PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: năm 2001
Tập 37
“Bát, dĩ hòa nhẫn cố, tốc sanh Phạm thế thị vi bát”.
Đây là loại thứ tám trong tám loại lợi ích của lìa sân hận.
“Hòa” và “Nhẫn” đều là tánh đức. Đây là cái vốn có ở trong tự tánh của tất cả chúng sanh, nhưng vì tập khí phiền não làm chướng ngại nên không thể hiện tiền. “Hòa” là chung sống hòa mục với tất cả chúng sanh. “Nhẫn” là có thể đón nhận tất cả cảnh giới thiện ác, thuận nghịch. Qua đây có thể thấy hàm nghĩa của hai chữ này là sâu rộng vô hạn, đặc biệt là xã hội chúng ta hiện nay.
Hiện nay do giao thông thuận tiện, thông tin phát triển, trái đất chúng ta cư trú tuy rất lớn, nhưng nhờ thông tin nhanh chóng, cho nên từng li từng tí, chúng ta lập tức liền nhìn thấy, liền nghe thấy. Trên màn ảnh truyền hình hay trong vệ tinh truyền tin, chúng ta đều nghe thấy. Cho nên có người nói, ngày nay trái đất là một thôn nhỏ, thôn địa cầu, thí dụ này vô cùng thích hợp. Trên trái đất có nhiều người như vậy, có nhiều sinh vật như vậy, chúng ta đều sinh sống ở khu vực này, việc quan trọng nhất chính là phải hòa, phải nhẫn. Nếu như không thể chung sống hòa mục, hai bên không thể nhường nhịn lẫn nhau thì nhất định sẽ phát sinh xung đột, sẽ phát sinh chiến tranh, sẽ phát sinh chảy máu, sẽ có đủ thứ bất hạnh.
Chư Phật Bồ-tát, đại thánh đại hiền, sự giữ tâm của các Ngài, động niệm của các Ngài đều là cứu độ tất cả chúng sanh khổ nạn, mà mục tiêu cứu độ chúng sanh là nhất định ở hòa và nhẫn. Tại sao chúng ta không thể thực hiện được hòa và nhẫn? Ở chỗ này Phật hiển thị ra cho chúng ta thấy rồi, thập ác bất thiện khiến cho hòa và nhẫn không thể thực hiện. Đây chính là tai nạn của tất cả chúng sanh hiện nay, là nguyên nhân không thể tránh khỏi thiên tai nhân họa. Phật pháp không những chỉ nói đến lợi ích trước mắt, mà còn có lợi ích sâu xa ở đời sau kiếp sau. Lợi ích của đời sau kiếp sau, nói lời chân thật là siêu vượt hơn lợi ích của chúng ta hiện nay.
Chúng ta đời này ở trong thế gian này, thời gian quả thật mà nói là rất ngắn ngủi. Các bạn trẻ hiện nay còn chưa nhìn thấy được, nhưng người ở tuổi 60, 70 trở lên (xã hội hiện nay nói người về hưu, người nghỉ hưu) cảm nhận về điều này rất sâu sắc. Đời người khổ và ngắn, cho dù 100 năm (người hiện nay nói một thế kỷ), nhưng trên thực tế chỉ là một cái khảy móng tay, một sát-na, chúng ta cần phải giác ngộ được. Trong thời gian ngắn ngủi như vậy, chúng ta phải làm thế nào vận dụng thời gian này thành tựu sự nghiệp bất hủ. Cái gì là sự nghiệp bất hủ? Nhà Nho nói, “lập đức, lập công, lập ngôn”, đây gọi là “tam bất hủ”. Cái “Tam bất hủ” này không phải thật, tại sao vậy? Vì trái đất này sẽ hoại. Phật nói với chúng ta, quốc độ Phật, tinh cầu có thành-trụ-hoại-không. Trái đất hủy diệt đi rồi thì lập đức, lập công, lập ngôn cũng sẽ không còn chỗ dựa. Trong Phật pháp nói sự nghiệp bất hủ thực sự là gì vậy? Thoát khỏi lục đạo, thoát khỏi thập pháp giới, đó là bất hủ thật sự. Không thể thoát khỏi lục đạo luân hồi, chúng ta nói phạm vi lớn hơn một chút, bất kể đức nghiệp như thế nào đều phải cùng đến chỗ chết với thành-trụ-hoại-không.
Thế Tôn từ bi, vì chúng ta chỉ ra thế giới Tây Phương Cực Lạc. Báo độ của chư Phật mười phương là bình đẳng. Báo độ này chính là thực báo trang nghiêm độ thường hay nói. Phàm thánh đồng cư độ và phương tiện hữu dư độ không đồng nhau, không giống nhau, nhưng ở thế giới Tây Phương Cực Lạc, đồng cư độ, phương tiện độ ngang bằng với thực báo độ, đây là bất khả tư nghì, đây là chư Phật tán thán. Không có vị Phật nào không khuyên chúng ta cầu sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc. Sự thù thắng của thế giới Tây Phương Cực Lạc không phải thường tịch quang độ, không phải thực báo độ. Thường tịch quang độ, thực báo độ tất cả chư Phật Như Lai đều bình đẳng, đó có gì hiếm lạ vậy? Thù thắng thứ nhất chính là đồng cư độ và phương tiện độ ngang nhau với tịch quang độ và thực báo độ, cái này bất khả tư nghì, chúng ta phải tin tưởng lời của Thế Tôn. Lời khuyên bảo này của Thế Tôn đích thực đã cứu chúng ta.