PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: năm 2001
Tập 79
Thứ hai là “Vô úy”.
“Vô úy” chính là không có lo sợ. Có bốn loại vô úy.
Loại thứ nhất là “Nhất thiết trí vô sở úy”.
Phật giảng kinh nói pháp với đại chúng (đại chúng là bao gồm chúng sanh chín pháp giới), Phật nói Ngài là người nhất thiết chánh trí. “Nhất thiết chánh trí”, nếu dùng lời thông tục của chúng ta mà nói, thế xuất thế gian quá khứ, vị lai không gì không biết, hơn nữa, cái biết này là nhất định chính xác, không có sai lầm. Lời nói như vậy, người thông thường không dám nói, thánh nhân của thế gian cũng không dám nói, chỉ có Phật mới dám nói. Do đây có thể biết, Phật đích thực đã chứng được trí tuệ cứu cánh viên mãn. Hơn nữa, Phật nói với chúng ta, loại trí tuệ cứu cánh viên mãn này là trong tự tánh của tất cả chúng sanh vốn đủ, không phải từ bên ngoài đến, hay nói cách khác, người người đều có. Tại vì sao nhất thiết chánh trí của chúng ta bị mất đi? Phật nói với chúng ta, tuyệt nhiên không mất đi, chỉ là mê mất mà thôi. Nếu như thật sự mất đi, vậy thì không thể hồi phục; còn mê mất thì có thể hồi phục, chỉ cần phá mê thì trí tuệ năng lực của bạn liền hồi phục. Đây là chân tướng sự thật, cũng mang đến cho chúng ta tín tâm viên mãn.
Hiện tại chúng ta rất muốn phá mê khai ngộ. Có rất nhiều đồng tu nêu ra câu hỏi: “Phải làm thế nào để đoạn phiền não, làm thế nào mới có thể nắm chắc phần vãng sanh thế giới Cực Lạc, chứng được Phật quả viên mãn?”. Những câu hỏi này, chúng ta đã nghe được rất nhiều. Do đây có thể biết, mọi người đích thực có nguyện vọng này. Nghiệp chướng của chúng ta từ trước đến giờ không thể đột phá, nguyên nhân ở chỗ nào? Phải dùng phương pháp gì mới có thể đột phá? Đây đều là vấn đề quan tâm bức thiết của mọi người. Đại sư Ấn Quang nói rất hay, Ngài dạy bảo chúng ta, thường hay nghĩ đến ta sắp chết rồi, ta phải chết. Nếu như chúng ta có ý niệm này, các vị phải biết, ý niệm này chính là chánh niệm. “Sau khi chết, nhất định sẽ đọa địa ngục”. Nếu như chúng ta ngày ngày nghĩ đến vấn đề này, ngày ngày nhắc nhở chính mình, tổ sư nói: “Bạn niệm Phật không được khẩn thiết cũng tự nhiên liền khẩn thiết, không tương ưng, tự nhiên tương ưng”. Vì sao vậy? Bạn chân thật có thể buông xả rồi.
Chúng ta ngày nay nghiệp chướng không thể đột phá, nguyên nhân này do đâu? Không thể buông xả. Tại vì sao không thể buông xả? Không biết được giờ chết sắp đến, không biết được ba đường là đáng sợ, không hề đem việc này nghiêm túc mà nghĩ tưởng. Đương nhiên thông thường người trẻ tuổi rất khó tưởng tượng vấn đề này. Ở người tuổi già, từ 60 tuổi trở lên, ở nơi cương vị công tác thoái hưu rồi, ý thức này tương đối mạnh một chút. Vì sao vậy? Họ đã già rồi, tiếp cận cái chết, cho nên họ mới nỗ lực mà quan tâm đến vấn đề này. Người trẻ tuổi thì lơ là, bạn nói với họ, họ không tin tưởng, họ cho là ngày tháng còn dài, cho nên công phu không có lực. Ấn tổ là Bồ Tát Đại Thế Chí của thế giới Tây Phương tái sanh. Ngài thị hiện ra như vậy để cho chúng ta xem thấy, chúng ta phải hiểu được. Ngài ở trong niệm Phật đường nhỏ của chính mình chỉ cúng một tôn tượng A Di Đà Phật, trên bức tường viết một chữ “Chết” thật to. Đây chính là dạy chúng ta làm thế nào để đoạn ái dục, làm thế nào để đạt đến nhất tâm chuyên niệm.
Sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc quyết định một đời thành tựu, bạn có thể hồi phục mười lực, bốn vô úy, mười tám pháp bất cộng ở trong tự tánh. Những năng lực này là của quý trong nhà, không phải từ bên ngoài đến.
Loại thứ hai là “Lậu tận vô sở úy”.
“Lậu” là đại danh từ của phiền não. Phật có thể nói, thế xuất thế gian bao gồm tất cả phiền não, Ngài đã đoạn hết rồi. Nếu không phải ở trên Như Lai quả địa, thì kể cả Bồ Tát Đẳng Giác nếu muốn nói lời nói này cũng là đại vọng ngữ. Vì sao vậy? Họ vẫn còn một phẩm sanh tướng vô minh chưa phá, vậy làm sao có thể nói là đoạn hết rồi?
Loại thứ ba là “Thuyết chướng đạo vô sở úy”.
Chướng đạo là tất cả thế gian chướng ngại chánh đạo, chướng ngại Phật pháp, Phật biết được. Thời đại khác nhau, khu vực khác nhau, chúng sanh khác nhau, do vì mê hoặc điên đảo, thấy sai đi Phật pháp, thấy lệch đi, cho rằng đây là tà pháp, chướng ngại sự truyền bá Phật pháp, phá hoại tăng đoàn của Phật pháp, cản trở người tu hành, không có thứ nào Phật không biết. Nghiệp nhân quả báo trong đây, Phật rõ ràng tường tận, thông suốt thấu đáo.