/ 28
326

Địa Tạng Kinh Huyền Nghĩa

Tập 23

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Liên Hải

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 1999

Địa điểm: Tịnh Tông  Học Hội - Singapore

 

Xin mở kinh bổn ra! Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh, luận quán trang thứ 18, bắt đầu xem từ hàng thứ hai.

“Quán kim kinh tánh thức bổn Như Lai tạng, nhất niệm cụ túc thập giới bách giới tam thiên tánh tướng. Như thử chỉ quán giản khứ giới nhập, duy quán ngũ ấm trùng đảm”. Trước hết chúng ta nói qua một cách đơn giản về câu này. Đại sư Thanh Liên phán giáo lấy “tánh thức” làm giáo thể của bổn kinh này. Điều này trước đây đã nói qua với chư vị rồi.

“Tánh thức” chính là Như Lai tạng tánh. Một niệm đầy đủ mười giới trăm giới. “Thập giới” thường nói là mười pháp giới. “Bách giới” đại sư Thiên Thai nói, mỗi một pháp giới đều đầy đủ mười pháp giới, cho nên mười lần mười là một trăm. “Ba ngàn tánh tướng”, đây là từ trong Kinh Hoa Nghiêm đức Thế Tôn giảng cho chúng ta về “thập như thị”, mỗi một pháp giới đều đầy đủ mười như thị. 100 giới tức là 1000 như, gọi là “trăm giới ngàn như”, quá khứ 1000 như, hiện tại 1000, vị lai 1000, gọi là “ba ngàn tánh tướng”. Đây là đem pháp giới hư không, hiện tượng tất cả chúng sanh toàn bộ đều bao quát hết. Mấy câu nói này bình thường chúng ta nói tận hư không biến pháp giới, đều nói hết rồi.

Hiện tại dạy chúng ta quán pháp. Quán pháp chính là dạy chúng ta kiến lập nhân sinh quan, vũ trụ quan chính xác, đây là danh từ hiện đại.

“Thử như chỉ quán giản khứ giới nhập” . Giới là 18 giới, nhập là sáu nhập. Đây là điều trong quá trình đức Thế Tôn thuyết pháp thường đem bách giới thiên như quy nạp thành năm ấm, sáu nhập, 12 xứ, 18 giới. Đây là tiện cho thuyết pháp mà làm ra sự quy nạp như vậy. Bây giờ chúng ta đem 18 giới sáu nhập đều tỉnh lược nó bớt, dạy chúng ta quán “ngũ ấm trọng đảm”, chuyên môn nơi “năm ấm” mà hạ công phu.

“Tựu thử ngũ ấm tiên giản sắc pháp, thứ giản thọ, tưởng, hành tam tâm sở pháp”. Giản cũng có nghĩa là tỉnh lược, chúng ta lược bỏ bớt nó. Trong năm ấm “chỉ quán sáu thức tâm vương”, thọ tưởng hành thức chỉ đơn thuần quán thức. “Sáu thức” chỉ quán thức thứ sáu. 

“Dĩ tiền ngũ thức tất y đệ lục ý thức, đồng thời nhi khởi, phương năng thủ cảnh, tạo thiện ác nghiệp”. Đây là từng tầng từng tầng mà chọn lọc, cuối cùng lựa chọn là thức thứ sáu, muốn chúng ta phải ở nơi này mà tác quán. Tông môn giáo môn Tổ sư đại đức thường nhắc nhở chúng ta “tu từ căn bản”. Căn bản là gì? Tâm chính là căn bản. Phàm phu từ trong tâm ý thức mà hạ thủ. Đây là phương tiện tối sơ nhất. Chúng ta dụng công tương đối dễ dàng đắc lực.

Dưới đây ngài nêu lời trong Kinh Lăng Nghiêm để làm chứng. Lăng Nghiêm nói: “Lục vi tặc môi, tự kiếp gia bảo, ý căn tặc chi cự khôi dã, công lực kham đại, dĩ đệ thất thức vi sơ y căn, dữ tiền ngũ căn tương ưng hòa hợp, tạo chư thiện ác chi nghiệp, giai nạp đệ bát thức trung, như thương khố thạnh vật tùy thời xuất nội”. Đoạn này không khó hiểu. Vì sao trong sáu thức chỉ lấy ý thức thứ sáu? Năm thức trước khởi tác dụng nhất định dựa vào thức thứ sáu. Mà thức thứ sáu và thức thứ bảy có mối quan hệ liên đới. Trong Kinh Lăng Nghiêm nói rất hay, đem sáu thức ví dụ cho sáu giặc. Sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần bên ngoài, tiếp xúc với cảnh giới sáu trần chỉ có liễu biệt, còn chưa có phân biệt. Ai phân biệt? Thức thứ sáu phân biệt. Chư vị phải biết, phân biệt liền có tốt xấu, liền có thiện ác, vậy là tạo nghiệp rồi. Liễu biệt không tạo nghiệp, liễu biệt là tuệ, phân biệt liền tạo nghiệp. Cho nên thức thứ sáu là tội đầu họa nhất. Chúng ta từ vô lượng kiếp đến nay đọa lạc trong lục đạo, làm việc sanh tử luân hồi. Trong lục đạo kinh điển nói rất hay, chắc chắn là thời gian trong ba đường ác dài, thời gian trong ba đường thiện ngắn. Hiện tượng này tạo thành như thế nào? Thực sự mà nói, quí vị tìm ra nguyên nhân số một chính là thức thứ sáu, hư vọng phân biệt, nên sức mạnh của nó lớn nhất. Nó đối nội có thể duyên đến thức A lại da, đối ngoại có thể duyên đến hư không pháp giới. Trong sáu thức chỉ có phạm vi duyên của nó lớn nhất. Cho nên trong Bách Pháp chư vị có thể nhìn thấy tâm sở tương ưng, 51 tâm sở thức thứ sáu đều tương ưng hết, tám thức khác đều không thể nào tương ưng với nhiều tâm sở như vậy, chỉ có ý thức thứ sáu tâm sở tương ưng viên mãn đầy đủ. Có thể thấy được công lực của nó rất lớn. Câu nói này nói không sai tí nào. Nó khởi lên nhất định liên kết cả thức thứ bảy, thức thứ bảy là mạt na, gọi là ý căn. Thức thứ bảy là nhiễm ô ý. Thức thứ bảy là chấp trước, thức thứ sáu là phân biệt, phiền phức chính tại nơi này vậy.

/ 28