/ 28
327

Địa Tạng Kinh Huyền Nghĩa

Tập 13

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập:Minh Tâm

Thời gian: 1999

Địa điểm: Tịnh Tông Học Hội_Singapore

 

Mời mở kinh ra, luận quán trang thứ mười ba, đoạn sau cùng. “Đệ tứ, luận bất tư nghì, phương tiện dụng giả”.

Ý nghĩa của mỗi chữ trong đoạn văn này, đã từng nói với chư vị. Hôm nay chúng ta cần thảo luận, sau khi chúng ta đọc xong nên học tập như thế nào, đây mới là điều quan trọng. Tác dụng của bộ kinh này, nếu luận đến chỗ rốt ráo, thật sự có thể giúp chúng ta chứng được quả Phật viên giáo cứu cánh. Đã có tác dụng lớn lao như thế, ngoài ra đều có thể nói là những thứ vụn vặt. Ngày nay chúng ta nói xã hội an định, thế giới hòa bình, phước báo của nhân dân. Đối với kinh này mà nói, đây là vấn đề đơn giản, chẳng có gì không làm được. Do đó cổ nhân thường nói, bộ kinh này trong thời kỳ mạt pháp, là bộ kinh điển quan trọng nhất để độ chúng sanh, điều này không hề quá đáng. Chúng ta suy nghĩ tường tận, trong hội Địa Tạng, Đức Thế Tôn đem sứ mạng giáo hóa chúng sanh sau khi ngài diệt độ, giao phó cho Bồ Tát Địa Tạng. Phật không trụ thế, đặc biệt là 10 ngàn năm trong thời kỳ mạt pháp, trách nhiệm giáo hóa chúng sanh do Bồ Tát Địa Tạng gánh vác, pháp môn Địa Tạng đối với thời kỳ mạt pháp quan trọng biết bao, chúng ta có thể nghĩ cũng biết.

Mạt pháp là mạt ở đâu? Điều này chúng ta cần phải rõ ràng, phải minh bạch. Thực tế mà nói chánh pháp, tượng pháp, mạt pháp hình thành như thế nào? Chẳng lẽ thật sự có giới hạn này sao? Không tìm ra giới hạn này. Ba thời kỳ, nói thật đều do nhân tâm dày mỏng, dạy học tốt xấu. Thời kỳ chánh pháp nhân tâm thuần hậu, tiếp thu được giáo huấn của Như Lai, dạy học thù thắng. Thời kỳ tượng pháp kém hơn một bậc, nhân tâm thuần hậu không bằng thời kỳ chánh pháp, Phật không xuất hiện, nhưng vẫn còn Bồ Tát, vẫn còn A la hán đến giáo hóa chúng sanh. Do đây có thể biết, thánh nhân thị hiện ở thế gian này, há chẳng phải đều do nghiệp cảm của chúng sanh sao? Chúng sanh lấy tâm thuần thiện, lấy hành vi thuần thiện, cảm động Phật Bồ Tát đến giáo hóa. Chúng sanh tâm địa bất thiện, Phật Bồ Tát không đến, không có Phật Bồ Tát, không có La hán, không có thánh hiền xuất thế. Nhưng chúng ta từng đọc trong kinh điển, Phật pháp lấy “từ bi làm gốc, phương tiện làm cửa”. Lại nói “đệ tử nhà Phật không bỏ một ai”. Chúng sanh khổ nạn, Phật Bồ Tát không đến, há chẳng phải từ bỏ chúng ta sao? Như vậy nghĩa là sao? Chúng ta nên lãnh hội như thế nào? Phật Bồ Tát đích thực là đại từ đại bi, ngài vẫn ứng hóa tại thế gian, nhưng không dùng thân phận thánh hiền, mà dùng thân phận phàm phu chúng ta. Do đây có thể biết, chư Phật Bồ Tát vĩnh viễn hằng thuận chúng sanh. Quý vị giống một vị thánh hiền, họ liền thị hiện thánh hiền, giúp quí vị thành thánh hiền. Còn như là phàm phu, họ liền thị hiện phàm phu, hòa quang đồng trần với quý vị, thị hiện phàm phu, hòa hợp với phàm phu, không nói pháp thánh hiền, vì sao vậy? Pháp thánh hiền chúng sanh nghe không hiểu, không lọt tai. Nói với chúng sanh pháp phàm phu, nói thiện pháp trong phàm phu. Đây chính là tùy loại hiện thân, tùy cơ thuyết pháp. Nếu nói với hàng hạ căn về thượng pháp, họ nghe không hiểu, không có hứng thú, họ không chịu học tập. Hàng hạ căn nói hạ pháp, nói trung pháp, hơi cao hơn một chút, họ còn có thể nghe lọt tai.

Quý vị xem, giảng kinh thuyết pháp với người bây giờ, nói gì? Nói về phát tài, họ vừa nghe mắt liền mở to, có thể dạy tôi phát tài, người ta sẽ đến. Cho nên ngày nay Chư Phật Bồ Tát đến thị hiện, giảng kinh thuyết pháp cho chúng sanh cũng nói về vấn đề phát tài, cũng nói về hưởng thụ, họ mới hoan hỷ tiếp thu. Sau khi tiếp thu, huân tập lâu ngày, mới dần dần chuyển biến quan niệm của họ. Sự hưởng thụ này không lâu dài, phàm là hưởng thụ ngũ dục lục trần của thế gian, thời gian lâu ngày đều sanh ra tâm lý chán ghét. Lại tùy theo tuổi tác lớn lên, đến lúc già, 70, 80 tuổi, niềm vui ngũ dục lục trần thế gian, ý niệm này nhạt nhẽo. Quý vị nhìn thấy rất náo nhiệt, tôi thấy không có chút thú vị nào. Lúc trẻ cũng thường đến hộp đêm, hiện nay nhìn thấy ý niệm đều không sanh khởi. Tùy theo tuổi tác của họ, tùy theo tinh lực của họ mà dần nâng cao lên. Đến sau cùng khi họ sắp chết, lúc này họ mới sợ hãi, lại khuyên họ niệm Phật vãng sanh thế giới Cực Lạc. Thật sự chịu niệm Phật, thật sự vãng sanh, mục đích Phật Bồ Tát độ chúng sanh không phải đã đạt được rồi sao?

/ 28