Địa Tạng Kinh Huyền Nghĩa
Tập 15
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Minh Tâm
Thời gian: 1999
Địa điểm: Tịnh Tông Học Hội_Singapore
Mời mở kinh ra, Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, luận quán trang 15, xem từ hàng thứ nhất, câu thứ hai, chúng ta đọc đoạn văn này.
“Kim Địa Tạng đại sĩ, hiện thân lục đạo, ư tứ bất khả thuyết, dụng tứ tất đàn phó duyên, tùy cơ thuyết giáo, hóa chuyển vật tâm, đại khái bất việt thử tam”. Lần trước chúng ta học đến đây, đã giới thiệu với chư vị về “tứ bất khả thuyết”, điều này này xuất phát từ Kinh Đại Niết Bàn. Trong Kinh Đại Niết Bàn Đức Phật nói sáu loại bất khả thuyết, đại sư Thiên thai quy nạp nó thành bốn loại, phối hợp với tứ giáo tạng, thông biệt, viên, đã giới thiệu qua.
Bên dưới là “tứ tất đàn phó duyên, tùy cơ thuyết giáo”, đây là nghệ thuật dạy học của Thế Tôn, nghệ thuật biểu đạt. Bốn loại bất khả thuyết ở trước, có thể nói là giáo thể của tứ giáo, giáo thể của tứ giáo tạng, thông, biệt, viên, chúng ta cần phải lý giải. Nhưng về phương pháp kỷ thuật lại vô cùng quan trọng, vì nó áp dụng trong cuộc sống hiện thực của chúng ta.
“Phó duyên” chính là cảm ứng, chúng sanh có cảm Phật liền có ứng. Phật ứng, không phải Phật có ý của tứ tất đàn, vậy là sai. Trong cảm ứng, chúng ta quan sát tường tận, phát hiện ngài có bốn nguyên tắc. Bốn nguyên tắc này hiển thị, cũng chính là thực hành đại từ đại bi của ngài, thực hành nguyện vọng phổ độ chúng sanh của ngài. Bốn nguyên tắc này, ở đây gọi là Tứ tất đàn.
Đàn là bố thí, đàn na là bố thí, tất là phổ biến, không có phân biệt, không có chấp trước. Danh từ này trong phiên dịch gọi là Phạn Hoa hợp dịch, tất là tiếng Trung quốc, đàn na là tiếng Ấn độ, là tiếng Phạn, Phạn Hoa hợp dịch. Nghĩa là biến thí. Chúng ta thường tán thán Bồ Tát Quan Thế Âm “biến thí cam lồ”, cũng chính là ý này.
Bốn nguyên tắc này, chúng ta phải nắm bắt, y giáo phụng hành. Vì sao vậy? Kiến lập mối quan hệ giữa người với người, giữa người với tất cả chúng sanh, vì sao Đức Phật được tất cả đại chúng kính yêu? Vì sao chúng ta lúc nào cũng khiến mọi người ghét bỏ, khiến người không thích? Nếu quý vị biết bốn nguyên tắc này, như vậy sẽ giống như Phật Bồ Tát, được tất cả chúng sanh yêu kính, đây là điều chúng ta cần phải học.
Tứ tất đàn, thứ nhất là “thế giới tất đàn”. Thế giới, nói như hiện nay chính là vũ trụ, chính là thời gian và không gian. Bố thí phổ biến khắp vũ trụ, khắp thời gian không gian. Bố thí điều gì? Bố thí tâm hoan hỷ, yêu thương. Ta không yêu chúng sanh, làm sao chúng sanh yêu ta được? Ta ghét bỏ người khác, người ta nhất định ghét ta, đây là điều đương nhiên. Người xưa nói: “người biết yêu người, thường được người yêu”. Cho nên Phật Bồ Tát điều đầu tiên chính là bố thí yêu thương, yêu thương chân thành, yêu thương bình đẳng, yêu thương vô điều kiện, chúng sanh nào không hoan hỷ tiếp nhận? Đây là nguyên tắc đầu tiên. Chúng sanh không thích ta, ghét ta, khi ta thấy người đó, lập tức tránh né, khiến họ hoan hỷ, đây chính là bố thí yêu thương. Sau này người đó, quý vị xem tôi ghét anh ta, mỗi lần gặp anh ta lập tức tránh đi, anh ta sợ tôi. Thời gian lâu ngày, đột nhiên họ giác ngộ, anh ta rất yêu thương tôi, tôn trọng tôi, sợ tôi giận, khiến tôi hoan hỷ. Ý niệm đó thay đổi, họ trở lại kính trọng quý vị, họ cũng yêu thương quý vị.
Vì thế oan gia đối đầu, phải dùng thời gian từ từ xoay chuyển. Họ có hiểu lầm, có thành kiến, ta phải dùng trí tuệ, dùng yêu thương để hóa giải. Nhà Phật có câu nói: “Oan gia nên giải không nên kết”, vì thế Phật Bồ Tát không kết oán với bất kỳ ai. Chúng ta học Phật đầu tiên phải học điều này, không kết oán thù với tất cả chúng sanh, đây là điểm tu học căn bản. Tất cả chúng sanh bao gồm động vật, bao gồm thực vật, bao gồm tất cả thiên địa quỷ thần. Đức Phật dạy chúng ta, kết pháp duyên còn thù thắng hơn thiện duyên, trên thực tế pháp duyên chính là thiện duyên. Pháp duyên và thiện duyên sai biệt ở đâu? Thiện duyên là có cảm tình, pháp duyên là trí tuệ, sai biệt ở điểm này. Kết thiện duyên với tất cả chúng sanh, là trí tuệ làm chủ, không phải tình thức. Tình thức, đó là thiện duyên, thiện duyên không thể thoát ly ba đường lành, pháp duyên có thể thoát ly lục đạo, thoát ly mười pháp giới. Điều này nói rõ Phật pháp cần phải kiến lập trên nền tảng của trí tuệ. Trong Kinh Vô Lượng Thọ dạy cho chúng ta ba thứ chân thật: “trú chân thật tuệ”, tâm vĩnh viễn an trú trong trí tuệ chân thật.