665

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore

Thời gian: năm 2001

Tập 71

Kinh văn: “Chánh đạo trang nghiêm cố, đắc chánh trí tuệ, thường kiến tại tiền”.

Trong ba mươi bảy phẩm trợ đạo, đến “Bát Chánh Đạo” là viên mãn, đây là môn cuối cùng. Tổng cương của Bát Chánh Đạo là “Đắc Chân Trí Tuệ”. Tám điều này là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh tinh tấn, chánh định, chánh niệm, chánh mạng. Chúng tôi xin giới thiệu đơn giản từng điều một.

Tám điều này đều gọi là “chánh”. Tiêu chuẩn của chánh rốt cuộc ở đâu vậy? Đây là điều chúng ta nhất định phải hiểu cho rõ ràng. Ở trong Phật pháp có một tiêu chuẩn vĩnh hằng, bất biến, đó chính là “tự tánh”, chánh trí tuệ hiện tiền. Đích thực chánh trí tuệ hiện tiền là người nào vậy? Là Pháp thân Bồ Tát, minh tâm kiến tánh, hoàn toàn dùng chân tâm. Chân tâm chính là chánh, vọng tâm chính là tà. Trong mười pháp giới, pháp giới bốn thánh cũng chưa kiến tánh, họ vẫn dùng vọng tâm, nhưng vọng tâm của họ là lấy chánh làm tiêu chuẩn. Cho nên, Phật nói pháp giới bốn thánh là “Chánh Giác”. Tại sao họ có thể đạt được chánh vậy? Rõ ràng dễ thấy, đó là họ có thể tùy thuận thánh giáo, có thể từ bỏ thành kiến của mình, cũng chính là nói, khởi tâm động niệm, lời nói việc làm đều lấy kinh giáo làm tiêu chuẩn. Tuy chưa có kiến tánh, nhưng tri kiến của họ cũng chánh, họ tùy thuận theo lời giáo huấn của Phật Đà.

Kinh luận của Phật Đà là hoàn toàn lưu xuất ra từ trong tự tánh, tuyệt đối không có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước; tuyệt đối không có nói “tôi muốn nghĩ thế này, tôi muốn nói thế kia”, nhất định không có. Không những bốn tướng không có, mà bốn kiến cũng không, đây là một dạng lưu xuất tự nhiên. Lưu xuất ra như thế nào vậy? Chúng sanh có cảm, Phật liền có ứng, đây là lưu xuất ra từ trong cảm ứng. Nếu như chúng sanh không có cảm thì cảnh giới của Phật là thanh tịnh tịch diệt. Trong kinh Nhân Vương nói: “Trụ tịch diệt nhẫn”, các Ngài trụ ở cảnh giới này, thật sự là một niệm không sanh. “Một niệm không sanh” này không phải nhất thời, mà là vĩnh hằng; một niệm không sanh là vĩnh viễn một niệm không sanh. Có cảm mới có ứng, cảm ứng đạo giao với tất cả chúng sanh. Trên quả địa Như Lai như vậy, Pháp Thân Đại Sĩ cũng là như vậy. Pháp Thân Đại Sĩ chứng được không viên mãn, còn trên quả địa Như Lai đã viên mãn rồi. Tương ưng với cái này là chánh.

Chúng ta ngày nay có thể học đến quả vị Quán Hạnh, chánh tri chánh kiến, giống như điều mà đại sư Thiên Thai đã nói, thì công phu liền đắc lực. Công phu như vậy, tu học pháp môn khác (tức là pháp môn thông thường) thì không thể ra khỏi tam giới. Phải tu đến quả vị Tương Tự mới có thể thoát khỏi sáu cõi luân hồi, còn quả vị Quán Hạnh không thể ra khỏi. Quả báo của Quán Hạnh phần lớn là hưởng phước trời, phước báo nhân thiên, chắc chắn không đọa ba đường ác. Nếu tu đến quả vị Phần Chứng thì mới là thật, mới có thể thoát khỏi mười pháp giới, cho nên vô cùng không dễ dàng. Nhưng ở Tịnh Độ, cầu sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc chỉ cần có công phu Quán Hạnh là đủ rồi. Đây chính là trong kinh luận, chư Phật Bồ Tát thường hay tán thán Tịnh Độ là “đạo dễ hành” (đạo dễ hành là so sánh với những pháp môn khác thì Tịnh Độ dễ dàng hơn). Những pháp môn khác, Quán Hạnh nhất định không thể ra khỏi tam giới. Cầu sanh Tịnh Độ, Quán Hạnh chắc chắn có thể vãng sanh. Quả vị Quán Hạnh vãng sanh thì về Phàm Thánh Đồng Cư Độ; quả vị Tương Tự vãng sanh thì về Phương Tiện Hữu Dư Độ, còn Phần Chứng vị vãng sanh thì về Thực Báo Trang Nghiêm Độ. Tóm lại, chúng ta phải biết đạo lý này, nếu người khác hỏi, chúng ta có thể nói ra được. Tịnh Độ thù thắng là thù thắng ở chỗ này, công phu Quán hạnh là công phu đắc lực rồi. Chúng ta ngày nay tu hành, nếu như không thể xả bỏ thành kiến của mình, không thể xả bỏ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của mình thì công phu sẽ không đắc lực, tinh tấn như thế nào cũng đều vô ích.