Địa Tạng Kinh Huyền Nghĩa
Tập 10
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Minh Tâm
Thời gian: 1998
Địa điểm: Tịnh Tông Học Hội_Singapore
Chư vị đồng học, mời mở kinh ra, Địa Tạng Kinh Khoa Chú, luận quán trang thứ mười. Ở đây chúng ta tiếp tục học tập tánh thức bất tư nghì làm thể của kinh này, nghĩa là nói về lý luận y cứ Phật thuyết kinh. Ở trước đã nói không ít, nhưng vẫn chưa hết ý. Chúng ta đọc những văn tự ở trước, đối với pháp tánh, pháp tướng, nhiều ít cũng có một chút khái niệm. Pháp tánh và pháp tướng, quả thật là căn nguyên của vạn sự vạn pháp khắp hư không pháp giới.
Đoạn sau cùng này nói về bổn thức của Bồ Tát Địa Tạng, nói Bồ Tát Địa Tạng, chẳng lẽ không phải nói chính bản thân chúng ta? Chúng ta nhất định phải hiểu ý này.
Đại sư Thiên Thai có hai câu nói rất hay: “Tam thiên bất xuất nhất niệm pháp tánh, tam thiên bất xuất nhất niệm vô minh”. Hai câu này ở hàng thứ năm trong trang này. Gọi là “tam thiên bất xuất nhất niệm pháp tánh, tam thiên bất xuất nhất niệm vô minh”. Tam thiên là gì? Vạn sự vạn vật trong hư không pháp giới mệnh danh là tam thiên. Vì sao mệnh danh là tam thiên? Đại sư Thiên Thai giảng Kinh Pháp Hoa, đem “thập như thị” phân phối trong mười pháp giới, mỗi pháp giới đều có thập như thị. Mà mỗi pháp giới, lại đầy đủ mười pháp giới, vậy là thành 100 pháp giới. Mỗi pháp giới mười như thị, liền trở thành 1000 như thị, cho nên gọi bách giới thiên như. Quá khứ 1000, hiện tại 1000, vị lai 1000, gọi là tam thiên.
Thiên thai tông nói tam thiên chính là vũ trụ vạn hữu, tất cả pháp thế xuất thế gian đều bao hàm trong đó, không ra ngoài nhất niệm pháp tánh. Nhất niệm pháp tánh là gì? Trong Kinh Hoa Nghiêm nói: “duy tâm sở hiện”, chính là nhất niệm pháp tánh. Lại nói “tam thiên bất xuất nhất niệm vô minh”. Vô minh là gì? Kinh Hoa Nghiêm gọi là “duy thức sở biến”. Ta hợp điều này lại, không khó lãnh hội được ý nghĩa của nó. Kinh Hoa Nghiêm nói: “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”, vô minh là thức, là căn nguyên của thức tâm.
Bên dưới nói: “Kim gia thích Hoa Nghiêm tâm tạo chi văn”, Kim gia là chỉ đại sư Trí Giả. Con cháu của Thiên thai tông tôn xưng đại sư Trí Giả là “kim gia”. Đại sư Trí Giả giải thích Kinh Hoa Nghiêm, ngài nói ra hai ý. “Ước lý tạo tức thị cụ”, cụ là tánh đầy đủ. “Nhị giả ước sự, tức tam thế biến tạo đẳng”. Nói cách khác, chúng ta nói một cách đơn giản, tất cả đều không ngoài lý cụ và sự tạo. Lý chính là tự tánh, cụ là đầy đủ, vốn có. Tuy trong tự tánh vốn có, nếu không có sự tạo, nó không thể hiện tiền. Nhất định phải biết, lý không tách rời sự, sự không lìa khỏi lý, lý sự là hai mặt của một thể. Tất cả các pháp không có ngoại lệ. Pháp sư lấy tánh thức này làm thể, người căn tánh sắc bén, vừa nghe liền giác ngộ, liền minh bạch. Cổ đức thường nói: “toàn sự là lý, toàn lý là sự”, toàn tướng tức chân, tướng là chỉ hiện tướng, chân tức là chân tánh. Cho nên nói tánh tướng không hai, lý sự nhất như, đây là cảnh giới. Phàm phu chúng ta rất khó hiểu, nó là cảnh giới của Chư Phật Bồ Tát.
Thế Tôn dạy hàng sơ học, thường dùng ví dụ để nói, hy vọng từ trong ví dụ có thể có một khái niệm. Mà trong ví dụ, lấy mộng huyễn bào ảnh nói nhiều nhất, hầu như trong tất cả kinh điển đại thừa, Phật đều có những ví dụ này. Vì đây là kinh nghiệm hầu như mỗi người chúng ta đều có, chúng ta đều từng nằm mộng, đều có kinh nghiệm nằm mộng. Trong mộng có tướng, tướng từ đâu mà có? Tuyệt đối không phải nói từ không sanh có, không có đạo lý này. Tướng từ đâu mà có? Tướng là tự tâm biến hiện ra, tâm ta như thế nào, tâm ở đâu? Không biết, không tìm thấy, tâm không có tướng.
Thế Tôn hỏi tôn giả A nan tâm ở đâu? Tôn giả A nan nói ra bảy nơi, Thế Tôn đều phủ nhận nó. Do đây có thể biết, khi tâm không khởi tác dụng, không hiện tướng, ta không tìm thấy, nó có chăng? Có, có thật, xưa nay chưa hề mất. Nó là bản thể của tất cả vạn pháp trong vũ trụ, tất cả vạn pháp là từ nó sanh ra. Giống như cảnh mộng vậy, cảnh giới trong mộng ví như tất cả vạn pháp trong vũ trụ, là từ tâm ta biến hiện ra, biến hiện ra tướng phần này. Nếu quý vị muốn hỏi tâm ở đâu? Có thể nói toàn bộ cảnh giới tướng trong mộng chính là nó.
Thế Tôn hỏi tôn giả A nan tâm ở đâu? Nếu tôn giả A nan thông minh, nói tất cả tận hư không biến pháp giới đều là tâm, vậy thì Đức Phật Thích Ca Mâu Ni không còn gì để nói rồi, nói đúng rồi mà. Nói ở một nơi, vậy là sai, một nơi không thể hàm chứa toàn thể. Bất luận nói một nơi nào đều chứng minh A nan chưa ngộ nhập, căn bản đối với chân tướng sự thật, bất luận là sự hay lý ngài đều mê hoặc, đều không rõ ràng.