/ 374
1.648

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 12

Tất cả mọi người, tất cả việc, tất cả vật mà bạn tiếp xúc qua thảy đều là hóa thân của chư Phật Như Lai, có phải vậy không? Chính là như vậy, một chút cũng không giả. Vì sao vậy? Cảnh tùy tâm chuyển. Bạn phải biết rằng, ngoài chính ta ra, bao gồm tất cả chúng sanh tình dữ vô tình đều là chư Phật Như Lai biến hóa độ ta. Đây là trên “Kinh Hoa Nghiêm” Phật dạy cho chúng ta làm thế nào tu hành chứng quả, một đời viên mãn thành Phật. Ngoài chính mình ra, thảy đều là chư Phật Như Lai, điều này nhất định là chân thật, tuyệt đối không phải là giả. Người thiện là Phật biến hiện, người ác cũng là Phật biến hiện, thuận cảnh là Phật biến hiện, ác cảnh cũng là Phật biến hiện ra, để chúng ta ở ngay trong đó mà tôi luyện, trải sự luyện tâm. Trải qua các cảnh giới này để luyện tâm thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi của chính mình. Ta tôi luyện ở ngay trong đó, đây gọi là thật tu hành, thật công phu, đó là mô phạm của tu hành, tấm gương cho người tu hành. Cho nên, Thiện Tài nhất định không có bạn học, nếu có một bạn học thì cả đời Ngài không thể thành Phật, vì sao vậy? Không thể làm được “lễ kính tán thán”. “Anh là bạn học của tôi, hai đứa mình là gần bằng nhau, tôi không cần phải cung kính với bạn”. Bạn thấy, ở trong tánh đức của bạn đã thiếu đi một phần, tánh đức của bạn không viên mãn. Tất cả cung kính, còn có một cái không cung kính thì bạn làm sao có thể thành tựu? Không nên cho rằng chỉ một điểm nhỏ này không hề gì, ta đối với tất cả đều cung kính, chỉ không cung kính đối với một người, đại khái sẽ không có vấn đề gì đâu. Một mê thì tất cả mê, một giác thì tất cả giác, cho nên tất cả phải cung kính, một cái cũng không được bỏ. Thị hiện của Thiện Tài trên đạo Bồ Đề là “chỉ có một mình ta là học trò, ngoài chính mình ra thì đều là Phật, đều là Bồ Tát, đều là thiện tri thức”. Chúng ta phải có cái thấy như vậy, phải dụng tâm như vậy thì đúng.

Những thiện tri thức này cũng giống y như trong xã hội chúng ta vậy. Có biểu hiện tâm thiện, làm thiện, thì Thiện Tài Đồng Tử lễ kính tán thán, cũng chính là chúng ta làm người học trò “lễ kính tán thán”. Có người biểu hiện tâm bất thiện, việc làm bất thiện, biểu hiện ra cảnh giới ác, nghịch cảnh, thì người học trò, người tu học chúng ta cũng có lễ kính đối với họ, nhưng không có tán thán. Thực tế mà nói, “kính” ý là ở trong tâm, “tán thán” là khẩu nghiệp. Vì sao khẩu không tán thán ác? Tán thán ác thì sẽ dẫn dắt xã hội này làm ác, họ cho rằng làm ác vẫn không tệ, ác có thể làm. Bạn thấy người tu hành đều tán thán, vậy thì còn gì bằng không? Cho nên ác thì không tán thán. Ở trong Kinh văn có rất nhiều vị đại biểu ra như vậy.

Thắng Nhiệt Bà La Môn đại biểu ngu si. Bạn thấy Thiện Tài đi tham vấn ông, có lễ kính cũng như là thấy được thiện tri thức, đảnh lễ ba lạy, đi nhiễu ba vòng, nhưng không hề có lời tán thán. Cam Lồ Hỏa Vương đại biểu sân hận, tánh tình rất không tốt, rất dễ dàng tức giận, không luận là người nào, chỉ cần hơi đắc tội với ông thì tâm báo thù liền nổi lên vô cùng mãnh liệt. Thiện Tài Đồng Tử tham vấn cũng là đảnh lễ ba lạy, đi nhiễu ba vòng, không hề tán thán. Vị thứ ba là Phạt Tô Mật Đa Nữ, dùng lời hiện tại của chúng ta mà nói là kỹ nữ, biểu thị cái gì? Biểu thị tham dâm. Thiện Tài Đồng Tử đến tham vấn cũng là đảnh lễ ba lạy, đi nhiễu ba vòng, không hề tán thán. Việc này nói với chúng ta, tiêu chuẩn tán thán là tánh đức Như Lai, bạn tu giới-đinh-huệ thì tán thán bạn, bạn tu tham-sân-si thì không tán thán. Bồ Tát vì sao phải biểu hiện ra điều này? Ở trong xã hội hiện thực có. Bồ Tát biểu hiện chính là xã hội hiện thực, đó là nói với chúng ta, xã hội hiện thực thiện, mặt chánh, có ảnh hưởng tốt với mọi người thì tán thán; mặt trái có ảnh hưởng không tốt đối với xã hội thì không nói, một câu cũng không nói, không tán thán. Nhưng vì sao còn phải tham vấn? Tham vấn có thể học được rất nhiều thứ! Sự việc tốt thì chúng ta phải học tập, những việc không tốt thì chúng ta phải phản tỉnh kiểm điểm, nếu như chính ta có cái lỗi lầm này thì phải thay đổi tự làm mới, cho nên người thiện, người ác đều là thầy giáo tốt.

Khi tôi còn trẻ đi học, thành thật mà nói, tôi có rất nhiều cách thấy, cách nhìn không hề giống với các bạn, ngay đến thầy giáo cũng không hề giống. Có một lần lên lớp (khi đó tôi mười mấy tuổi), trong một bài văn giảng đến Nhạc Phi “tinh trung báo quốc”, nói đến Nhạc Phi thì đương nhiên nói đến Tần Cối, ai mà không tán thán Nhạc Phi, ai mà không mắng Tần Cối. Quan niệm của tôi không hề giống mọi người, tôi nói: “Tần Cối cũng không tệ, anh hùng của dân tộc”. Mọi người trợn mắt nhìn tôi, nói: “Chú là người có đầu óc làm phản, làm sao mà chú có thể có cách nghĩ này?”. Sau đó tôi nói ra cách thấy của tôi. Vì sao hai người đều là anh hùng, đều rất cừ khôi, đều đáng được chúng ta tôn kính? Nhạc Phi dạy chúng ta mặt chánh, phải tinh trung báo quốc, tuy là không may bị hãm hại chết, thế nhưng trung nghĩa của ông, mẫu mực tốt của ông mãi lưu lại đời sau, khi nhắc đến ai mà không nghiêng mình tôn kính. Chúng ta phải học tập với ông, phải bắt chước ông. Còn Tần Cối vì sao cũng là anh hùng dân tộc? Ông dạy chúng ta mặt trái, dạy cho chúng ta ông đã làm việc sai, hãm hại trung lương, bạn thấy người đời sau nhắc đến Tần Cối ai mà không mắng ông. Tần Cối dạy chúng ta không nên làm việc xấu, làm việc xấu sẽ có kết cuộc như ông ấy vậy, ông hiện thân nói pháp cho chúng ta thấy, đó là việc tốt, không phải là việc xấu. Chúng ta xem thấy Tần Cối thì nhất định không dám làm việc xấu, nhìn thấy Nhạc Phi thì chúng ta phải làm việc tốt, hai người đều là thầy giáo, một người là dạy ta mặt chánh, một người là dạy ta mặt trái, hai người đều là thầy giáo tốt. Tôi có thể nói ra một tràng đạo lý này.

/ 374