/ 28
330

Địa Tạng Kinh Huyền Nghĩa

Tập 22

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Liên Hải

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 1999

Địa điểm: Tịnh Tông  Học Hội - Singapore


Chúng ta xem tiếp Thập thừa quán pháp thứ tám.

“Bát, tri vị thứ, tu hành chi nhân miễn tăng thượng mạn cố”. Bệnh “tăng thượng mạn” là từ xưa đến nay thường có. Cái gì gọi là tăng thượng mạn? Bản thân chưa chứng đến địa vị này mà cho rằng đã chứng đắc, không hiểu được vị thứ của bản thân.

Ngày xưa tôi gặp một vị cư sĩ, vị cư sĩ này học Phật rất kiền thành. Ông ấy nói với tôi ông chứng được A la hán quả, tôi liền khuyên ông ấy không nên nói. Ông ấy nói thực sự chứng được rồi, lời nói rất khẳng định. Tôi bị ông ấy ép cho cũng hết cách. Tôi nói đã chứng được quả A la hán, thì sáu loại thần thông ông đều đầy đủ rồi. Chúng tôi ngồi trong nhà, tôi nói bên ngoài nhà, những người đi trên đường lớn kia, ông có thấy hay không? Ông ấy nói không thấy. Tôi nói vậy ông chưa chứng đến A la hán quả. Chứng đến quả A la hán, ông nhất định biết được, trong tâm tôi nghĩ chuyện gì ông cũng biết được, ông có tha tâm thông. Tôi nói vậy ông chưa khôi phục được năng lực này, chắc chắn ông chưa chứng đắc. Như vậy mới đánh tan được ý niệm của ông ấy, gặp ai cũng nói với người ta ông ấy thực sự chứng quả A la hán. Đây là không biết vị thứ tu hành của mình. Rất có khả năng trong tu hành đạt được một chút pháp hỷ, đạt một chút khinh an, thế là liền sanh ra ngộ nhận.

Vị thứ này phải rất rõ ràng, rất sáng suốt, chúng ta sẽ không có những vấn đề này nảy sanh. Thí dụ như trước đây nói “ngũ đình tâm”, “lục độ”. Lúc Đại sư Trí Giả vãng sanh, học trò của Ngài thỉnh giáo Ngài: Ngài đời này tu trì hoằng pháp lợi sanh, Ngài vãng sanh là phẩm vị như thế nào, đại sư nói với mọi người rằng: “ta chỉ chứng đắc ngũ phẩm vị vãng sanh”. Ngũ phẩm vị chính là ở đây nói ngũ đình tâm. Đình là đình chỉ, tâm là tán loạn, tâm tán loạn đình chỉ rồi, vị thứ này không cao. Sanh đến thế giới tây phương Cực Lạc vào cõi phàm thành đồng cư. Thực sự mà nói, vị thứ này ngũ đình tâm mỗi một đồng tu chúng ta đều có thể đạt được. Nếu như nói là sự nhất tâm, lý nhất tâm, vậy đích thực là không dễ dàng, phẩm vị đó cao rồi. Cho nên điểm thù thắng của thế giới Cực Lạc không phải nơi cõi thật báo trang nghiêm, mà ở cõi phàm thánh đồng cư. Điều này thật không thể nghĩ bàn. Thông thường loại công phu này không thể nào thành tựu được. Đây chính là đè nén phiền não, chưa đoạn được phiền não. Công phu đè nén phiền não chỉ cạn, nói thật thì chưa bằng Tiểu thừa sơ quả. Tiểu thừa sơ quả tam giới 88 phẩm kiến hoặc đã đoạn tận rồi, là Tiểu thừa sơ quả, trong Viên giáo là Bồ Tát sơ tín vị. Chúng ta làm gì có năng lực đó?  Nói thật thì tu trì một đời Viên giáo sơ tín vị Bồ Tát chúng ta cũng không đạt được. Điều này chúng ta phải hiểu được, bản thân biết được rồi tâm thành kính mới sanh khởi được, không dám cống cao ngã mạn. Công phu đoạn chứng như vậy trong Đại thừa Tiểu thừa đều nói vô cùng rõ ràng, con số phiền não cũng nói rất tường tận.

“Ngũ đình tâm quán” là đè nén phiền não, căn bản là chưa đoạn. Cách nói của Đại sư Trí Giả, thực sự mà nói chính là giúp chúng ta học tập. Đại sư Trí Giả niệm Phật vãng sanh thế giới Cực Lạc, ngài vì chúng ta hiện thân thuyết pháp. Trong sử truyện Trung Quốc có ghi chép, đại sư Trí Giả là hóa thân của đứcPhật Thích Ca Mâu Ni, không phải là người phổ thông, thị hiện làm hình mẫu cho chúng ta thấy, hướng dẫn chúng ta, khiến cho chúng ta học theo Ngài. Ý nghĩa này rất sâu sắc. Chúng ta nếu như có thể lãnh hội được, đặc biệt là trong thời đại này, thời đại này chúng ta phải tự tu học như thế nào, phải hoằng pháp lợi sanh như thế nào, hoằng pháp lợi sanh chính là giúp đỡ người khác tu học, mọi người đều nghĩ đến xây dựng đạo tràng, tiếp dẫn chúng sanh. 

Sáng sớm hôm nay nhận được tin fax từ một vị đồng tu ở Đài Bắc chuyển đến, trong tờ fax này nhắc đến, hiện tại thế kỷ 21 này, phương thức hoằng pháp phải tùy theo thời đại mà thay đổi, ông ấy cho rằng đã không còn là đạo tràng nữa, mà là đài truyền hình. Cách nhìn này rất chính xác. Cho nên khuyên tôi đến đài truyền hình giảng kinh, giảng kinh truyền hình trực tiếp, chứ không phải là ở phòng học nhỏ như chúng ta, rồi đem băng ghi hình đưa đến đài truyền hình. Vì sao vậy? Vì thiết bị của chúng ta so với đài truyền hình thì kém xa lắm. Ngày xưa tôi từng ghi âm tại đài truyền hình, thiết bị của họ thực sự là hàng đầu. Nhân viên công tác tham gia ghi hình hơn 20 người. Trong đài truyền hình thông thường là ba bộ máy ghi hình, từ mỗi một góc độ hình ảnh nó có sự thay đổi, chúng ta dùng một cái máy để đó thì hình ảnh cứng nhắc. Người hiện tại thích hoạt bát, hình ảnh cứng nhắc nhìn lâu rồi họ cảm thấy chán. Cho nên hình ảnh phải luôn luôn thay đổi. Chúng ta phải nghĩ ra phương pháp làm cho hiện trường giảng kinh của chúng ta phải đạt đến tiêu chuẩn phòng ghi hình như đài truyền hình, thì hiệu quả này sẽ lớn hơn. Đài truyền hình chỉ thỉnh thoảng họ cho chúng tôi mượn, nhiều nhất cũng chỉ một thời gian ngắn, một tuần lễ mười ngày thôi. Chúng ta không thể nào giảng kinh thời gian dài ở đó được. Đây là nhắc nhở tôi, tôi liền nghĩ đến chúng ta phải mở rộng thiết bị hiện trường của chúng ta, chúng ta cũng cần phải bồi dưỡng nhân tài chuyên nghiệp, nỗ lực làm theo phương hướng này. Ngày nay đối với việc hoằng pháp trên toàn thế giới, đích thực tuyệt đối không phải là chùa chiền, lấy tài lực xây dựng chùa chiền, dùng để mở rộng thiết bị của chúng ta cũng dồi dào dư dả. Máy quay phim của chúng ta thực sự là không đủ. Hiện nay chỉ có thể quay đến giảng tòa, không quay đến thính chúng được. Tốt nhất có thể có được hai bộ máy quay phim để có thể quay đến được thính chúng toàn đạo tràng, làm cho hình ảnh có thể hoạt bát hơn. Đây đích thực là một kiến nghị rất tốt, cũng là nhắc nhở chúng ta. Ngày nay trên đài truyền hình xem tiết mục của chúng ta một trăm mấy mươi ngàn người. Đây là con số chúng ta biết, còn có một số chúng ta không biết được, căn cứ theo tính toán thông thường có hơn cả triệu người. Mỗi ngày chúng ta quảng bá trên toàn thế giới, nên ông ấy cũng nhắc nhở tôi, trên giảng đường bất luận là nói dài hay nói ngắn, nói sâu hay nói cạn, đều phải nghĩ đến thính chúng, là thính chúng trên toàn thế giới, chứ không phải là mấy người trước mặt thôi. Đây là nhắc nhở tôi quán cơ, phạm vi này phải rộng lớn, phải nghĩ đến ngồi trước máy truyền hình rất nhiều người còn chưa được tiếp xúc với Phật pháp. Chúng ta không thể không quan tâm đến những đồng tu mới học Phật này, giúp đỡ họ nhận thức Phật pháp, giúp đỡ họ hiểu được Phật pháp, giúp đỡ họ tu học.

/ 28