PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: năm 2001
Tập 72
Điều thứ ba là “Chánh Ngữ”.
Ngữ là ngôn ngữ. Tiêu chuẩn của chánh ngữ vẫn là thực tiễn ở bốn loại thiện nghiệp trong bổn kinh.
- Thứ nhất là không vọng ngữ.
- Thứ hai là không hai lời.
- Thứ ba là không thêu dệt.
- Thứ tư là không ác khẩu.
Phạm vi của bốn điều này rất là rộng lớn. Phật nói cho chúng ta bốn cương lĩnh này, nếu như chúng ta có thể thọ trì, y giáo phụng hành thì ngữ của chúng ta chính là chánh ngữ, chính là thiện ngữ. Ngữ là từ tâm sanh. Thân ngữ phải thiện, tâm ngữ phải thiện. Tâm tánh của chúng ta, trong chân tâm bổn tánh tuyệt đối không có chút lỗi lầm nào. Lỗi lầm còn không có thì làm gì có ý niệm ác? Chân tâm bổn tánh là thuần thiện.
Ngày trước, trẻ nhỏ bốn, năm tuổi bắt đầu đi học là học “Tam Tự kinh”. Câu đầu tiên của “Tam Tự kinh” là “Nhân chi sơ, tánh bổn thiện”. Câu nói này là thật, “tánh” đó là bổn tánh, là chân tánh. Tánh vốn dĩ là thiện, thuần thiện, không có chút ác niệm nào. Tại vì sao chư Phật Như Lai thấy tất cả chúng sanh đều là Phật? Các Ngài nhìn từ nơi bổn tánh, chính là nhìn từ nơi “tánh bổn thiện”. Tất cả chúng sanh đều là bổn thiện, tất cả chúng sanh vốn dĩ thành Phật. Các Ngài nhìn bằng cách nhìn này, không hề nhìn sai chút nào. Hiện tại chúng ta phiền não hiện hành, ngay đến Phật Bồ Tát cũng không thấy trong mắt. Đây là nguyên nhân gì? Chúng ta chính mình đem bổn tánh mê mất (bổn tánh có, nhưng mê rồi). Mê mất đi bổn tánh cũng chính là mê mất đi vốn thiện, cho nên biến thành bất thiện. Đây chính là câu thứ hai của “Tam Tự kinh” đã nói: “Tánh tương cận, tập tương viễn”. Chúng ta “tương cận” là giống nhau, chính là tất cả chúng sanh cùng chư Phật Như Lai không hề khác biệt, tánh vốn thiện, thế nhưng hiện tại thì khác biệt. Khác ở chỗ nào? Tập tương viễn. Tập là gì? Tập là tập khí, tập quán. Chúng ta từ nhỏ đã nuôi thành thói quen không tốt. Không chỉ là từ nhỏ, mà là đời đời kiếp kiếp, trong đời quá khứ vô lượng kiếp đến nay nuôi thành tập khí thói quen không tốt. Điều này thật phiền phức. Như vậy cùng với bổn thiện càng ngày càng xa, quả báo liền biến thành mười pháp giới, biến thành sáu cõi, biến thành ba đường ác. Cho nên phải biết, mười pháp giới, sáu cõi, ba đường ác đều là từ tập tánh biến hiện ra, đích thực là vậy. Cái thứ này cũng giống như nằm mộng vậy. Do đây có thể biết, mê mất đi bổn chân, mê mất đi bổn tánh, thì họ liền sẽ ở trong đại mộng. Cái mộng này, nếu họ không thể tỉnh lại thì phiền phức liền lớn. Nếu như họ tỉnh lại, thì họ liền thành Phật, họ liền hồi phục bổn thiện. Do đây có thể biết, chư Phật Bồ Tát xuất hiện ở thế gian không gì khác hơn là giúp chúng ta phá mê khai ngộ, cũng chính là nói, công tác của chư Phật Bồ Tát ở thế gian chính là đánh thức người trong mộng mà thôi.
Chúng sanh sáu cõi, chúng sanh mười pháp giới đều là người trong mộng, các Ngài đến đây để thức tỉnh chúng ta. Ngôn hạnh của các Ngài đều là khải phát chúng ta, giúp chúng ta giác ngộ. Đến lúc nào chúng ta mới có thể thể hội được? Vậy thì phải xem căn tánh của mỗi người, duyên phận của mỗi người. Ở trên kinh Phật thường nói, căn tánh của tất cả chúng sanh có thể phân thành Thượng - Trung - Hạ, ba bậc. Thượng - Trung - Hạ là phần lớn, còn phần vi tế thì quá phức tạp.
Người thiện căn tiếp xúc được Phật pháp, họ có thể lĩnh ngộ, họ sẽ theo Phật học tập, y giáo phụng hành, họ có thể làm theo, hay nói cách khác, một đời họ liền thành tựu, liền được độ. Họ có thể đem tập khí thói quen của chính mình toàn bộ buông xuống, tùy thuận Phật Bồ Tát, trải qua đời sống giống như Phật Bồ Tát, họ liền thành công, một đời liền thành tựu. Đây là người thượng căn.
Người trung căn cũng có thể tiếp nhận, nhưng họ không phải hoàn toàn tiếp nhận, họ tiếp nhận một phần. Vì sao vậy? Vì tập khí ô nhiễm của họ. Họ không thể hoàn toàn buông xả, cũng chính là họ không cách gì y giáo phụng hành đến được 100%, họ chỉ có thể làm đến phân nửa, hoặc là hơn phân nửa một chút, cho nên muốn ngay đời này thành tựu thì không thể làm được. Ngay đời thành tựu thì cần phải làm được 100%. Nếu bạn nói, bạn làm đến được 99%, vẫn còn một phần chưa làm được, vậy thì ngay đời này bạn cũng không thể thành tựu. Các vị cần phải biết được, tu học của Phật pháp là không thể trừ bớt đi. Khác biệt của thượng căn và trung căn chính là ngay chỗ này.