/ 80
1.043

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore

Thời gian: năm 2001

Tập 38

 

 

“Nhị, thâm tín nhân quả, ninh vẫn thân mạng, chung bất tác ác”.

Đây là lợi ích thứ hai trong mười lợi ích của việc lìa tà kiến.

Điều này nói ra nghe dễ dàng, nhưng làm thì rất khó khăn. Chỉ có người đầy đủ trí tuệ chân thật, đối với chân tướng sự việc họ thật sự thông đạt sáng tỏ thì mới có thể làm được.

“Thâm tín nhân quả” là không dễ dàng. Đối với sự và lý của nhân quả, chúng ta quả thật hiểu rõ hơn rất nhiều so với người bình thường. Hiện nay, người bình thường trong xã hội rất ít nói đến nhân quả. Người học Phật thì thường hay nghe nói về nhân quả. Chúng ta nghe quen tai rồi, biết được gieo nhân thiện thì được quả thiện; tạo nhân ác thì nhất định có ác báo, nhưng tại sao vẫn không chịu tu thiện, mà còn muốn đi tạo ác vậy? Nguyên nhân chính là tin nhân quả không sâu. Tin sâu là đối với đạo lý thông đạt, chân tướng sự thật hiểu rõ. Ví dụ, một con muỗi, một con kiến, chúng ta người học Phật thông thường, người học Phật nhiều năm luôn luôn vẫn còn có tâm sát. Khi muỗi đến chích bạn, bạn đập một cái làm chết nó, đây là tập khí xấu ác. Chúng ta biết nhân quả hay không vậy? Biết, nhưng biết không đủ sâu. Chúng ta hữu ý hay vô ý giết hại nó, tương lai quả báo không tránh khỏi.

Trước đây chúng tôi đọc truyện ký của An Thế Cao, ông là người tu hành chân chánh, đắc đạo, chứng quả. Ông đã từng đến Trung Quốc để trả nợ mạng hai lần, vì trong đời quá khứ ngộ sát người khác, quả báo này ông vẫn phải tự chịu. Ông trả nợ mạng, ông biết và hiểu rõ, nhưng mà người tổn hại ông là ngộ sát. Trong đời quá khứ ông đã ngộ sát người khác thế nào thì đời này cũng bị người khác ngộ sát. “Nhất ẩm nhất trác, mạc phi tiền định”. Người thế gian không hề nói là sự việc phát sinh không có nhân, không có đạo lý này. Quả báo nhất định là có nhân, có duyên. Bồ-tát làm thị hiện ấy là nói cho chúng ta biết, nhân mà bạn tạo tác nhất định có quả báo, quả báo nhất định phải tự mình gánh chịu.

Chúng ta không ưa một người, người ta cũng không ưa chúng ta, hay chúng ta ưa thích một người, người ta cũng ưa thích chúng ta, đây là quả báo. Nhà Nho cũng nói: “Ái nhân giả, nhân hằng ái chi”. Bạn yêu người khác, đây là bạn tu nhân; đại chúng xã hội đều tôn kính bạn, yêu thương bạn, đây là quả báo của bạn. Bạn hận người khác, chán ghét người khác thì đại chúng xã hội cũng hận bạn, cũng chán ghét bạn giống như vậy. Nếu như bạn thật sự sáng tỏ đạo lý này, thì câu nói “Thà bỏ thân mạng của mình chứ không chịu tạo ác” là bạn có thể làm được. Cổ đức ví dụ rất hay, hiện nay trong xã hội có vị trí rất cao mời bạn đi làm, mời bạn đi làm vua chẳng hạn, chỉ cần bạn giết một người vô tội thì bạn có thể có được vương vị này. Người tin sâu nhân quả thì không làm việc này, bảo ta giết một chúng sanh vô tội, được lợi ích như thế nào ta cũng không chịu làm. Người tin sâu nhân quả mới có thể làm được, điều này cần phải lìa tà kiến mới được.

Tà kiến là ngu si. Người hồ đồ không tin nhân quả, hay nói cách khác, người không tin sâu nhân quả vẫn là người hồ đồ, không thể xem là người sáng tỏ. Người sáng tỏ đâu chịu làm loại việc khờ dại này? Phải biết rằng muỗi, kiến cũng là một mạng sống. Tại sao nó lại đi làm muỗi, làm kiến vậy? Quá khứ khi nó làm người, ác nghiệp tạo quá nhiều nên đọa vào trong đường này. Khi tội của nó báo hết rồi, thì nó cũng sẽ chuyển thành thân người. Bản thân chúng ta tạo tội nghiệp nhiều thì cũng sẽ biến thành kiến, biến thành muỗi. Quả thật mà nói, vô lượng kiếp đến nay chúng ta ở trong lục đạo mang đủ dạng thân tướng, chúng ta đều đã từng trải qua rồi. Hiện nay đời này được thân người, nhà Phật thường nói “mê do cách ấm”, nên những việc của đời quá khứ đã quên hết. Tuy quên hết (cái quên hết này là mê hoặc), nhưng chủng tử nghiệp nhân ở trong A Lại Da thức vĩnh viễn không bị mất đi. Vì vậy chúng ta không được nói, làm rồi sau này sẽ không có chuyện gì. Đây là tà kiến, là kiến giải hoàn toàn sai lầm. Từ đó cho thấy, không cần nói là ngôn ngữ, hành vi, ngay cả khởi tâm động niệm, tự mình phải chịu trách nhiệm đối với chính mình.

/ 80