Địa Tạng Kinh Huyền Nghĩa
Tập 12
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Bình Minh
Thời gian: 1998
Địa điểm: Tịnh Tông Học Hội_Singapore
Mời mở kinh ra, luận quán trang thứ mười ba, hàng thứ năm từ dưới đếm lên. “Đệ tứ, luận bất tư nghì, phương tiện dụng giả”. Bắt đầu xem từ đây, đây là đoạn thứ tư của huyền nghĩa: “Luận dụng”, chúng ta đọc sơ qua đoạn văn này. “Chuẩn kinh”, chuẩn kinh nghĩa là căn cứ kinh điển bộ kinh này.
“Phật nói với Địa Tạng Bồ Tát rằng, ta ở trong đời ác ngũ trược, giáo hóa chúng sanh cang cường, khiến tâm điều phục, phân thân trăm ngàn ức, rộng thiết phương tiện”. Đây là kinh văn của Kinh Địa Tạng, chú trọng hai chữ “phương tiện”, vì ngài nói: “phương tiện bất tư nghì làm dụng”, tác dụng của kinh này.
Bên dưới trích dẫn toàn là kinh văn của kinh này: “Lại nói với tứ thiên vương rằng, Bồ Tát như vậy”. Bồ Tát như vậy là chỉ Bồ Tát Địa Tạng. “Ở trong diêm phù đề nơi thế giới Ta bà, dùng trăm ngàn vạn ức phương tiện, mà giáo hóa”, ở đây lại nói đến “phương tiện”. “Lại nói với Bồ Tát Địa Tạng, ông muốn dùng trăm ngàn phương tiện giáo hóa chúng sanh”, đây là lần thứ ba nói đến “phương tiện”. “Lại nói, Bồ Tát dùng sức phương tiện nhổ sạch căn bản nghiệp duyên”, đây là lần thứ tư nói đến “phương tiện”. “Bồ Tát lại dùng sức phương tiện, khiến họ được giải thoát”, đây là lần thứ năm. “Bồ Tát Địa Tạng nói rằng, con cũng dùng trăm ngàn phương tiện độ thoát chúng sanh”, tổng cộng nói ra sáu lần. Đại sư Thanh Liên dùng phương tiện, lại thêm vào bất tư nghì, phương tiện bất tư nghì làm lực dụng của kinh này, đây là có căn cứ. “Cho nên dùng phương tiện làm dụng của kim kinh”, “kim kinh” chính là kinh này.
Hai chữ “phương tiện” nói như thế nào? Bên dưới ngài trích dẫn giải thích của đại sư Thiên thai, đại sư Thanh Liên là đệ tử của Thiên thai tông, cho nên chú thích kinh này đa phần dùng giáo nghĩa Thiên thai.
Đại sư Trí Giả nói ra ba ý nghĩa. Thứ nhất, phương là phương tiện, tiện chính là dụng. “Khéo dùng các pháp, tùy cơ lợi vật”, gọi là phương tiện. Nói cách khác, nghĩa phương tiện này, nói như hiện nay là phương pháp thích đáng nhất, phương pháp thích hợp nhất, phương pháp thích nghi nhất, chính là ý này. Phương pháp dùng không xác đáng, có phương mà không tiện. Dùng cách nói trong Phật pháp chính là khế cớ, khế cơ nghĩa là phương tiện. Bản thân tu học nhất định phải khế hợp căn cơ mình, mới không lãng phí thời gian, không lãng phi tinh lực, trong thời gian ngắn chúng ta có thể có thành tựu. Giúp người khác, giáo hóa chúng sanh, cũng đều như vậy, luôn hy vọng có thể trong thời gian ngắn nhất, tinh lực ít nhất, nhận được hiểu quả lớn nhất. Phương pháp này gọi là pháp phương tiện.
Cách nói thứ hai, phương tiện gọi là cửa. “Cửa gọi là năng thông, thông cái sở thông, phương tiện quyền lược, chân thật làm cửa, chân thật hiển bày, công do phương tiện”. Ý nghĩa “phương tiện” này là chỉ pháp môn, pháp môn rất nhiều, Phật nói vô số pháp môn, chư vị cần phải biết, đều gọi là cửa phương tiện. Tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn, đều có thể gọi là cửa phương tiện.
“Cửa” nghĩa là “năng thông”, thông đến nơi ta hy vọng đạt đến, cho nên nhà Phật gọi là pháp môn. Pháp môn cũng là phương tiện, phương tiện là “quyền lược”, chư vị phải biết điều này. “Quyền” là phương tiện thiện xảo, quyền xảo. Do đây có thể biết, pháp môn không phải chân thật, nhưng nó có thể thông đến chân thật, nhờ cánh cửa này ta có thể chứng được chân thật, đây là “chân thật làm cửa”. Nhưng chư vị phải nhớ, làm cửa cho chân thật, cửa không phải chân thật. Trong Kinh Kim Cang nói: “Pháp còn phải bỏ, huống gì phi pháp”, chính là đạo lý này. Phật pháp là cánh cửa để chúng ta chứng được tâm tánh, nếu ta chấp trước Phật pháp thì không thể chứng được. Đây mới nói, phải lìa tướng ngôn thuyết, lìa tướng văn tự, lìa tướng danh tự, danh tự là danh từ thuật ngữ, lìa tướng tâm duyên, như vậy mới chứng được chân thật. “Chân thật hiển bày”, câu này trong Thiền tông chính là đại triệt đại ngộ, trong giáo môn là đại khai viên giải, trong Tịnh độ là lý nhất tâm bất loạn, trong Mật tông là tam mật tương ưng, đã hiển bày. “Công do phương tiện”, nếu không có cửa phương tiện, ta không thể nào chứng được.
Chư vị phải biết, pháp môn là giảng kinh thuyết pháp, đây là pháp môn. Huân tu thời gian dài là phương tiện, không có huân tu thời gian dài, không thể nhất môn thâm nhập, tuyệt đối không thể hiển thị chân thật. Chân thật ở đâu? Ngay tại đây, không lìa lúc này. Nhất chân pháp giới ở đâu? Không phải nói lìa thế giới Ta bà này, đi tìm một nhất chân pháp giới khác. Lìa thế giới hiện tại của chúng ta, đi tìm nhất chân pháp giới, không tìm thấy. Cảnh giới hiện thực của chúng ta chính là nhất chân pháp giới, vì sao ta không thể chứng đắc? Vì ta có vọng tưởng phân biệt chấp trước mà không thể chứng đắc.