/ 28
785

Địa Tạng Kinh Huyền Nghĩa

Tập 5

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 1998

Địa điểm: Tịnh Tông Học Hội_Singapore


Mời mở kinh ra, Địa Tạng Kinh Khoa Chú, luận quán trang thứ nhất, từ dưới đếm lên hàng thứ hai, bắt đầu xem từ đoạn giữa.

“Thị dĩ Địa Tạng từ vương, thiên hướng u minh giới nội, dĩ đồng thể từ bi, kiếp kiếp cứu viện nhi vị nghệ. Thích Ca Văn Phật đặc thăng Đao lợi thiên trung, báo thánh mẫu ân đức, truân truân phó chúc dĩ tần thân. Linh hướng Phật pháp trung, hiến thiểu thủy thiểu hoa, tịnh thoát u đồ chi khổ”. Hôm qua chúng ta nói đến đây, vì hết giờ nên không thể giảng hết đoạn này. Chúng ta xem tiếp câu dưới: “Tỉ tùng đại sĩ tiền, năng nhất chiêm nhất lễ, hàm mông thắng địa chi hoan, công mạc kinh yên, nghĩa phả lượng hỷ”. Đến đây mới là một đoạn.

Trong phần nói rõ về duyên khởi của kinh, đại sư Thanh Liên đưa ra một cương lĩnh chung cho việc tu học. Ở trước có trình bày với quý vị, nếu có thể tu học như lý như pháp, nhất định có thể thoát ly khổ não của đường ác. Nếu có thể khiến công phu mình càng nâng cao hơn, đây chính là đoạn sau cùng.

Chúng ta ở trước Bồ Tát, “một chiêm một lễ”. Trong chiêm lễ hàm nghĩa rất sâu, không phải nói mỗi ngày thấy hình tượng Bồ Tát, đảnh lễ mấy lạy, vậy là được phước rồi sao? Điều này chưa hẳn. Phải như thế nào mới đạt được lợi ích thật sự? Đến thánh nhân thế gian đều dạy chúng ta: “trong ngoài nhất như”, như vậy sẽ được lợi ích. Chiêm lễ là bên ngoài, bên ngoài rất lễ độ, rất cung kính, nếu nội tâm không tương ưng, vẫn không đạt được lợi ích.

Như cổ nhân phê bình người niệm Phật, người niệm Phật một ngày niệm mười vạn câu Phật hiệu, tâm vẫn suy nghĩ lung tung, nói với họ: “hét hư cổ họng chỉ uổng công”. Cùng một đạo lý, dù bên ngoài tỏ vẻ rất cung kính Phật Bồ Tát, trong tâm chưa đoạn thị phi nhân ngã, tham sân si mạn. Vậy cũng uổng phí, cũng là điều không trọn vẹn.

Từ thâm nghĩa trong chiêm ngưỡng này, có thể cảm nhận được, giáo huấn của Bồ Tát trong kinh điển đối với chúng ta. Thấy hình tượng Bồ Tát, nghe danh hiệu Bồ Tát, liền nhớ đến đại sự này, lập tức nhớ lại giáo huấn của Bồ Tát, sự chiêm ngưỡng này đã có công đức. Lễ là gì? Lễ là phụng hành. Nhớ lại, cảnh tỉnh lập tức làm theo, đây là lễ. Do đây có thể biết, chiêm là nhắc nhở chúng ta giải môn, lễ là nhắc nhở chúng ta hành môn. Giải hành tương ưng, thực hành trong cuộc sống hằng ngày mới có thể nhận được hiệu quả.

Quý vị xem, sáng hôm nay vị đồng tu Dallas đưa ra một vấn đề, nói trong pháp hội Phật thất có thể nhiếp tâm, sau khi trở về nhà, tâm lại tán loạn, vọng tưởng tạp niệm lại khởi lên, như vậy nghĩa là sao? Hiện tượng này rất phổ biến, cổ kim đều có. Vì thế người học Phật, học suốt đời đều không thể thành tựu, còn phải đợi đến đời sau, ai không như vậy? Bao gồm chúng ta trong đó. Trong kinh Đức Phật nói không sai, mỗi đồng tu từ vô lượng kiếp đến nay, đời đời kiếp kiếp đều đang dụng công, đều đang nỗ lực, đều đang tu hành, vô lượng kiếp cho đến hôm nay. Hôm nay chúng ta nghĩ xem, chúng ta thành tựu ở đâu? Nguyên nhân không thể thành tựu là gì? Không buông bỏ, không chịu buông bỏ. Vì sao không chịu buông bỏ? Vì chưa thấu triệt chân tướng sự thật, chưa minh bạch lắm, vẫn mê hoặc trong cảnh giới hư huyễn, là nhân tố này tạo thành. Nếu thật sự nhìn thấu những huyễn tướng của y chánh trang nghiêm này, những hiện tượng này Phật nói rất hay: “mộng huyễn bào ảnh”. Chúng ta nghe cũng rất quen tai, nhưng không bao giờ xem nó là mộng huyễn bào ảnh, luôn cho nó là chân thật. Cho nên trong cuộc sống, không làm được tự tại tùy duyên, vẫn là phan duyên. Đây là sống theo vọng tưởng phiền não của mình, chưa xả bỏ điều này. Phật dạy chúng ta buông bỏ là buông bỏ điều này, chúng ta chưa buông bỏ. Sau khi buông bỏ vọng tưởng phiền não, cuộc sống chúng ta nương vào trí tuệ. Nói ra đạo lý này, chúng ta cũng không thể nói không hiểu, chúng ta cũng hiểu, thậm chí bản thân chúng ta cũng biết nói. Vì sao không làm được? Hai nhân tố, thứ nhất tập khí nghiệp chướng của mình quá nặng, khởi hiện hành lúc nào không hay. Thứ hai là đối với chân tướng sự thật này, chưa nhận thức thấu triệt. Có một chút nhận thức, chưa đủ thấu triệt, cho nên vẫn không khởi tác dụng, nguyên nhân là đây.

/ 28