/ 80
624

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore

Thời gian: năm 2001

Tập 58

Kinh văn: “Ngũ căn trang nghiêm cố, thâm tín kiên cố, tinh cần phỉ giải, thường vô mê vong, tịch nhiên điều thuận, đoạn chư phiền não”.

Đoạn này là nói, nếu như chúng ta đem thập thiện nghiệp đạo thực tiễn vào ngũ căn, thì sẽ đạt được lợi ích thù thắng trong bốn câu dưới đây:

  • “Tin sâu kiên cố”. Đây là nhu cầu cấp bách tu học của chúng ta hiện nay.
  • “Tinh cần không mệt mỏi”. Đây cũng là điều chúng ta mong mỏi.
  • “Thường không mê mất”. Đây là trí tuệ hiện tiền.
  • “Tịch nhiên điều thuận”. Đây là công phu chân thật.

Quả là đoạn tất cả phiền não. Ngũ căn có năm loại. Sao gọi là căn? Thế Tôn ở chỗ này dùng tỉ dụ để nói, giống như thực vật, nó có rễ thì nó có thể đâm chồi, có thể nảy lộc, ra hoa, kết quả. Phật nói: “Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ, năm điều này là gốc rễ của Bồ Đề vô thượng”. Nếu như không có cái gốc này, chúng ta tu như thế nào cũng không thể thành tựu. Năm điều này là có hệ thống, có thứ tự trước sau. Cái thứ nhất là “Tín”, cái thứ hai là “Tinh Tấn”, không có “Tín” thì làm gì có “Tấn”? Không có “Tấn” thì làm gì có “Niệm”? Từ đó cho thấy, trong kinh Hoa Nghiêm nói: “Tín là mẹ đẻ của các công đức, nuôi lớn tất cả các thiện căn” rất có đạo lý, không sai tí nào.

Thứ nhất, “Tín”

Niệm Phật, xưa nay tổ sư đại đức nói với chúng ta, ba điều kiện của Tịnh Tông là “Tam tư lương”. Chúng ta muốn vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc thì nhất định phải đầy đủ ba điều kiện này. Ba điều kiện này không đầy đủ, dù cho một ngày niệm 100.000 tiếng Phật hiệu thì cũng chỉ là kết một thiện duyên với Tây Phương Tịnh Độ, đời này chắc chắn không thể vãng sanh. Đạo lý này chúng ta phải biết. Ba điều kiện này, thứ nhất là “Tín”, thứ hai là “Nguyện”, thứ ba là “Hạnh”. “Hạnh” chính là đoạn tất cả ác, tu tất cả thiện, chân thật niệm Phật. Cổ nhân lại nói, chân thật niệm Phật là chánh hạnh, đoạn ác tu thiện là trợ hạnh. Lời nói này cũng có đạo lý. Nhưng mà điều quan trọng hơn, đại sư Liên Trì, đại sư Ngẫu Ích đều dạy chúng ta: “Chánh - trợ không hai”, “Chánh - trợ song tu”, không nên xem nhẹ trợ tu, chúng ta mới có thành tựu.

Tam tư lương, thứ nhất là “Tín”.

Tín là gì? Giáo hạ thông thường nói: “Tín chư đế lý”, “Tín nhẫn nhạo dục” ở tất cả chân lý. “Đế lý” này, chúng ta hiện nay gọi là chân lý, là đạo lý chân thật, bạn phải tin.

Sau tín là “Nhẫn”.

Chữ “Nhẫn”, dùng cách nói hiện nay chính là “khẳng định”. Tôi tin rồi, nhưng mà vẫn không thể khẳng định thì cái “Tín” này không thể được xem là căn. Bạn có tín, nhưng cái tín này không có căn. Không những phải khẳng định, mà còn phải yêu thích. Bạn tin rồi, bạn khẳng định rồi, mà bạn không yêu thích nó thì có lợi ích gì? Đến khi rất yêu thích rồi, rất yêu thích nhưng nếu không thể đem nó thực hiện thì vẫn không gọi là căn.

Sau cùng là “Dục”.

Dục là dục vọng, biến nó thành dục vọng của mình. Chúng ta ngày nay lấy Tịnh Độ để nói, chúng ta tin Phật A Di Đà, chúng ta tin thế giới Cực Lạc, sau khi chúng ta tin rồi, trong tâm chúng ta khẳng định, yêu thích, thật sự biến thành dục vọng của mình, ta nhất định muốn sanh về thế giới Cực Lạc, nhất định ao ước gần gũi A Di Đà Phật thì cái tín này mới gọi là có căn. Nếu như không có cái dục vọng mạnh mẽ muốn cầu sanh Cực Lạc, muốn gần gũi Phật A Di Đà, thì cái tin này của bạn không có căn, tuy có tín mà không có căn. Từ đó cho thấy, cổ nhân nói người niệm Phật nhiều mà người vãng sanh ít, chúng ta chẳng phải đã hiểu rõ rồi sao?

Tại sao người vãng sanh ít vậy? Người tu pháp môn niệm Phật, chúng ta biết, họ đều tin, nhưng có thể khẳng định hay không? Không nhất định. Nêu ví dụ rõ rệt nhất để nói, chúng ta ngày nay tu Tịnh Độ, nương vào bản hội tập kinh Vô Lượng Thọ, ở Đài Loan, ở Trung Quốc có một số người đưa ra nghi vấn về bản hội tập, thế là rất nhiều người niệm Phật tín tâm bị dao động. Đó chính là họ có “tín” mà không có “nhẫn”, hai chữ phía sau đương nhiên càng không có rồi. Nếu như không có người đưa ra lời dị nghị, có lẽ cái “tín” này của họ dần dần có thể bồi dưỡng thành, cũng có thể vãng sanh. Những người đưa ra lời dị nghị này đã phá hoại sạch thiện căn của những người này rồi. Quí vị nên biết, những người này không thể phá nổi Phật pháp, cũng không thể phá nổi người có thiện căn sâu dày, chỉ có người thiện căn yếu kém mới bị họ phá hoại toàn bộ. Người có thiện căn sâu dày, họ có căn, niềm tin của họ có căn, họ không bị dao động, nói có lý đi nữa họ cũng không bị dao động, đại sư Thiện Đạo đã nói trong chương “Thượng Phẩm Thượng Sanh Tứ Thiếp Sớ” của Quán kinh.

/ 80