PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: năm 2001
Tập 59
Chúng ta học Phật, nhất định phải hiểu rõ “Phật” là gì? Nếu như ý nghĩa chân thật của “Phật” không hiểu rõ thì sự học tập của chúng ta đến cuối cùng đều là trống không. Từ xưa đến nay, người phát tâm học Phật không ít, nhưng người thật sự có thành tựu không nhiều, nguyên nhân là không biết “Phật” là gì.
Trong kinh luận Phật nói rất rõ ràng, “Phật” là tự tánh của bản thân chúng ta, là tự tánh của mỗi người. Từ đó cho thấy, Phật Thích Ca Mâu Ni năm xưa còn tại thế, tất cả kinh mà trong 49 năm đã nói không phải là của Ngài. Nếu là của Thích Ca Mâu Ni Phật thì chúng ta học theo Ngài rồi. Những điều mà Ngài đã nói trong 49 năm là gì vậy? Là tự tánh của bản thân chúng ta, cho nên học Phật gọi là “Nội học”, đạo lý là ở chỗ này. Nếu như cầu pháp ngoài tâm, đó gọi là “Ngoại đạo”.
Chúng ta cho rằng Phật pháp là của Phật Thích Ca Mâu Ni, vậy sau khi chúng ta học thành rồi là ngoại đạo. Cái nhận biết này là mấu chốt. Chúng ta không phải học theo người khác, chúng ta là hướng vào trong tự tánh mà học, đây là chỗ vĩ đại nhất của giáo dục Phật Đà. Không những Phật Thích Ca Mâu Ni như vậy, mà Khổng Tử, Mạnh Tử cũng như vậy. Học thuyết của nhà Nho hiện nay lưu truyền phổ biến nhất là “Tứ Thư”, “Đại Học”, “Trung Dung”, “Luận Ngữ”, “Mạnh Tử”. Đây có phải là tư tưởng của Khổng Tử, của Mạnh Tử không? Không phải! Tất cả cũng là tự tánh, là trí tuệ, đức năng vốn có trong tự tánh của mỗi người. Chúng ta phải có sự nhận thức này, thì sau đó chúng ta mới thật sự có thể có sở đắc. Sở đắc là gì vậy? Là minh tâm kiến tánh, đại triệt đại ngộ, chúng ta được là cái này. Sau khi ngộ nhập rồi mới thật sự sáng tỏ hư không pháp giới tất cả chúng sanh cùng chính mình là một thể.
Trong Phật pháp, kinh có đủ tính đại biểu nhất là kinh Hoa Nghiêm, đây là pháp luân căn bản của Phật pháp. Cái mà có đủ tính đại biểu nhất của Nho gia là “Tứ Thư”. “Tứ Thư” là do người đời sau là Chu Phu Tử Chu Hy triều Tống hội tập. Ông hội tập rất tốt. Trong quyển hội tập này có lý luận, có phương pháp, còn kèm thêm biểu diễn, cách thức giống hệt như trong kinh Hoa Nghiêm. Cho nên sau khi tôi xem xong, tôi phỏng đoán, cảm hứng của Chu Phu Tử nhất định là có được từ kinh Hoa Nghiêm. Kinh Hoa Nghiêm có lý luận, có phương pháp, có biểu diễn. Ở trong “Tứ Thư”, “Trung Dung” là lý luận; “Đại Học” là phương pháp; “Luận Ngữ” là sự biểu diễn của Khổng Lão Phu Tử, Đây cũg chính là nói Khổng Phu Tử đem đạo lý của “Trung Dung”, phương pháp của “Đại Học” thực tiễn vào đời sống đối nhân, xử thế, tiếp vật của mình, làm ra cho chúng ta thấy. Khổng Phu Tử làm được rồi, Mạnh Phu Tử cũng làm được rồi. Khổng Phu Tử làm viên mãn, Mạnh Phu Tử làm chưa được viên mãn. Khổng Tử là thánh, Mạnh Tử là hiền, một người là Phật Đà, một người là Bồ Tát. Đó là tánh đức của chúng ta, là trí tuệ đức năng vốn có của tự tánh, với “Hoa Nghiêm” thật sự là không hai, không khác. Chu Phu Tử tiếp xúc qua Phật giáo, đã hạ công phu ở trong kinh điển, cho nên trong tưởng tượng của tôi, ông biên tập “Tứ Thư” rất có thể là có được sự gợi ý từ trong kinh Hoa Nghiêm.
Khổng Mạnh dạy người, chúng ta có thể xem Ngài là Phật Bồ Tát. Tổng cương lĩnh, tổng nguyên tắc của Ngài là câu nói: “Minh đức, thân dân, chỉ ư chí thiện”. “Đại Học” vừa mở đầu là “Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân, tại chỉ ư chí thiện”. Đây là tổng cương lĩnh của toàn bộ Nho học, muôn ngàn ngôn ngữ đều không thể xa rời nguyên tắc này. Tổng cương lĩnh, tổng nguyên tắc dạy học của Phật, trong kinh luận gọi là “A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề”. Ý nghĩa của câu nói này là hoàn toàn tương đồng với minh đức, thân dân, chỉ ư chí thiện. Cách nói khác nhau, nhưng ý nghĩa chỉ là một. “A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề” dịch là “Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác”. Quí vị thử nghĩ thật kỹ, nó có gì không giống với minh đức, thân dân, chỉ ư chí thiện ở trong “Đại Học”? Đây đều là từ trong tánh đức viên mãn lưu xuất ra. Chúng ta hiểu được cương lĩnh, nguyên tắc này, sau đó mới có thể thật sự sáng tỏ việc học tập của Nho, Phật là vĩnh viễn không ngừng nghỉ, vĩnh viễn không gián đoạn, vô lượng kiếp đến nay và vô lượng kiếp về sau, đời đời kiếp kiếp đều đang học tập, đã thành Phật, đã làm đại thánh nhân rồi vẫn là đang học tập. Tại sao vậy? Giáo hóa tất cả chúng sanh, tự mình làm gương mẫu, làm một tấm gương về học tập. Đạo lý này chúng ta phải biết.