho là việc gì, vì từ xưa đến nay, trong và ngoài nước, có người nào mà không vì “Ta”? Trong dân gian Trung Quốc có câu ngạn ngữ: “Người không vì mình trời tru đất diệt”, dường như là khởi tâm động niệm là vì ta, mọi người đều cho rằng đó là việc đương nhiên, là lý đương nhiên, làm gì có người không vì “Ta” chứ? Không vì “Ta” thì còn có thể được xem là người sao? Không sai! Không vì “Ta” không được xem là người, họ là Phật, là Bồ Tát, họ không phải là người. Cho nên, khi vừa vì “Ta” thì chân thật họ là người, đích thực là một chút cũng không sai, cõi người cũng như sáu cõi, họ không thể ra khỏi. Vì sao Phật phải nói cách nói này? Chúng ta phải hiểu rõ ý của Ngài, Phật nói với chúng ta: “Tất cả chúng sanh thật có chân ngã”, cái thân này là giả, không phải chân ngã; cái giả mới luân hồi trong sáu cõi, chân ngã nhất định không có luân hồi, không những không có luân hồi sáu cõi, ngay đến mười pháp giới cũng không có. Chân ngã ở nơi đâu vậy? Chân ngã ở nơi pháp giới Nhất Chân. Phật có chân ngã. Trong Đại Kinh nói, Phật có ba thân, mỗi người chúng ta cũng đều có ba thân. Bản thể của thân chúng ta chân thật là ta, là pháp thân. Cho nên, trên Kinh Phật nói: “Mọi người chúng ta tu hành đến trình độ tương đối, chúng ta liền chứng được pháp thân thanh tịnh”. Pháp thân thanh tịnh mới thật là “Ta”. Trong Thiền tông thường nói: “Bản lai diện mục trước khi cha mẹ sanh ra”, bản lai diện mục trước khi cha mẹ sanh ra chính là pháp thân thanh tịnh, trong “Kinh Hoa Nghiêm” gọi là Tỳ Lô Giá Na Phật. Tỳ Lô Giá Na không phải là một người, mà Tỳ Lô Giá Na là chân ngã của chính chúng ta, là thân thật. Thân thật của chúng ta gọi là Tỳ Lô Giá Na.

Tỳ Lô Giá Na là tiếng Phạn, ý nghĩa là trùm khắp mọi nơi, không lúc nào không có, không nơi nào không có. Nếu như ngay nơi đây không có chân ngã, thì cái thân giả này không thể hiện tiền, cho nên thật có chân ngã. Giả tướng là nương vào chân ngã mà sanh ra, cái ngã này là thể, là tánh, nương vào tánh thể chân thật mà hiện tướng, cho nên chân ngã này là nhất định có. Bởi vì tất cả chúng sanh mê mất đi chân ngã, cho nên mới biến thành phàm phu (chỉ là mê mất mà thôi, không phải thật đã mất đi). Vì sao mà mê vậy? Từ trong thể tánh chân thật hiện ra những giả tướng này. Trên “Kinh Hoa Nghiêm” nói “duy tâm sở hiện”, cái tâm đó là thật. Chân tâm chính là chân ngã, chính là pháp thân, hiện ra là giả tướng, bạn chấp vào cái tướng, cho nên hư là ở ngay chỗ này. Hiện ra giả tướng này nhưng bạn không biết được nó là giả tướng, bạn chấp trước cái giả tướng này, cho nó là thật, thế là đem chân tánh bỏ mất đi, đem giả tướng xem thành thật, hư là ở ngay chỗ này. Bạn có phân biệt, chấp trước, nên mới đem Nhất Chân chuyển biến thành hoàn cảnh rất phức tạp, biến thành mười pháp giới, biến thành sáu cõi, biến thành ba đường. Vì sao biến đổi vậy? “Duy thức sở biến”.