/ 374
1.374

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 11

Kinh văn: “Hàm cộng tuân tu Phổ Hiền Đại Sĩ chi đức”.

Câu Kinh văn trên là câu mở đầu trong phần tựa của bộ Kinh này. Câu thứ nhất mở đầu cũng chính là một câu quan trọng nhất của toàn Kinh, chúng ta nhất định không thể xem thường lướt qua được. Chúng ta học Phật có thể có được thọ dụng hay không? Đúng như bổn Kinh đã nói: “Huệ dĩ chân thật chi lợi”, lợi ích chân thật. Ở ngay trong một đời hoằng pháp tu học của chúng ta, then chốt thành công hay thất bại cũng ở ngay câu này. Do đây có thể biết tính trọng yếu của câu nói này.

Mười sáu vị Bồ Tát phía trước đã nói, các Ngài là biểu pháp. Mỗi một vị Bồ Tát biểu thị mật nghĩa sâu sắc. Mật chính là ẩn mật, không hiển lộ. Người cần phải có trí tuệ tương đối, giác ngộ tương đối mới có thể nhìn thấy ra được, mới có thể thể hội được, người thông thường không dễ gì nhận ra. Thế nhưng, khi vào Kinh văn thì vì bạn nói ra tường tận. Câu thứ nhất này là nói rõ ra tổng cương lĩnh của toàn Kinh. Bộ Kinh Vô Lượng Thọ này từ đầu đến cuối nói rõ nhất chính là “Phổ Hiền Đại Sĩ chi đức”.

Vào thời nhà Đường, Ngài Thanh Lương hoàn thành phiên dịch Kinh Hoa Nghiêm. Sau khi hoàn thành chú giải của Kinh Hoa Nghiêm, Quốc sư Ngài đặc biệt đem quyển sau cùng của Kinh Hoa Nghiêm đưa ra lưu thông riêng biệt. Quyển này gọi là “Biệt Hành Lưu Thông Bản”, chính là Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh Nguyện Phẩm mà hiện tại các vị thường thấy. Quyển Kinh này là Hoa Nghiêm Bốn Mươi, cũng chính là một quyển sau cùng trong phẩm Nhập Pháp Giới, là tổng kết của Kinh Hoa Nghiêm, cũng là tổng cương lĩnh của Kinh Hoa Nghiêm, chỗ quay về sau cùng. Nội dung của Kinh văn là “Mười đại nguyện vương quy về Cực Lạc”. Bồ Tát Phổ Hiền tổng hợp toàn Kinh quy nạp làm thành mười cương lĩnh. Mười cương lĩnh này là Bồ Tát Phổ Hiền đã tu. Có lẽ có một số đồng tu nghe được là Bồ Tát Phổ Hiền đã tu đại khái cho là không liên quan gì với chúng ta, chúng ta không phải là Bồ Tát Phổ Hiền. Học Phật như vậy sẽ rất khó có thành tựu. Chúng ta cần phải có thể nhận biết, tất cả Bồ Tát trong Phật pháp đã nói đều là chính mình, tất cả chư Phật Như Lai đã nói cũng là chính mình. Đức hiệu của chư Phật Như Lai là tánh đức của chính chúng ta. Danh hiệu của tất cả chư Phật Bồ Tát là tu đức của chính chúng ta. Tánh-Tu không hai, đó là chỗ mà Phật pháp cùng với thế xuất thế gian tất cả pháp không giống nhau. Chúng ta có thể thấu hiểu, khẳng định, thì ở ngay trong Phật pháp mới có thể mau chóng, ổn định, được lợi ích chân thật. Đây là chân thật, không hề giả.

Bồ Tát Phổ Hiền là ai? Phải biết chính là bản thân chúng ta. Nếu chúng ta có thể tuân theo, chăm chỉ phụng hành như trên Kinh điển đã nói, từ tư tưởng kiến giải, lời nói, việc làm, rất nhiều hành vi của chính chúng ta mỗi mỗi đều phải đối chiếu với Kinh điển, so sánh thử xem. Nếu như hành vi việc làm của chúng ta giống y như trên Kinh đã nói, đó là tương ưng. Nếu như không giống như những gì đã nói, thì chúng ta nhất định phải lấy Kinh điển làm tiêu chuẩn để tu sửa lại những hành vi sai lầm của chính mình, đó gọi là tu hành. Y theo bổn Kinh để tu hành, xin nói với các vị, chính là y theo tiêu chuẩn của A Di Đà Phật, y theo tiêu chuẩn của Bồ Tát Phổ Hiền. A Di Đà Phật là Phật trung chi vương, Bồ Tát Phổ Hiền có thể nói là Bồ Tát trung chi vương. Bạn thấy trong rất nhiều sám nghi chúng ta đều đọc “Nam Mô Phổ Hiền Vương Bồ Tát”, Ngài là vua trong các Bồ Tát. Trong hàng Bồ Tát, không ai có thể thù thắng hơn Ngài Phổ Hiền. Trong các chư Phật, không có Phật nào thù thắng hơn so với A Di Đà Phật. Trong bộ Kinh này, vua trong các Phật, vua trong các Bồ Tát thảy đều đầy đủ. Chúng ta gặp được bộ Kinh này, Phật đã nói ở trên Kinh là “như nghèo được của báu”, đích thực là có loại tâm trạng này, chân thật là như nghèo được của báu. Bạn nói xem loại vui thú này thật không cách gì hình dung. Đạt được rồi thì nhất định phải lý giải cho thấu triệt, sau đó phải y giáo phụng hành, chúng ta phải làm được một cách triệt để.

Chúng ta phải bắt đầu từ đâu? Bắt đầu từ lễ kính. Hôm qua đã nói với các vị rồi. Lễ kính là khai hiển ngay trong tánh đức của chính chúng ta. Chúng ta có thể tu lễ kính, đó là lưu xuất của tánh đức. Đại đức xưa thường nói: “Khởi tu từ tánh”, đây chính là từ tánh khởi tu. Cách tu học này có thể cảm ứng tương thông cùng với mười phương ba đời tất cả chư Phật Bồ Tát. Vì sao vậy? Chư Phật Bồ Tát là khởi tu từ tánh, ngày nay chúng ta cũng là khởi tu từ tánh, vậy thì tự nhiên liền khởi lên cảm ứng. Do đây có thể biết, chúng ta vừa phát tâm, phát ra tâm chân thành để tu hành là năng cảm; chư Phật Bồ Tát pháp vốn năng ứng, nguyên do cảm ứng chính ngay chỗ này. Cho nên Ấn Quang Đại Sư nói: “Một phần thành kính được một phần lợi ích”, cũng có thể nói cách nói như vậy. Một phần thành kính được chư Phật Như Lai gia trì một phần, mười phần thành kính thì được chư Phật Như Lai gia trì mười phần. Các vị ở một đạo tràng, giờ nào, lúc nào, cảm thọ của các vị ở nơi đây cùng với cảm thọ ngay trong cuộc sống thường ngày không như nhau. Cảm thọ ở nơi đây có pháp hỉ, thanh tịnh, vui mừng. Cho nên có đồng tu đến nói với tôi, chúng ta bước vào giảng đường để nghe Kinh là hưởng thụ. Lời nói này có phải thật không? Là thật! Vì sao bạn có hai giờ đồng hồ ở nơi đây hưởng thụ, mà loại hưởng thụ này bạn ở nơi khác thì không có được? Việc hưởng thụ này từ đâu mà có? Xin nói với các vị, nhờ ánh sáng Phật chiếu vào. Đạo tràng này của chúng ta là nhờ ánh sáng Phật chiếu vào, mọi người ở nơi đây tắm mình trong ánh sáng Phật. Sự việc chính là như vậy.

/ 374