PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: năm 2001
Tập 78
Kinh văn: “Long vương đương tri, thử thập thiện nghiệp, nãi chí năng linh, thập lực, vô úy, thập bát bất cộng, nhất thiết Phật pháp, giai đắc viên mãn”.
Ở chỗ này Phật gọi bảo Long vương, chúng ta phải hiểu, phàm hễ gọi tên của họ chính là nhắc nhở họ, phía sau nhất định có khai thị rất quan trọng. “Thập Thiện Nghiệp” thậm chí có thể khiến trên Như Lai quả địa có mười loại năng lực đặc thù, bốn vô úy, mười tám bất cộng. Ba điều “thập lực, vô úy, thập bát bất cộng” là trên Như Lai quả địa đặc biệt có, một loại đức năng cứu cánh viên mãn thù thắng, Bồ Tát cũng không có. Từ khai thị này chúng ta liền tường tận, thập thiện là căn bản tu trì của Phật pháp, lơ là đi mười thiện thì không có Phật pháp. Nếu như người ta hỏi thế nào là Phật pháp, chúng ta muốn biện biệt thì có thể trả lời họ như vậy.
Người mà nỗ lực tu trì mười thiện thì mới là đệ tử Phật chân thật. Cho dù họ xuất gia, thọ đại giới rồi, có thể giảng kinh nói pháp, hoặc giả là cũng có thể tham Thiền, niệm Phật, nhưng họ không có tu hành mười thiện, vậy thì không phải là đệ tử Phật. Loại Phật giáo đồ này, trong Phật pháp gọi là “danh tự vị”. Danh tự vị là có danh, mà không có thật. Cho dù tu thế nào cũng không liên quan gì với pháp xuất thế, niệm Phật cũng không thể vãng sanh. Phước báo thế gian họ có thể có được, bởi vì họ tu phước báo hữu lậu. Đạt được phước báo, họ nhất định tạo tội nghiệp. Vì sao vậy? Họ không có thiện căn, nên phước báo hưởng hết thì nhất định đọa lạc. Thí dụ này thì quá nhiều, quá nhiều. Ở chỗ này cho chúng ta một tổng kết: “Như Lai quả địa, trí tuệ đức tướng cứu cánh viên mãn đều từ mười thiện mà sanh ra”.
Đoạn kinh văn trên có ba danh từ: “thập lực, vô úy, thập bát bất cộng”, chúng ta giới thiệu sơ lược qua một chút.
Thứ nhất là “Thập Lực”.
Trên “Đại Trí Độ Luận” nói: “Phật quả mười lực”. Mười loại năng lực đặc thù này Bồ Tát cũng có, nhưng không viên mãn. Như Lai quả địa là cứu cánh viên mãn.
Điều thứ nhất, “Thị xứ, phi xứ trí lực”.
Lực của thị xứ phi xứ trí tuệ. “Lực” chính là “khởi tác dụng”. Nội dung của điều này là gì? “Tri nhất thiết chúng sanh nhân duyên quả báo”, cho nên Phật độ chúng sanh dễ dàng. Tất cả chúng sanh trong đời quá khứ, đời đời kiếp kiếp vô lượng kiếp đến nay tạo tác nghiệp nhân, nên nhận lấy quả báo. Chúng ta chính mình không biết được, nhưng Phật biết được; chính mình rất dễ quên, tất cả đều quên hết, nhưng Phật thì rõ ràng. Phật làm thế nào rõ ràng? Bạn chính mình quên rồi, nhưng án kiện của bạn thì không hề sót mất chút nào. Án kiện là gì? Là A Lại Da thức. Vô lượng kiếp đến nay, bạn tạo tác nghiệp tập chủng tử đều lưu lại bên trong đó. Phật có thể thấy được nghiệp tập chủng tử hàm chứa trong A Lại Da thức của bạn, cho nên Ngài đều biết được. Án kiện này nằm đó, chúng ta không hề hay biết, chính mình quên rồi, cũng tìm không ra. Phật có thể xem thấy án kiện của bạn rõ ràng, tường tận, thông suốt, thấu đáo, xem được còn nhanh hơn vi tính hiện tại. Vi tính còn phải ấn vào chương trình, còn Ngài không cần phải ấn vào, toàn bộ đều hiện ra. Vì vậy, chúng ta khởi tâm động niệm, tất cả tạo tác, làm sao có thể che giấu được Phật Bồ Tát? Bạn muốn giấu, đó thảy đều là tự gạt mình gạt người, không hề có việc này, chính mình lừa gạt chính mình, chính mình an ủi chính mình mà thôi. Người xưa nói rất hay: “Nếu muốn người không biết, trừ khi mình đừng làm”. Chúng ta khởi tâm động niệm, thiên địa quỷ thần đều rõ ràng, cho nên chính mình nên nghĩ xem, ý niệm của ta, lời nói, tạo tác này của ta có đắc tội với thiên địa quỷ thần hay không? Cũng chính là nói, thiên địa quỷ thần xem thấy, họ có hoan hỉ hay không?
Trong “Liễu Phàm Tứ Huấn” nói được rất rõ ràng. Tiên sinh Liễu Phàm sau khi tiếp nhận giáo huấn của Thiền sư Vân Cốc, ông liền rất nỗ lực đoạn ác tu thiện. Thế nhưng tất nhiên ông vẫn là phàm phu, phiền não tập khí rất nặng. Lần đầu ông phát nguyện làm ba ngàn việc thiện, ông đã làm mười năm mới viên mãn. Như vậy bạn liền biết được, ông phấn đấu cùng thiện ác là tốn hết bao nhiêu thời gian, tốn hết bao nhiêu tinh thần. Lần thứ hai ông phát nguyện tu ba ngàn việc thiện, hai năm thì thành công. Lần thứ ba phát nguyện làm mười ngàn việc thiện, nhưng chỉ một niệm liền thành công. Tâm địa của ông dần dần chuyển sang thuần thiện, không tự gạt mình, cho nên mới có thể cảm động thiên thần. Sở dĩ con người không thể thành tựu, không gì khác, tiên sinh Liễu Phàm nói được rất tốt, đó là do “Nhân tuần”. Nhân tuần chính là mơ mơ hồ hồ, buông lung, tùy tiện, không nỗ lực mà làm, chính mình luôn là tha thứ cho chính mình. Sai chính ngay chỗ này, cho nên không thể thành tựu. Nhất định phải khắc phục cái ải khó này. Tiên sinh Liễu Phàm khắc phục cái ải khó này, chúng ta từ trong “Tứ Huấn” của ông mà thấy, chí ít ông đã dùng thời gian 20 năm mới đột phá được ải đầu tiên, nhưng về sau triển khai thì nhanh. Nếu chúng ta không phát tâm dõng mãnh, thì cái ải này rất khó đột phá. Cho nên nhân quả thật là nặng.