/ 28
670

Địa Tạng Kinh Huyền Nghĩa

Tập 25

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Liên Hải

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 1999

Địa điểm: Tịnh Tông  Học Hội - Singapore


Xin mở kinh bổn ra! Địa Tạng Kinh, luận quán trang thứ 19, hàng thứ tư từ dưới đếm lên, bắt đầu xem từ câu thứ hai.

“Thứ quán, bổn nguyện pháp giả. Chiêm Sát kinh vân: nhược dục y nhất thật cảnh giới tu tín giải giả, ưng học tập nhị chủng quán đạo, nhất duy tâm thức quán, nhị chân như thật quán”. Trước đây Đại sư Thanh Liên dùng cách dạy học của tông Thiên Thai, nói với chúng ta “thác sự phụ pháp”, có hai loại quán pháp, thứ nhất là quán nhân, đoạn trước đã giới thiệu qua, chính là từ trong tạo tượng Bồ Tát biểu pháp, chúng ta nên có sự lĩnh ngộ. Loại quán pháp thứ hai chính là quán bổn nguyện trong đề kinh, quán bổn nguyện của Bồ Tát. Hôm nay chúng ta đọc loại thứ hai.

Kinh Chiêm Sát là một trong ba kinh Địa Tạng, Bồ Tát Địa Tạng có ba bộ kinh, thông thường chúng ta đọc tụng chỉ là Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh, ngoài ra có hai loại kinh rất ít người đọc, thậm chí người biết đến cũng không nhiều. Kinh Chiêm Sát ngày xưa chúng tôi ở Đài Loan cũng cực lực đề xướng, chúng tôi có in kinh bản, cũng từng in qua giảng ký. Ngoài ra còn có một bộ là Đại Thừa Địa Tạng Thập Luân Kinh, bộ kinh này phân lượng rất lớn, người biết lại càng ít hơn nữa. Đây gọi là Địa Tạng Tam Kinh.

Dùng lời trong Kinh Chiêm Sát Thiện Ác Nghiệp Báo đã nói: “nếu hành giả muốn y theo cảnh giới nhất thật để tu tín giải”. Nhất thật là nhất chân thật tướng, đây cũng là Tông môn Giáo môn thường nói đến: “tu từ căn bản”. Nếu như chúng ta muốn nhập môn từ đây, vậy thì phải học “hai loại quán đạo”. Quán là quán sát, là quán chiếu; đạo là phương pháp, là con đường.

Có hai loại quán pháp. Một là “duy tâm thức quán” .Tông pháp tướng tu phương pháp này. Tông pháp tướng duy thức y theo phương pháp này để tu hành. Thứ hai là “chân như thật quán”. Đây là phương pháp mà tông pháp tánh dùng. Hai loại phương pháp này vô cùng quan trọng, đều từ căn bản mà tu học. Cho nên hai tông pháp tánh pháp tướn, cổ đức đều rất coi trọng. Cho dù là các học giả cận đại, giống như tiên sinh Phương Đông Mỹ cũng coi hai tông này là triết học cao nhất.

Dưới đây chúng tôi giản lược thuyết minh hai loại quán pháp này:

“Duy tâm thức quán giả, vị ư nhất thiết thời nhất thiết xứ, tùy thân khẩu ý sở hữu tác nghiệp, tất giai quán sát”. “Duy tâm thức quán” so với “chân như thật quán” dễ dàng hơn. Điều này ngày xưa tiên sinh Phương Đông Mỹ nói với tôi, người trung thượng căn tánh đều có thể dùng được. Chúng ta không phải là người thượng căn, nhưng cũng coi như là người trung căn, đây là điều mà Phương tiên sinh nói. Những người thuộc phần tử tri thức chúng ta là người trung căn. Nhưng trên thực tế, chúng ta nếu dùng trong “Tthập thừa quán pháp” của tông Thiên Thai, chúng ta mới thực sự biết bản thân là người hạ căn. Tiêu chuẩn của trung căn chúng ta đều không đạt được. Nhưng nếu như khuyến khích bản thân nỗ lực để tu học cũng được, thực sự phấn đấu nỗ lực, tu pháp môn này vẫn là có thể được. Quí vị xem “nhất thiết thời”, một ngày 24 tiếng đồng hồ không gián đoạn, “nhất thiết xứ” bất luận tại nơi nào. Nói cách khác, mọi lúc mọi nơi kiểm điểm tạo tác thân, khẩu, ý của bản thân, lời này nói ra rất dễ dàng, làm được thì rất khó. Quí vị thời thời khắc khắc sẽ quên mất, quên mất liền gọi là thất niệm, công phu của quí vị bị quên mất, bị gián đoạn. Cho nên công phu tu học của quí vị không thể đắc lực, nguyên nhân chính là đây vậy. Làm thế nào để có thể trong tất cả mọi lúc mọi nơi đều không gián đoạn, công phu mới có thể đắc lực. Vì sao Tịnh ông thường nói đến đả Phật thất? Vì sao phải đả Phật thất? Chính là hi vọng tất cả mọi lúc mọi nơi công phu đều không gián đoạn. Là ý nghĩa như vậy. Trong Thiền tông đả thiền thất, ý nghĩa đều giống nhau, đều sợ công phu gián đoạn, đều sợ ý niệm này bị quên mất. Cho nên mọi người cùng nhau gọi là nương chúng, dựa chúng, tôi quên mất rồi, có thể quí vị chưa quên mất, lúc quí vị quên mất có lẽ tôi chưa bị quên. Chúng ta hai bên giúp đỡ lẫn nhau, khích lệ lẫn nhau, nhắc nhở lẫn nhau. Hi vọng công phu không gián đoạn.

Tạo tác của thân thể, nhất cử nhất động, ngôn ngữ nơi miệng, ý niệm trong tâm, đây đều gọi là tạo nghiệp. Nghiệp của chúng ta Phật ở trong kinh đem nó quy nạp thành ba loại lớn: thiện nghiệp, ác nghiệp, còn có một loại là vô ký nghiệp. Vô ký nghiệp chính là nói không phải thiện hay ác. Vô ký nghiệp tốt hay không? Vô ký nghiệp cũng không tốt. Vô ký nghiệp đọa lạc vào trong vô minh. Cho nên ba loại nghiệp đều không phải thực sự là thiện nghiệp. Thí dụ như quí vị tạo thiện nghiệp thì thọ quả báo trong ba đường thiện, ác nghiệp thì thọ quả báo trong ba đường ác, vô ký nghiệp tuy không thể rõ ràng chiêu cảm nghiệp báo thiện ác, nhưng nó là vô minh, nó là ngu si. Được mấy người có thể trong tất cả mọi lúc mọi nơi, đều có thể kiểm điểm được như vậy? Có thể quan sát được như vậy? Đây là từ hiện tượng. Hiện tượng này từ đâu mà có? Đó chính là công phu.

/ 28