/ 28
334

Địa Tạng Kinh Huyền Nghĩa

Tập 9

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 1998

Địa điểm: Tịnh Tông Học Hội_Singapore

 

Mời mở kinh ra, Địa Tạng Kinh Khoa Chú, luận quán trang thứ tám, hàng thứ ba từ dưới đếm lên, bắt đầu xem từ ở giữa.

“Nhược như thị Bồ Tát trung, tu hành nhất thiết thiện pháp, mãn túc cứu cánh, đắc ly vô minh thùy giả, chuyển danh vi Phật”. Chúng ta xem đoạn này, đoạn văn này nói về nguồn gốc của hiện tượng, đây đều nói đến vấn đề căn bản. Có một vài người thường hỏi, vũ trụ từ đâu đến? Sanh mạng từ đâu đến? Những hiện tượng này từ đâu đến? Những vấn đề này trong Phật pháp được coi là những vấn đề căn bản lớn, nếu giải quyết được vấn đề này, tất cả mọi vấn đề đều được giải quyết.

Trong kinh Phật không ngừng lặp đi lặp lại nói rõ với chúng ta, vì sao Phật không cảm thấy phiền khi nói nhiều lần như thế? Vì chúng ta từ vô thỉ kiếp đến nay, sức huân tập của nhân duyên si ám quá mạnh, thời gian quá lâu. Nếu thời gian ngắn, Đức Phật nói rõ với chúng ta chân tướng sự thật này, cảnh giới chúng ta vẫn không chuyển được. Chuyển được tức thành Phật, chuyển không được chính là phàm phu, trong kinh điển đại thừa liễu nghĩa chúng ta thấy nói rất nhiều về điều này. Phàm thánh chỉ trong một niệm, thực tế mà nói sanh Phật chỉ di chuyển trong khoảng sát na. Chúng ta đọc kinh, nghe kinh, nghe pháp, vì sao vẫn không chuyển được? Đây chính là sức mạnh của vô minh từ vô thỉ kiếp đến nay, trong kinh này nói do sức huân tập của si mê, chướng ngại cơ duyên kiến tánh của mình.

Ở trước nói: “pháp thân danh vi chúng sanh”, điều này ở hàng trước, hàng thứ tư câu thứ nhất: “thuyết bỉ pháp thân danh vi chúng sanh”. Lời này quả thật đã nói đến tận cùng. Pháp thân là gì? Pháp thân là bản thân mình, trong Thiền tông nói: “bản lai diện mục trước khi cha mẹ chưa sanh”, là chính mình. Phật thành Phật như thế nào? Phật chứng được pháp thân. Phật có tam thân, pháp thân, báo thân, ứng thân. Chúng ta có tam thân chăng? Có, không khác gì Đức Phật. Phật đối với tam thân này rõ ràng minh bạch, ngài đã giác ngộ, còn chúng ta hoàn toàn không biết gì về tam thân của mình, cho nên chúng ta mê. Giác ngộ pháp thân cũng không nhiều hơn, khi mê pháp thân cũng không hề giảm bớt, vấn đề ở chỗ mê ngộ.

Thế nào gọi là chúng sanh? Nghĩa của chúng sanh rất rộng, chúng ta thường thấy chúng sanh, lập tức nghĩ đến rất nhiều người, xem chúng sanh là như vậy, đây là không hiểu nghĩa của chúng sanh. Chúng sanh là hiện tượng do chúng duyên hòa hợp mà sanh khởi, lớn rồi, hư không là hiện tượng chúng duyên hòa hợp sanh khởi, cho nên hư không là chúng sanh.

Hiện nay chúng ta quan sát được, giữa vũ trụ có rất nhiều tinh cầu, tinh cầu là chúng duyên hòa hợp mà sanh, là chúng sanh. Giới khoa học lại phát hiện, hiện tại tầm nhìn chúng ta rất hạn hẹp, không phải thế giới chân thật. Ngày nay ta chỉ thấy được không gian ba chiều, không gian bốn năm chiều không nhìn thấy được. Nó tồn tại chăng? Tồn tại. Giới khoa học chứng thực, về lý luận mà nói không gian là vô hạn độ, nhưng thực tế mà nói, họ đã chứng minh có không gian 11 chiều tồn tại. Ngày nay chúng ta ở trong không gian vô hạn độ, chỉ thấy được một độ. Không gian vô hạn độ từ đâu mà có? Do chúng duyên hòa hợp biến hiện ra, đều là chúng sanh. Muôn sự muôn vật, hết thảy mọi hiện tượng, hai chữ chúng sanh bao gồm tất cả. Ở đây nói đến chúng sanh, ý nghĩa như trong Phật pháp gọi là “pháp”, nó là một đại danh từ của toàn thể vĩu trụ. Thế nào gọi là pháp thân? Cho thấy pháp thân là toàn thể, là một toàn thể hoàn mỹ, không phải bộ phận. Ngày nay những gì ta cảm nhận được là sự cục bộ, một cục bộ rất chật hẹp, vì vậy mới nảy sinh xung đột với người khác.

Tôi dạy quý vị xem gốc cây, đây là đưa ra một ví dụ, con người đều thích cây, trên cây có lá, thân này của chúng ta giống như lá cây. Ngọn cây, một ngọn cây mọc vài phiến lá, nó giống như một gia đình vậy. Tiếp tục quan sát nhành cây, trên một nhành cây có mấy ngọn, giống như một chủng tộc vậy. Chủng tộc này của mình với chủng tộc khác lại độc lập, lại đối lập, đối lập tức có xung đột. Tiếp tục quan sát tường tận, quan sát đến sau cùng, đến gốc. Thì ra tất cả lá cây, tất cả cành nhánh, tất cả thân cây, đều từ một gốc sanh ra, ta mới nhìn thấy một gốc cây hoàn chỉnh, hoàn chỉnh mới là chính mình.

/ 28