/ 28
370

Địa Tạng Kinh Huyền Nghĩa

Tập 27

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 1999

Địa điểm: Tịnh Tông Học Hội_Singapore

 

Xin mở kinh ra, Địa Tạng Kinh Khoa Chú, quán luận trang 20, hàng thứ năm, bắt đầu xem từ câu thứ hai, chúng ta đọc qua đoạn văn này một lượt.

“Tùy sở tu học chư thiền, tam muội chi nghiệp, vô sở nhạo trước, nãi chí biến tu nhất thiết thiện căn, bồ đề phần pháp, ư sanh tử trung, vô sở khiếp úy, bất lạc nhị thừa, dĩ y năng tập, hướng nhị quán tâm, tối diệu xảo tiện, chúng trí sở y, hành căn bản cố”, đây là một đoạn.

Quán pháp sau cùng ngày càng quan trọng, tu hành quan trọng nhất là thay đổi quan niệm của mình, cho nên gọi là quán pháp. Quán pháp cũng chính là phương pháp thay đổi quan niệm quan trọng, nguyên tắc nghiêm trọng. Vì quan niệm của phàm phu đều là sai lầm, quan niệm Phật Bồ Tát là chính xác. Cách nói này rốt cuộc lấy gì làm căn cứ? Căn cứ này là chân tướng sự thật. Nếu tương ưng với chân tướng sự thật, quan niệm này là đúng đắn. Còn như trái với chân tướng sự thật, quan niệm này là sai lầm. Nếu chúng ta biết căn cứ lý luận của nó, không sanh hoài nghi đối với cách nói của Phật Bồ Tát. Chân tướng sự thật của nó, trong Kinh Hoa Nghiêm nói thập pháp giới y chánh trang nghiêm. Nói cách khác, tất cả chúng sanh khắp hư không pháp giới, đây là bao gồm hết thảy. Tất cả chúng sanh không chỉ là nhân loài, nghĩa của chúng sanh là hiện tượng do chúng duyên hòa hợp mà sanh khởi, gọi là chúng sanh. Hai chữ chúng sanh, nói như chúng ta hiện nay, tất cả động vật, thực vật, khoáng vật, cho đến tất cả hiện tượng tự nhiên, hiện tượng tự nhiên cũng là chúng duyên hòa hợp mà sanh. Nói cách khác, hư không pháp giới, không có gì không phải chúng duyên hòa hợp mà sanh. Nó sanh như thế nào? Đức Phật nói rằng, chân tướng của nó là “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”.

Ở trước đoạn văn này, là Pháp tướng duy thức tông nói: “Tất cả pháp do tâm tưởng sanh”, đây là chân tướng sư thật. Lìa tâm tưởng, không có một pháp một tướng mà có thể tự thấy sai biệt, đây là nói rõ tất cả tướng duy tâm sở hiện. Tướng này là thanh tịnh, là bình đẳng, không có chướng ngại, chính là trong Kinh Hoa Nghiêm nói “sự sự vô ngại”. Vì sao vậy? Vì họ không có tâm phân biệt, không có tâm chấp trước, cho nên cảnh giới thanh tịnh bình đẳng, không có chướng ngại.

Vấn đề này, nếu chúng ta quan sát tường tận, quý vị xem trẻ con, trẻ con ba bốn tháng, trẻ con năm sáu tháng, chúng ta nói chúng chưa biết gì. Như thế nào gọi là không hiểu chuyện? Họ chưa có phân biệt, không có chấp trước, hồn nhiên. Trong thời kỳ này, quý vị cho kẹo chúng thích ăn, phân của chúng chúng cũng thích ăn. Vì sao có hiện tượng này? Vì chúng không có phân biệt, không có chấp trước, kẹo và phân đều như nhau, là bình đẳng, không có chướng ngại. Nhưng chúng ta vừa có phân biệt, vừa có chấp trước, vậy thì không giống nhau rồi, quý vị đã biết chướng ngại từ đâu đến? Chướng ngại từ ý niệm sanh ra, ý niệm này là sai lầm, trẻ con mới chính xác, đó là đúng. Chúng ta nói chúng sai, sao lại ăn phân, vậy là sai, đối với chúng là chúng ta sai. Lìa tất cả vọng tưởng phân biệt chấp trước, pháp giới này không có chướng ngại, không có phân biệt, đó là thật, thật sự tương ưng. Vì sao vậy? Vì không có gì không xứng tánh, duy tâm sở hiện. Tâm chính là chân tánh, chân như bản tánh, chân tâm, pháp pháp đều xứng tánh. Chúng ta thường nói pháp pháp đều đệ nhất, không có đệ nhị, đây là Phật tri Phật kiến, đây là chánh tri chánh kiến, cách nghĩ của chúng ta sai lầm. Ý niệm chúng ta vừa khởi lên liền có thị phi, liền có nhân ngã, liền có tà chánh, liền có thiện ác, liền có lợi hại, toàn là vọng tưởng. Phải biết trong chân tâm tự tánh, tất cả những thứ này đều không có.

Phàm phu chúng ta khởi tâm động niệm, bản thân nhất định phải biết là vọng niệm, vọng tưởng, hoàn toàn trái với cảnh giới chân thật. Tu hành trong Phật pháp, chính là sửa đổi những quan niệm sai lầm, cách nghĩ sai lầm, cách nhìn sai lầm này. Chân tâm là tâm thanh tịnh, chân tâm là tâm bình đẳng, chân tâm khởi tác dụng là đại từ đại bi. Từ bi là yêu thương, trong yêu thương không có phân biệt, không có chấp trước, pháp pháp bình đẳng, đây gọi là từ bi, gọi là tình yêu bao la. Người thế gian nói tình yêu rộng lớn, nói từ bi, hữu danh vô thực, không phải thật. Người thế gian nói chân thiện mỹ, cũng là hữu danh vô thực, không có thật. Thật là có, thiện cũng có, đẹp cũng có, đáng tiếc họ bị vọng tưởng phân biệt chấp trước phá hoại. Lìa vọng tưởng phân biệt chấp trước, chân thiện mỹ tuệ liền hiện tiền, nó vốn đầy đủ. Đây là Phật pháp nói về mê giác, nói tiêu chuẩn duy nhất về quan niệm tà chánh. Cho nên gọi Phật là “Phật tri Phật kiến”, gọi Phật là “chánh tri chánh kiến”, là lấy điều này làm y cứ. Người tu hành không thể không chú trọng tu quán, tu sửa quan niệm của mình.

/ 28