/ 28
316

Địa Tạng Kinh Huyền Nghĩa

Tập 28

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 1999

Địa điểm: Tịnh Tông Học Hội_Singapore

 

Xin mở kinh ra, Kinh Địa Tạng, luận quán trang 20, hàng thứ năm từ dưới đếm lên. Hôm qua nói đến: “phát đại tâm, tu đại hạnh, cảm đại quả, liệt đại vọng, quy đại xứ”, đây là pháp của Địa Tạng bổn nguyện. Mấy câu này là cương lĩnh tu học hay nhất của chúng ta.

“Phát đại tâm” chính là phát tâm bồ đề, hôm qua đã nói với quý vị rất tường tận. Không phát đại tâm, tuyệt đối không thể thành tựu. Vì sao mật giáo trong đại thừa thành tựu nhanh chóng như vậy? Đặc biệt là đại pháp viên đốn trong Phật pháp. Nó không có gì khác, chính là tâm lượng lớn, “tâm bao thái hư, lượng châu sa giới”. Đây là tâm lượng vốn có của chúng ta, hiện nay tâm lượng chúng ta biến thành nhỏ như vậy, Phật thường nói chúng ta mê muội. Mê như thế nào? Tức là mê mất tự tánh, mê mất tâm lượng vốn có của chúng ta, cho nên biến thành như hiện nay.

Thế nào gọi là “đại hạnh”? Tâm lượng lớn, “hạnh” sẽ lớn, mấy chữ đại bên dưới, đều ở nơi đại tâm. Nếu tâm lượng nhỏ, tu lục độ vạn hạnh là tiểu hạnh, tâm lượng lớn dù tu tam quy ngũ giới cũng là đại hạnh. Do đây có thể, lớn nhỏ không ở hạnh, không ở quả, cũng không ở xứ, thuần túy là ở đại tâm.

Tâm lượng của Chư Phật Như Lai không hề có chút chướng ngại nào, vì thế tâm lượng của họ chính là hư không pháp giới. Họ nhớ là hư không pháp giới, nghĩ là hư không pháp giới, thấy là hư không pháp giới, đây gọi là “phát đại tâm”. Một khi phát đại tâm, đối với tất cả chúng sanh khắp hư không pháp giới phục vụ vô điều kiện, giúp vô điều kiện, không có điều gì không tận tâm tận lực, cho nên mới có thể tu đại hạnh.

Ở đây, trong “đại hạnh” đề xuất hai cương lĩnh, “lao cường tinh tấn, chỉ ác hành thiện”, thực tế mà nói, hai câu này bao gồm toàn bộ hành môn. Lao cường tinh tấn là thiện căn, chỉ ác hành thiện là thiện hạnh. Thiện căn duy nhất của Bồ Tát là tinh tấn, vì sao vậy? Trong thế pháp, Bồ Tát đầy đủ cả ba thiện căn, không tham, không sân, không si, đây là ba thiện căn. Họ muốn viên mãn bồ đề hoàn toàn nhờ tinh tấn, không ngừng nâng cao cảnh giới của mình.

“Tinh” là tinh thuần, tinh thuần ở nơi đại tâm, chỉ có đại tâm mới có thể tinh thuần. Đại tâm vô tư, đại tâm không có phân biệt chấp trước, không có vọng tưởng, cho nên tinh. Bất kỳ một pháp nào đều tinh, đều là thuần mà không tạp. Tám vạn bốn ngàn pháp môn, tu học bất kỳ pháp môn nào đều có thể được vô thượng chánh đẳng chánh giác, đều có thể thành tựu bồ đề viên mãn, vì thế mới thật sự hiển thị “pháp môn bình đẳng, không có cao thấp”.

Ở đây nói phương pháp bình đẳng, không chỉ là nói Phật pháp, bao gồm tất cả pháp thế xuất thế gian. Thật sự phát đại tâm, có thể nói không có một pháp nào không phải Phật pháp. Nếu không phát đại tâm, vậy pháp nào là Phật pháp? Nếu tâm lượng mình vẫn tự tư tự lợi, nói thật không có pháp nào là Phật pháp cả. Ngày ngày đọc Kinh Địa Tạng, ngày ngày tụng Kinh Hoa Nghiêm vẫn tự tư tự lợi, Hoa Nghiêm và Địa Tạng đều không phải Phật pháp.

Người phát đại tâm, quý vị đều đã xem Truyện Tế Công, nói cho mọi người biết rằng, Tế Công ngày ngày ăn thịt chó, uống rượu đều là Phật pháp, không có một pháp nào không phải Phật pháp. Vì sao vậy? Vì ngài không chấp tướng, tuyệt đối không có vọng tưởng phân biệt chấp trước, không có pháp nào không phải Phật pháp. Ai hiểu được đạo lý này? Người khế nhập cảnh giới hiểu.

Địa Tạng là cổ Phật tái sanh, là cổ Phật thị hiện, quên mình vì người. “Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật”, đây là Địa Tạng bổn nguyện. “Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật” biểu trưng điều gì? Quyết tâm cứu giúp tất cả chúng sanh đau khổ, chỉ cần còn chúng sanh đau khổ, bản thân luôn ở bên cạnh những chúng sanh này, toàn tâm toàn lực giúp họ, đây là bổn nguyện của ngài Địa Tạng.

Do đây có thể biết, vị Phật Bồ Tát nào không phải bổn nguyện này? Từ đó cho thấy, vị Phật Bồ Tát nào không phải Bồ Tát Địa Tạng? Bồ Tát Địa Tạng không phải một người. Nhìn từ thệ nguyện cứu độ chúng sanh đau khổ, tất cả Chư Phật Bồ Tát đều là Bồ Tát Địa Tạng. Nhìn từ đại từ đại bi, tất cả Chư Phật Bồ Tát đều là Bồ Tát Quan Thế Âm. Từ trú trong trí tuệ chân thật, tuyệt đối không mê, tất cả chư Bồ Tát đều là Phổ Hiền Bồ Tát. Bồ Tát không phải một người, tất cả đều là Bồ Tát.

/ 28