Địa Tạng Kinh Huyền Nghĩa
Tập 26
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Liên Hải
Biên tập: Minh Tâm
Thời gian: 1999
Địa điểm: Tịnh Tông Học Hội - Singapore
Xin mở kinh bổn ra! Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, luận quán trang thứ 20, hàng thứ tư, bắt đầu xem từ câu thứ hai.
Chúng ta tiếp tục thuyết minh “tâm tịch tam muội” và “nhất hạnh tam muội”. Tam muội là thuật ngữ của Phật Giáo, ý nghĩa của nó là chánh thọ, từ trên chữ Phạn văn mà dịch, dịch thành chánh thọ, cũng tức là hưởng thọ bình thường. Nói cách khác, hưởng thọ của phàm phu là không bình thường. Phật ở trong kinh nói với chúng ta hưởng thọ của lục đạo phàm phu, có năm loại lớn: khổ, lạc, ưu, hỷ, xả. Đây là năm loại hưởng thọ lớn. Khổ lạc là hưởng thọ của thân. Ưu hỷ là hưởng thọ của tâm quí vị. Đây là thọ dụng của thân tâm. Xả thọ là thân không cảm nhân được có khổ lạc, tâm cũng không có ưu hỷ. Hưởng thọ lúc này liền gọi là xả thọ. Trong năm loại thọ này, đương nhiên coi xả thọ là tốt nhất. Phàm phu vì sao gọi là xả, không gọi là tam muội. Bởi vì phàm phu thời gian ở trong cảnh giới này rất ngắn ngủi. Nói cách khác, xả thọ không thể bảo trì mãi mãi. Nếu như xả thọ bảo trì mãi mãi, thì đó là chánh thọ, liền gọi là tam muội. Từ đó có thể biết, người thế gian tu định, định là xả thọ, trong định thân không có khổ lạc, tâm không có ưu hỷ. Trong kinh Phật thường nói lạc này là thiền duyệt. Hỷ duyệt trong thiền định. Đây là bình thường.
Tứ thiền bát định đều thuộc về xả thọ, không gọi nó là chánh thọ, bởi vì nó có thời gian hạn chế. Cho dù công phu định thứ tám rất sâu, thời gian định này có thể đến 80.000 đại kiếp, thời gian này có thể nói tương đối dài. Đức Phật ở trong kinh nói: một đại kiếp là một lần thành trụ hoại không của thế giới chúng ta. Quí vị xem thế giới thành trụ hoại không gọi là một đại kiếp. 80.000 đại kiếp tức là thế giới thành trụ hoại không 80.000 lần. Chư vị nghĩ xem, định công của họ thâm sâu biết bao. Cảnh giới trong định dài như vậy, 80.000 đại kiếp nếu như so sánh với vô lượng kiếp thì thời gian ngắn quá. Vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp, quí vị mới 80.000 đại kiếp đáng là gì? Cho nên 80.000 đại kiếp đối với chúng ta mà nói thì thời gian không thể nghĩ bàn. Con số của thiên văn, nhưng từ trong vô lượng thời không mà nói thì nó rất ngắn ngủi. Cho nên nó vẫn còn thuộc về xả thọ, không thể coi là chánh thọ. Chánh thọ sau khi đạt được rồi vĩnh viễn sẽ không bị mất đi. Người nào mới thực sự đạt đến chánh thọ? Trong Phật pháp nói Tiểu thừa A la hán quả, chứng được A la hán, chánh thọ của họ sẽ không bị mất đi. Đây là Thánh nhân thật sự, tiểu Thánh, họ không phải là đại Thánh. Từ đó có thể biết, “tâm tịch tam muội” chính là chúng ta thông thường nói “lậu tận thông”. Những thánh giả trong lục đạo giống như Sắc giới thiên nhân, Vô sắc giới thiên nhân, họ chỉ có ngũ thông, không có lậu tận thông.
Thế nào gọi là lậu tận thông? Lậu là đại danh từ của phiền não, phiền não tận rồi, kiến tư phiền não đoạn tận rồi. Lúc này liền nhập tâm tịch tam muội. Nói cách khác, người còn có thị phi nhân ngã, còn có tham sân si mạn, thì tâm của quí vị chưa tịch. “Tịch” chính là nghĩa của thanh tịnh, tâm của quí vị chưa thanh tịnh. Tâm thanh tịnh rồi, thọ của quí vị mới gọi là chánh thọ.
Từ đó có thể biết, học Phật không thể không đoạn phiền não. Điều này phải nên biết. Làm thế nào để đào thải hết phàm tình phiền não của chúng ta, là khóa trình quan trọng thứ nhất của người tu hành chúng ta. Trong tứ hoằng thệ nguyện đầu tiên dạy chúng ta phát tâm “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”. Câu này dùng cách nói hiện nay thì nói như thế nào? Chính là chúng ta phải phát tâm vì vô lượng vô biên chúng sanh mà phục vụ, “độ” chính là ý nghĩa của phục vụ. Hi sinh cống hiến, phụ vụ tất cả chúng sanh. Quí vị muốn phục vụ chúng sanh, thì phải có năng lực để phục vụ. Quí vị không có năng lực lấy gì mà phục vụ? Cho nên quí vị phải có đức hạnh, quí vị phải có học vấn, quí vị phải có tài nghệ, quí vị mới có thể tạo phúc cho tất cả chúng sanh. Quí vị thứ gì cũng không có, trong tâm muốn phục vụ cho chúng sanh, năng lực làm không được. Cho nên phải thành tựu bản thân, trước phải thành tựu đức hạnh của bản thân, thành tựu đức hạnh của bản thân thì trước phải đoạn phiền não, thành tựu tâm tịch tam muội, nhất hạnh tam muội của bản thân. Đạt đến cảnh giới này, quí vị mới có năng lực vì chúng sanh phục vụ, quí vị mới có năng lực giúp đỡ tất cả chúng sanh.