PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 14
Vậy bạn phải tập giảng lại đến trình độ nào vậy? Buổi tối, tôi ở đây giảng hai giờ đồng hồ, sáng sớm ngày hôm sau, bạn đem tất cả những gì tôi đã giảng trùng tuyên giảng lại một lần. Nếu bạn có thể giảng được một giờ thì đạt chuẩn, bạn có thể học giảng Kinh. Nếu như không giảng được một giờ đồng hồ thì bạn nên cố gắng mà nghe Kinh, không nên học giảng Kinh. Tiêu chuẩn này của tôi là hạ thấp xuống rất nhiều, hạ đến phân nửa. Thời xưa, lão sư không hề chịu giảm bớt, yêu cầu của lão sư là sau khi bạn có năng lực nghe rồi, ngày hôm sau có thể giảng lại được ít nhất là 80%, không dựa vào băng ghi âm, băng ghi hình, mà dựa vào sức nhớ của bạn, dựa vào lý giải của bạn, phải có năng lực này thì mới đưa bạn ra để bồi dưỡng cho bạn, để bạn làm pháp sư giảng Kinh. Trong bốn chúng đồng tu, ai có năng lực này đều có thể phát tâm học giảng Kinh, không nhất định phải là người xuất gia, đồng tu tại gia cũng đều có thể phát tâm. Hiện tại chúng ta có rất nhiều giảng đường có thể giảng, Cư Sĩ Lâm có thể giảng, chùa Trúc Lâm cũng có thể giảng, Pháp Luân Xã cũng có thể giảng. Cư sĩ Lý Mộc Nguyên nói với tôi, qua hai hôm, dường như ở Quang Minh Sơn tôi có ba lần diễn giảng, dần dần sẽ có rất nhiều nơi để giảng. Ở khu vực này có phước, Phật pháp trên toàn thế giới, chỉ có Singapore là chánh pháp hưng vượng, đó là phước báo của khu vực này. Thế gian này có tai nạn lớn, nhưng khu vực này thì không bị tai nạn, chư Phật bảo hộ, chân thật là Phật quang chiếu lấy khu vực này, đương nhiên phải dựa vào thiện tâm của bốn chúng đồng tu chúng ta mà đến hộ trì.
Về việc học giảng Kinh, ngày trước tôi đã nói qua rất nhiều, có lẽ các vị đã nghe qua, nhưng sau khi nghe rồi thì sớm đã quên mất. Pháp sư mới học lên đài giảng Kinh cũng giống như là trồng cây vậy, đó là cây mới trồng, phải cố gắng tưới nước, cố gắng bồi dưỡng. Làm thế nào chăm sóc, làm thế nào bồi dưỡng? Khi họ lên đài giảng Kinh, các vị phải đến nghe, ở trên đài họ nhìn thấy, “Ồ! Có rất nhiều người đến nghe như vậy, đại khái ta giảng cũng không tệ”, thì họ liền có tín tâm. Nếu như họ nhìn thấy phía trước chỉ có một hai hàng, phía sau thì không có người nào, vậy thì tín tâm tiêu mất, mất đi lòng tự tin, họ lập tức thoái tâm, hứng thú học tập của họ sẽ không được phát khởi. Cho nên nhất định phải có người đến nghe, giảng không hay cũng phải đến nghe. Họ giảng xong rồi cũng vỗ tay cổ vũ họ, làm cho họ hoan hỉ, làm cho họ có tín tâm, làm cho họ biết có nhiều thính chúng đến như vậy, bức họ phải lên đài giảng, bức họ phải cố gắng nỗ lực học tập. Nếu họ không cố gắng nỗ lực học tập, lần sau giảng tệ hơn lần trước thì thính chúng sẽ ít đi, không còn nữa, vậy thì họ sẽ rất xấu hổ. Thính chúng không những nên nghe mà còn phải khích lệ họ, hơn nữa còn phải cố gắng phê bình, giúp đỡ họ cải tiến. Có chỗ nào họ giảng không hay, có chỗ giảng hàm hồ, có chỗ giảng sai, có chỗ giảng không hiểu hoặc có chỗ nào chúng ta sanh nghi hoặc thì đều phải nêu ra, giúp đỡ họ không ngừng cải tiến, như vậy mới là chân thật bồi dưỡng pháp sư trẻ tuổi. Cho nên, pháp sư mới học lên giảng đài nhất định phải biết, thính chúng ngồi bên dưới đều là lão sư, đều là giám học, không được xem họ là thính chúng, học trò ở trên giảng đài, thầy giáo thì ngồi ở phía dưới, bên dưới thảy đều là thầy giáo. Dùng tâm báo ân để giảng, tâm cung kính để giảng, dùng tâm khiêm tốn để học giảng thì chúng ta mới có thể có thành tựu. Như vậy bạn đến nghe họ giảng thì công đức của bạn sẽ lớn, bạn thay Tổ sư đại đức, thay chư Phật Bồ Tát bồi dưỡng nhân tài tiếp nối huệ mạng Phật về sau. Cho nên, bạn đến nghe pháp sư học giảng Kinh giảng, công đức sẽ rất lớn, còn lớn hơn so với nghe tôi giảng Kinh. Cơ duyên này vô cùng hi hữu, toàn thế giới chỉ có Singapore có, ngoài nơi này ra, bạn đến nơi đâu để tìm? Không tìm được cơ hội này, cho nên các vị đồng tu phải cố gắng nắm lấy. Ngày ngày họ ở nơi đây giảng Kinh, các vị ngày ngày đến nơi đây tu pháp cúng dường, thành tựu nhân tài tiếp nối Phật pháp, thành tựu chánh pháp cửu trụ thế gian.
Loại thứ ba, “Nhiếp thọ chúng sanh cúng dường”.
Điều này cũng không dễ. Chính mình cần phải có đức hạnh, có tu trì, có học vấn thì bạn mới có thể “nhiếp thọ” lòng người. Nếu dùng lời hiện tại mà nói, nhiếp thọ chính là họ có một năng lực rất mạnh có thể thu phục lòng người, người hiện tại, người buôn bán đều gọi là tâm lý học. Làm thế nào nắm lấy tâm lý của quần chúng, làm thế nào có thể hiểu rõ được tâm lý của chúng sanh, dẫn dắt họ quay về chánh pháp, đó chính là trong Phật pháp gọi là “nhiếp thọ chúng sanh cúng dường”. Hay nói cách khác, loại cúng dường này thực tế ra là thay thế tất cả chư Phật tiếp dẫn chúng sanh (đặc biệt trong Tịnh Độ tông gọi là tiếp dẫn), chúng ta phải tiếp dẫn tất cả chúng sanh quy hướng Tịnh Độ, chỉ có pháp môn này là một đời quyết định được độ. Không những bạn phải tiếp dẫn, phải khuyên bảo đối với những người bạn đã quen biết, mà đối với tất cả chúng sanh cũng phải tiếp dẫn họ, cũng phải dẫn dắt họ. Hiện tại trong nhà của bạn, trong các chung cư lớn có rất nhiều chúng sanh (chuột, gián, ruồi, muỗi... đều là chúng sanh), bạn đều phải nên giáo hóa chúng niệm Phật, khuyên bảo chúng xả bỏ thân súc sanh, cái thân đó rất khổ, khuyên bảo chúng nó niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Đối với tất cả động vật chúng ta còn phải như vậy thì đối với người đương nhiên càng phải thương yêu.