/ 28
405

Địa Tạng Kinh Huyền Nghĩa

Tập 11

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 1998

Địa điểm: Tịnh Tông Học Hội_Singapore


Mời mở kinh ra, Địa Tạng Kinh Khoa Chú, luận quán trang thứ mười một.

Tôi dùng bản này là bản cũ, quý vị là bản mới, dưới bản mới có số trang của Ả rập, trong bản cũ tôi dùng không có. Vì thế số trang của tôi dùng là bên cạnh, chữ Trung văn bên cạnh, trang 11 luận quán, hàng thứ sáu từ dưới lên, chúng ta xem từ giữa, tôi đọc qua một lượt mấy câu văn này.

“Tác phước vô nguyện, vô sở thọ lập, nguyện vi đạo ngữ, năng hữu sở thành”. Chúng ta xem câu này, đây là đoạn thứ ba trong ngũ trùng huyền nghĩa, nói về hạnh nguyện bất tư nghì làm tông. Tông chính là cương lĩnh tu học, ở đây đại sư Thanh Liên chỉ cho chúng ta thấy cương lĩnh tu học của kinh này, chính là hạnh nguyện của Bồ Tát Địa Tạng.

“Tác phước”, là nói về tu phước, nếu tu phước mà không có nguyện, họ không có phương hướng, không có mục đích. Phước này, nói cách khác, không đạt được kết quả. Nghĩa là nói, bất luận họ làm tốt đến đâu, làm nhiều đến đâu, họ không có biểu hiện thành tích. Pháp thế xuất thế gian đều không ngoại lệ, pháp thế gian gọi là lập chí, nếu người không có chí, suốt đời họ nỗ lực phấn đấu nhưng không có phương hướng, không có mục tiêu, đương nhiên đời này không có thành tích gì, họ không làm được kiến công lập nghiệp. Trong Phật pháp cũng như vậy.

Bên dưới lại nói: “Tịnh thế giới nguyện, diệc phục như thị”. Hoằng nguyện của Phật pháp và người thế gian quả thật không giống nhau, người thế gian “si mê”, đương nhiên hai chữ này không dễ nghe, không ai muốn nghe. Nhưng là chân tướng sự thật, quả thật là si mê. Vì sao Thế Tôn nói chúng ta si mê? Chúng ta đối với chân tướng của nhân sinh vũ trụ, quả thật không thấu triệt. Trong Thiền tông gọi là “bản lai diện mục trước khi cha mẹ chưa sinh”, ai biết? Bản lai diện mục trước khi cha mẹ chưa sanh là gì? Quả thật không biết, đây chính là si mê. Đức Phật nói với chúng ta, chúng ta không thể tiếp thu, chúng ta không thể thừa nhận, như vậy sao không phải ngu si? Phật nói là chân tướng sự thật, chân tướng sự thật là gì? Tận hư không biến pháp giới là chính mình. Chúng ta nghe câu này, phản ứng ngay lập tức, nói: ngài nói tầm bậy, đầu óc có vấn đề. Người ta nói lời thật, chúng ta nói đầu óc họ có vấn đề, nói ngài nói tầm bậy. Chúng ta mê mất chính mình, cho rằng thân thể này là chính mình, cho rằng đây là chính xác. Rốt cuộc chúng ta sai hay Phật sai? Tất cả pháp Đức Phật nói, đều có thể chứng thực, có thể chứng minh.

Cho nên Đức Phật dạy chúng ta “tín giải hành chứng”, mục đích sau cùng, Phật muốn chính bản thân chúng ta chứng thực hư không pháp giới là chính mình. Nếu có thể chứng thực, trong Phật pháp gọi người này là Bồ Tát, gọi người này là Phật. Nói cách khác, Phật Bồ Tát chứng thực hư không pháp giới là người của chính mình. Ta chưa chứng thực, ta không thể khẳng định, ta chính là phàm phu. Khác biệt giữa Phật Bồ Tát và phàm phu chính là đây.

Sau khi chứng thực, nguyện của mình phải khác với nguyện khi si mê. Khi si mê, nguyện vọng của chúng ta là hy vọng bản thân mình được an vui, bản thân mình, gia đình mình được hạnh phúc, được hòa thuận. Chí hướng này lớn hơn một chút, hy vọng xã hội mình, dân tộc mình, quốc gia mình được an lạc. Càng lớn hơn, gọi là anh hùng hào kiệt thế gian, có thể mưu cầu thế giới này, hiện nay chúng ta gọi thế giới này là địa cầu, nhân loại trên địa cầu an định phồn vinh, hòa thuận an lạc. Đây là người thế gian, tâm lượng vẫn rất nhỏ.

Người giác ngộ, họ có tịnh thế giới nguyện. Thế giới này là thế giới của tất cả Chư Phật, không chỉ địa cầu này của chúng ta, vô lượng vô biên cõi nước Chư Phật khắp hư không pháp giới. Người học Phật chúng ta, bất luận là tu học pháp môn nào, tông phái nào, hồi hướng của chúng ta luôn là: “nguyện đem công đức này, trang nghiêm cõi nước Phật”. Phật này là tất cả Chư Phật, không phải chỉ một vị Phật, cõi nước của một vị Phật, là trang nghiêm cõi nước tất cả Chư Phật khắp mười phương ba đời, tâm lượng này rộng lớn biết bao. Nhưng người học Phật chúng ta, ngày ngày đọc tám câu kệ này, đọc rất quen thuộc. Ý nghĩa, cảnh giới thật sự trong tám câu kệ, chúng ta sơ suất. Chúng ta chỉ đọc mà thôi, đọc không hề sai, tâm lượng vẫn rất nhỏ bé khởi tâm động niệm vẫn là vì mình, gia đình mình. Chúng ta tu học trong Phật pháp, không những ngay trong đời này, có thể nói là đời đời kiếp kiếp, vô lượng kiếp đến nay đều không tương ưng, công phu không đắc lực. Nguyên nhân do đâu? Chính là ở đây. Tâm nguyện chúng ta quá nhỏ, không có nguyện tịnh thế giới. Đọc là một việc, nhưng trong tâm nghĩ lại là một việc khác, tâm khẩu không tương ưng.

/ 28