/ 28
439

Địa Tạng Kinh Huyền Nghĩa

Tập 8

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 1998

Địa điểm: Tịnh Tông Học Hội_Singapore


Mời mở kinh ra, Địa Tạng Kinh Khoa Chú, luận quán trang thứ bảy, bắt đầu xem từ hàng thứ năm từ dưới lên, chúng ta xem đoạn lớn thứ hai của huyền nghĩa.

“Đệ nhị, biện bất tư nghị, tánh thức vi thể giả”. Ngũ trùng huyền nghĩa của Thiên thai tông, đoạn này giải thích đề kinh, đoạn thứ hai là biện thể, nói như hiện nay, chính là phân biệt y cứ của luận lý. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni vì đại chúng giảng kinh thuyết pháp, ngài y cứ điều gì để nói. Nếu ngài y cứ luận lý là chân thật, những gì ngài nói đáng để chúng ta tin theo, nếu lý luận này không xác định, đương nhiên gây sự hoài nghi cho chúng ta. Đoạn này rất quan trọng.

Phật pháp quan trọng nhất là “tín”, kiến lập tín tâm thực tế mà nói đều ở đoạn này, nếu ta hiểu được y cứ của ngài là chân thật. Như trong tất cả kinh điển, triển khai kinh quyển câu đầu tiên là “như thị ngã văn”. Chư vị cổ đức giải thích đoạn kinh văn này, hai chữ “như thị” là tín thành tựu, biện thể tức là dạy chúng ta hiểu nghĩa chữ “như”.

Tất cả kinh điển đại thừa đều lấy thật tướng làm thể, kinh này thuộc về kinh điển đại thừa. Đại sư Thanh Liên không dùng hai chữ thật tướng này, mà dùng “tánh thức bất tư nghì làm thể”, tánh thức bất tư nghì là biệt danh của thật tướng. Vì sao ngài dùng mấy chữ này? Bên dưới ngài nói rõ có ba ý. Thứ nhất là “bằng chuẩn kinh luận”, bằng là dựa vào, y theo, chuẩn là tiêu chuẩn, lấy tiêu chuẩn của kinh luận làm y cứ. Ý thứ hai là “mê ngộ căn nguyên”. Ý thứ ba là “Bồ Tát bổn thức”, Bồ Tát là chuyên chỉ cho Bồ Tát Địa Tạng. Bên dưới ngài phân thành ba đoạn, nói tường tận cho chúng ta.

Nói đoạn thứ nhất trước “bằng chuẩn kinh luận”. “Bổn kinh vân, nhất thiết chúng sanh, vị giải thoát giả, tánh thức vô định, vi thiện vi ác, trục cảnh nhi sanh”. Đưa ra đều là kinh văn của kinh này, trong câu này “tánh thức vô định”, vì thế ngài dùng tánh thức làm thể. Đặc biệt chú trọng là không có giải thoát, không có giải thoát có lục đạo chúng sanh. Lục đạo chúng sanh bên trong có tập khí phiền não, bên ngoài có sự mê hoặc của ngũ dục lục trần, khởi tâm động niệm có thiện ác đan xen. Cho nên thánh nhân thế xuất thế gian thí giáo hóa rất quan trọng, nếu không giáo hóa tốt, đúng là ác nhiều thiện ít. Mặc dù có phước đức lớn, thường tạo ác nghiệp càng lớn. Sự thật nhân quả này, sau khi ta biết rồi cảm thấy rất sợ hãi.

Nhân gian làm đế vương, tướng soái, những người có phước đức lớn này, phước đức của họ tích lũy không phải một đời một kiếp. Phước đức tích lũy từ nhiều đời nhiều kiếp, trong đời này hưởng phước báo lớn như vậy. Nếu trong đời này, không tiếp thu nền giáo dục tốt đẹp, phát triển theo tập khí phiền não, họ tạo tội nghiệp cực kỳ nặng. Có thể nói họ hưởng hết phước báo trong thời gian rất ngắn, sau đó ác báo hiện tiền đọa vào ba đường ác.

Điều này ví như thế gian chúng ta, một người suốt đời cần kiệm, bớt ăn bớt dùng dành dụm được một số của cải, một số tài sản rất khả quan. Đến trung niên trở về sau phát đạt hơn, của cải rất nhiều, ăn chơi cờ bạc không thiếu món nào, thời gian một hai năm xài hết những gì cả đời tích góp. Sau khi dùng hết, thế gian không có ai giúp mình, cũng không ai tôn trọng mình, trở thành người ăn xin nghèo khổ, ví như tình trạng này.

Trong tất cả kinh luận, Đức Phật thường nhắc nhở chúng ta, cảnh giác chúng ta, phải tu phước đừng hưởng. Hưởng phước không ai không tạo tội nghiệp, mà chắc chắn tạo nghiệp còn nghiêm trọng hơn người khác, bất luận từ tâm lý hay từ hành vi đều rất nghiêm trọng. Những giáo huấn này của Phật, đều rất thiết thực, đều rất chuẩn xác, chúng ta phải lãnh hội tường tận, sau đó mới có thể phát tâm y giáo phụng hành. Đây là ý nghĩa trong đoạn kinh văn này.

“Hựu vân”, vẫn là trong kinh này nói: “Niệm Phật Bồ Tát danh tự, lịch lâm chung nhân nhĩ căn, hoặc văn tại bổn thức. Thử thức nãi đích chỉ đệ bát thức dã”. Ở đây lại nói đến “bổn thức”, đây là nói đến người lâm chung, bất luận trong đời họ hành thiện hay làm ác, khi lâm mạng chung có thể nghe được một danh hiệu Phật, một danh hiệu Bồ Tát đều có thể thoát khổ. Dù không thể hoàn toàn thoát ly, khổ báo của họ được giảm nhẹ, đây là đạo lý nhất định. Từ sự thật này chúng ta biết, công đức danh hiệu của Phật Bồ Tát không thể nghĩ bàn. Cho nên trong ngũ huyền, mỗi đoạn đại sư đều thêm vào câu “bất tư nghì”, điều này nói rất hay.

/ 28