Địa Tạng Kinh Huyền Nghĩa
Tập 24
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Liên Hải
Biên tập: Bình Minh
Thời gian: 1999
Địa điểm: Tịnh Tông Học Hội - Singapore
Xin mở kinh bổn ra! Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, luận quán trang thứ 18, hàng thứ sáu từ dưới đếm lên, bắt đầu xem từ câu cuối cùng.
“Tứ minh vân, sơ ước hành giả, trực tựu nhất niệm, quán ư thập giới bách giới thiên như diệu pháp. Tuy tức nhất niệm, thiên pháp uyển nhiên, toàn thể tức không, đương xứ tức giả, nhưng phi nhị biên hựu tức song chiếu. Bất khả dĩ nhất đa thuyết, an dĩ hữu vô tư nhược biên nhược trung giai mạc năng nghĩ, ư tư quán hạnh vị trung, ký thâm tiến nhập, tắc lục thất thức, bất chấp ư ngã đắc phân biệt, ngã pháp nhị không, chuyển thành vô lậu, tắc kiến tư nhiễm ô, thô cấu tiên lạc”. Đến đây là một đoạn.
Đoạn này trước đây chúng tôi đã giảng qua, nhưng vẫn còn những ý khác chưa giảng hết. Thực sự mà nói, ý nghĩa này rất sâu rất rộng. Đối với sự tu học của chúng ta mà nói rất quan trọng. Ngày nay chúng ta tu học vì sao không đắc lực? Vì sao tập khí không đoạn được? Vì sao cảnh giới không chuyển được? Bản thân tuy có tâm hướng thượng, rất muốn sửa đổi, nhưng không sửa được. Nguyên nhân rất nhiều. Tại giảng đường chúng tôi cũng thường xuyên nhắc nhở, tuy thường nhắc nhở, thật ra được mấy người có thể hồi đầu? Điều này khiến chúng tôi nhớ đến lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam ngày xưa, lúc hướng dẫn chúng tôi nhiều lần khuyên nhủ chúng tôi, thực sự có thể hồi đầu cũng trong vạn người chỉ có được một hai người mà thôi, không thể nào yêu cầu ai ai cũng có thể hồi đầu. Nếu như dùng tâm này mà yêu cầu, vậy thì sai lầm của bản thân chúng ta. Phải biết tất cả chúng sanh nghiệp chướng vô cùng sâu dày, cho nên Phật độ chúng sanh là đời đời kiếp kiếp, không gấp gáp phải ngay trong đời này. Trong đời này chỉ làm tăng thượng duyên cho quí vị mà thôi. Đợi đến đời sau kiếp sau quí vị có phước phần, có nhân duyên, thì tiếp tục mà học. Đời này người có thể thành tựu đều là thiện căn, phước đức, nhân duyên đầy đủ. Đúng như trong Kinh Di Đà đã nói: không thể thiếu thiện căn, phước đức, nhân duyên mà được sanh về nước đó. Người như vậy thực sự được chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần ủng hộ tôn kính. Chúng ta phải chăng xếp vào hàng nhân vật này, bản thân suy nghĩ sẽ biết được.
Đoạn văn này là Tôn giả Tứ Minh nói, cũng là Tổ sư một đời của tông Thiên Thai. Trong đây nói đến chính là trong “thập thừa quán pháp” hàng thượng thượng căn tu học.
“Trực tựu nhất niệm quán ư thập giới bách giới”. Chúng ta ngày nay “nhất niệm” này làm không được. Một niệm quán nơi mười pháp giới, quán về trăm pháp giới, chính là dùng một niệm để đối diện với vũ trụ nhân sinh. Chúng ta hiện tại bệnh là ở đâu? Ngày nay chúng ta đối diện với xã hội là suy nghĩ lung tung, ngàn niệm vạn niệm, vọng tưởng dẫy đầy. Dùng tâm thái này để đối diện xã hội, đối diện tất cả chúng sanh. Đây là phàm phu, đây là tạo nghiệp. Thực sự là Phật Bồ Tát, thực sự là người có đạo hạnh, dùng điều gì để đối diện xã hội? Nhất niệm. Nhất niệm là chân tâm, suy nghĩ lung tung là vọng tâm. Chúng ta không biết dùng chân tâm, chân tâm là nhất tâm. Trong Kinh Di Đà nói: “nhất tâm bất loạn”. Nhất tâm quí vị liền có thể thấy được pháp giới chân thật, tức nhất chân pháp giới. Cho nên ở đây, tôn giả Tứ Minh nói rất hay: mười pháp giới trăm pháp giới vô lượng vô biên pháp giới, “thiên như diệu pháp”, đều là xuất xứ từ “bách giới thiên như” ở trong Kinh Pháp Hoa. Trong mỗi một pháp giới đều đầy đủ mười như thị. Cho nên gọi là trăm giới ngàn như. Đây chính là nói chân tướng của vũ trụ nhân sinh.
“Tuy tức nhất niệm, thiên pháp uyển nhiên”, Phật, Bồ Tát dùng chân tâm đối diện với cảnh giới. “Nhất niệm” là chân tâm. Chân tâm đối đãi cảnh giới, cảnh giới uyển nhiên, rõ ràng minh bạch hiện ra trước mắt. Nhưng họ sáng suốt, họ rõ ràng, họ nhìn thấu. Ý nghĩa của nhìn thấu chính là họ nhìn được rõ ràng, nhìn được sáng suốt.
“Toàn thể tức không”, từ thể mà nói mười pháp giới, trăm pháp giới, ngàn như, cũng tức là nói vũ trụ hư không pháp giới tất cả chúng sanh, tất cả chúng sanh này bao gồm cả động vật, thực vật, khoáng vật, còn bao gồm rất nhiều hiện tượng, đều là chúng duyên hòa hợp mà sanh khởi. Những thứ nhiều vô số này vô lượng vô biên tất cả chư pháp. Thể là không. “Không” là gì? Không chính là chân như tự tánh.