/ 28
453

Địa Tạng Kinh Huyền Nghĩa

Tập 21

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Liên Hải

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 1999

Địa điểm: Tịnh Tông  Học Hội - Singapore


Xin mở kinh bổn ra! Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh, Luận Quán trang thứ 17, hàng thứ hai từ dưới đếm lên. Ở đoạn này Đại sư Thanh Liên nêu ra cho chúng ta “thập thừa quán pháp”, đây là cương lĩnh tu hành quan trọng của tông Thiên Thai. Bốn điều trước, điều thứ nhất là “quán bất tư nghì cảnh”. Thứ hai là “chân chánh phát bồ đề tâm”. Thứ ba là “thiện xảo an tâm chỉ quán”. Thứ tư là “phá pháp biến”. Lần trước đã giới thiệu qua rồi. Hôm nay chúng ta bắt đầu bàn từ điều thứ năm “thức thông tắc”.

Khổ tập, thập nhị nhân duyên lục tế trần sa vô minh vi tắc”. “Tắc” là tắc nghẽn, là chướng ngại. Tắc nghẽn gì? Tắc nghẽn trí tuệ chúng ta, tắc nghẽn chúng ta làm cho không thể minh tâm kiến tánh. Mục đích cuối cùng của Phật pháp, là làm cho chúng ta khôi phục trí tuệ đức năng mà tự tánh vốn có đủ. Trí tuệ đức năng vốn đủ trong tự tánh không thể hiện tiền, là vì có chướng ngại, Phật trong tất cả kinh luận nói rất nhiều. Đại sư Thiên Thai đem lời đức Thế Tôn dạy qui nạp lại, nói cho chúng ta “khổ” là quả báo của thế gian. “Tập” là nghiệp nhân của thế gian. Điều này trong Tứ đế nói rất rõ ràng, rất thấu triệt. Chúng ta ở đây không thể giảng xa quá, nhiều quá.

“Thức thông tắc” chủ yếu là từ trên Tứ đế mà nói. “Thập nhị nhân duyên” là Duyên giác, trong kinh thường nói là Bích Chi Phật. Pháp môn mà họ tu học từ vô minh duyên hành, hành duyên thức, cho đến lão tử. Tổng cộng 12 cương mục, gọi nó là thập nhị nhân duyên. Trong thập nhị nhân duyên có nhân, có quả. Về quả không có cách nào để đoạn. 12 điều cũng phân phối cho ba đời, cũng tức là quá khứ, hiện tại, vị lai. Nhân duyên của quá khứ, chúng ta không có năng lực siêu việt thời gian, cho nên quá khứ chúng ta cũng không làm gì được. Vị lai là chỉ cho đời sau, thực sự mà nói cũng không làm gì được. Thực sự có thể làm được là nhân quả ngay trong đời này, tức là tám cương mục giữa, từ “thức” đến “ái, thủ, hữu”, năm điều trước là thuộc về quả báo, nên thực sự có thể dụng công, thực sự có thể đoạn được một điều trong Thập nhị nhân duyên, vậy là thành tựu rồi. Trên thực tế, có thể đoạn chỉ có ba điều: ái, thủ, hữu, chính ba điều này.

Ái là mê hoặc. Chúng ta nói “hoặc nghiệp khổ”. Thủ và hữu đều thuộc về nghiệp. Quả báo là khổ. Cho nên nơi chúng ta có thể hạ thủ chính là từ hoặc nghiệp. Nếu như con người có thể đoạn hết ái dục, cửa này nhìn thấu rồi, pháp thế xuất thế gian đều là tất cánh không, vô sở hữu, bất khả đắc. Chỉ có thực sự triệt để nhìn thấu, mới có thể đoạn hoặc, đoạn hoặc chứng chân. Điều này rất khó, rất khó, là điều hàng thượng thượng căn tu tập.

Thủ chính là thủ xả, cũng chính là thông thường chúng ta nói được mất. Người thế gian thường nói sợ được sợ mất. Đây là tạo nghiệp. Thủ cũng là nhiễm trước. Trong Phật pháp thường nói chấp tướng. Vừa nhiễm trước, nhất định liền “có” rồi. Có điều gì? Có tham, sân, si, mạn; có thị phi nhân ngã, trong thức A lại da quí vị liền có chủng tử, chủng tử nghiệp tập. “Hữu” là chỉ cho trong thức A lại da rơi vào chủng tử nghiệp tập. Đã là “hữu” rồi, nên sau đó liền có quả báo “sanh lão bệnh tử”.

Đức Phật nói đạo lý này, thuyết minh cho chúng ta ba đời chính là quá khứ, hiện tại, vị lai, nguyên nhân căn bản của luân hồi trong ba đời. Chúng ta biết được những đạo lý này, mới hiểu được luân hồi trong ba đời là sự việc như thế nào. Nếu muốn siêu việt lục đạo luân hồi thì mười hai nhân duyên này cũng giống như 12 vòng liên kết vậy, quí vị có thể phá được một vòng, thì toàn thể nó sẽ bị tan rã.

Đức Phật dạy chúng ta phá bỏ từ điểm nào? Từ ái, thủ, hữu. Hàng thượng thượng căn, nhìn thấu chân tướng của tất cả sự lý thế gian, cho nên ái dục họ có thể đoạn. Đây là thượng căn lợi trí. Hàng trung, hạ căn tánh không được, ở đây họ chưa đoạn được. Phật liền dạy cho chúng ta từ “thủ”, từ đây mà đoạn. “Bất thủ” tức là không chấp tướng. Chúng tôi trên giảng tòa thường khích lệ quí vị đồng tu, không phân biệt, không chấp trước, không phân biệt không chấp trước chính là từ “thủ” mà hạ thủ. Từ đó có thể biết, “ái thủ hữu” ba chữ này không phải nói sự tướng, mà nói đến dụng tâm. Trên sự tướng không thể tách rời, quí vị mỗi ngày ăn cơm ba bữa, quí vị phải mặc áo quần chống đỡ với khí hậu lạnh giá. Đây là sự tướng. Quí vị bắt buộc phải có phòng ốc che mưa che gió. Không phải từ trên sự mà ly, mà từ trên tâm, từ trên ý niệm mà ly. Điều này không thể hiểu sai. Trong cuộc sống hằng ngày tất cả đều tùy duyên, giống như Phật Bồ Tát vậy, nhất định không nên phân biệt, không nên chấp trước, vậy là có phương pháp khai mở được Thập nhị nhân duyên.

/ 28