289

Địa Tạng Kinh Huyền Nghĩa

Tập 14

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Giới Niệm

Biên tập: Nguyên Tâm

Thời gian: 1999

Địa điểm: Tịnh Tông Học Hội_Singapore

 

Xin mở kinh ra, Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, trang thứ mười bốn phần quán luận, bắt đầu xem từ dưới lên hàng thứ hai, đây là đoạn huyền nghĩa cuối cùng nói về “Phán giáo”. Trước tiên, chúng ta đọc qua đoạn văn này.

Đệ ngũ phán vô thượng đề hồ, vi giáo tướng giả, phàm ngôn giáo giả, thị thông đồ chi ngôn, đãn hữu chỉ huy, phân phán biện thuyết, giai danh vi giáo, tứ giáo nghĩa vân, thông ngôn giáo giả, dĩ thuyên lý hóa vật vi nghĩa, thuyết năng thuyên lý, hóa chuyển vật tâm, cố ngôn giáo dã”.

Chúng ta xem đoạn văn này, đoạn văn này trước tiên nói cái gì gọi là giáo? Nếu nói như hiện nay, giáo là giáo học, chính là để phân biệt bộ kinh này, khóa trình của môn này, phải học vào lúc nào? Giống như người chủ quản lý việc dạy học trong trường của chúng ta, để sắp xếp những đề mục và tiến trình dạy học của trường, họ sắp xếp nó vào một học hệ nào, sắp xếp học môn này vào lịch trình năm nào. Nhưng trước đây, đức Thế Tôn giảng kinh, thuyết pháp, thật sự không có ý này. Phán giáo là do các vị Tổ sư đại đức sau này, vì để tiện cho sự giảng dạy mà làm.

Nhưng Phật pháp viên dung, do đó chúng ta nhất định không thể chấp chặt cho rằng pháp này là của cổ đức nói. Pháp của ngài nói có lợi ích, nhưng nếu chúng ta chấp chặt vào đó, thì tác dụng hoàn toàn trái ngược, không chỉ không được lợi ích, mà trái lại bị tổn hại.

Chỗ này nói với chúng ta rằng, phàm là nói giáo, giáo là danh xưng phổ thông, giáo chính là dạy học. Ý của nó có chỉ huy, có xét đoán, có biện luận, tất cả đều gọi là giáo. Chỉ huy chính là bây giờ chúng ta nói chỉ đạo, xét đoán, biện luận, các vị cũng rất dễ hiểu, đây đều gọi là giáo. Ta chỉ đạo người khác chính là giáo người, ta phân tích, phán đoán cho người khác cũng là dạy người, ta cùng với người biện luận, giảng giải vẫn gọi là dạy người, tất cả đều thuộc về giáo. Ở trong bốn giáo nghĩa của Thiên Thai nói, thông ngôn giáo là lấy sự giảng lý hóa vật làm nghĩa, ý này nói rất hay.

Thuyết năng thuyên lý”. Khi Đức Thế Tôn còn tại thế, Ngài hoàn toàn dùng ngôn thuyết, không có dùng văn tự để ghi lại. Văn tự là do người đời sau làm, sau khi Đức Phật diệt độ, các đệ tử cảm thấy lời giáo huấn của Đức Phật, thật sự có lợi ích cho tất cả chúng sinh. Nếu cứ truyền miệng cho nhau, qua thời gian lâu nhất định có sai lạc, về sau cái sai ấy cứ truyền mãi, đây là điều không thể tránh khỏi. Xưa nay trong ngoài nước đều có hiện tượng này, khó mà khiến cho người đời sau sinh khởi lòng tin. Do đó, dùng văn tự để ghi lại trở thành việc rất cần thiết.

Vì thế, các đệ tử mới tổ chức tập kết kinh điển, kết tập cũng là chỉnh lý, dùng văn tự ghi lại những lời giáo huấn của Đức Phật, để truyền lại cho đời sau. Tình tiết của sự tập kết, các vị cũng được nghe rất nhiều, ở đây không cần nói để khỏi mất thời gian.

Văn dĩ tải đạo”, điều này Cổ nhân Trung Quốc đã chủ trương, đạo lý ngôn ngữ, văn tự đã nói, người bây giờ gọi là chân lý. Lý người bây giờ gọi là chân lý, đạo lý chân thật, sự tướng chân thật. Sở dĩ “thuyết năng thuyên lý”, mục đích của thuyết giáo ở chỗ nào? Mục đích là “hóa chuyển vật tâm”. Đây là công năng của giáo dục, mục đích của giáo dục.

Chúng ta học Phật, phát tâm xuất gia, làm đệ tử Phật, sứ mạng của chúng ta chính là kế tục huệ mạng của Đức Phật, truyền bá giáo hóa của Đức Phật, giúp chúng sinh phá mê khai ngộ, đây là sứ mạng duy nhất của chúng ta. Chúng ta đến thế giới này để làm việc này, ngoài việc này ra, còn những việc khác không phải là việc của chúng ta làm. Việc từ thiện cứu tế rất nhiều, sự nghiệp từ thiện của xã hội có phải là việc chúng ta nên làm hay chăng? Không phải. Chúng ta cần phải làm sự nghiệp đại từ thiện, chúng ta cần phải làm sự nghiệp từ tế căn bản, đó là cứu độ pháp thân huệ mạng của tất cả chúng sinh.

Sự nghiệp từ thiện của người đời làm là sự nghiệp nhỏ. Người không có ăn ta cầm một ít vật thực đến cho họ ăn, người không có áo quần mặc ta cầm vài bộ áo quần đến cho họ mặc, đó là việc nhỏ. Chúng ta giúp đỡ là giúp đỡ việc lớn: “Chuyển hóa vật tâm”. Hóa là biến hóa, chuyển là chuyển biến. Trong đây không nói nhân tâm, mà nói vật tâm. Nói nhân tâm thì trong chín pháp giới chỉ độ được một pháp giới, nói vật tâm là nói bao quát cả chín pháp giới, vật có thể bao gồm cả người, nhưng người không thể có vật. Do đó, ý nghĩa này rất rộng. Cũng chính là ngày nay nói tất cả hữu tình chúng sinh, chữ vật bao gồm tất cả hữu tình chúng sinh.