/ 28
418

Địa Tạng Kinh Huyền Nghĩa

Tập 6

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 1998

Địa điểm: Tịnh Tông Học Hội_Singapore


Mời mở kinh ra, Địa Tạng Kinh Khoa Chú, luận quán trang thứ hai, hàng thứ bảy, bắt đầu xem từ câu sau cùng.

“Thích danh trung, Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện lục tự thị biệt đề, biệt chư kinh cố thị thông đề, thông dư kinh cố”. Câu này đọc một lượt là được, không cần giải thích, bên dưới là nói tường tận. Bồ Tát Địa Tạng là nhân, bổn nguyện là pháp. Trong bảy cách chọn đề, bộ kinh này thuộc nhân pháp lập đề, thuộc loại này. Trong tên người lại có thông biệt, Địa Tạng là biệt, Bồ Tát là thông, là thông xưng, Địa Tạng là biệt xưng. Ở trước đã nói điều này với chư vị, thực tế mà nói Địa Tạng vẫn là thông danh, vì phàm là người tu học pháp môn Địa Tạng, y theo Địa Tạng bổn nguyện tự hành hóa tha, người này đều là Bồ Tát Địa Tạng, Bồ Tát Địa Tạng rất nhiều, chúng ta nhất định phải hiểu đạo lý này.

Bây giờ chúng ta giải thích sơ về Địa Tạng, chư vị có thể tự xem chú giải, tôi giảng không nhất định là ý trong chú giải. “Địa” là đại địa, đại địa là năng sanh năng dục, có thể sanh dục vạn vật. Chúng ta biết tất cả động vật, tất cả thực vật, tất cả khoáng vật đều không thể tách rời đại địa. Trong đại địa hàm chứa vô tận bảo vật, bảo vật này có thể cung cấp cho tất cả chúng sanh. Đức Phật dùng điều này làm ví dụ, ví với tâm địa của chúng ta.

Trong bài tựa ở trước có nói, duyên khởi của vũ trụ, nguồn gốc của sinh mạng, đều sanh ra từ trong nhất niệm tâm tánh. Đức Phật đem tâm tánh ví như đại địa, trong tâm tánh có vô lượng trí tuệ, vô tận đức năng, ví nó như bảo tạng. “Tạng” nghĩa là hàm chứa. Trong tâm địa hàm chứa vô tận bảo tạng trí tuệ đức năng, mà điều này tất cả chúng sanh đều có, chứ không phải Chư Phật Như Lai mới có, Bồ Tát có, phàm phu chúng ta không có. Phàm phu cũng có. Chẳng những hàng phàm phu chúng ta có, đến chúng sanh trong đường ác, chúng sanh trong địa ngục a tỳ, cũng không hề khiếm khuyết. Từ phương diện này cho thấy, nhìn từ tâm địa bảo tạng, quả thật là sanh Phật bình đẳng. Trong quả vị Phật không hề tăng thêm chút nào, trong địa vị hàng phàm phu cũng không ít đi, đều viên mãn đầy đủ, nhưng chúng sanh và Phật mê ngộ khác nhau. Người giác ngộ, tự tại thọ dụng bảo tạng này, thực hành trong thọ dụng, Phật pháp gọi là tam đức bí tạng. Tam đức này là pháp thân đức, bát nhã đức, giải thoát đức, người giác ngộ họ có ba loại thọ dụng này. Mà ba đức này, trong mỗi loại đều bao hàm bốn đức: thường, lạc, ngã, tịnh. Bốn đức này gọi là tứ tịnh đức, đức thanh tịnh.

Hàng phàm phu thật không may đã mê mất tự tánh, vì thế ba thứ này tuy có nhưng không thể hiện tiền. Tuy có thường lạc ngã tịnh, không đạt được thọ dụng, chúng ta với Chư Phật Bồ Tát khác nhau ở chỗ này. Từ tánh mà nói, chúng ta không có sai khác, từ tác dụng mà nói, chúng ta có sai khác. Chúng ta nhất định phải hiểu đạo lý này. Phật không dạy gì khác, chính là dạy chúng ta giác ngộ, dạy chúng ta quay đầu, dạy chúng ta khôi phục đức dụng, cũng giống như Chư Phật Bồ Tát vậy.

Trong ba đức, thế nào gọi là pháp thân? Pháp thân, pháp là các pháp, tất cả các pháp thế xuất thế gian, tất cả các pháp là chính mình, ai biết? Khi nào biết được tất cả các pháp là chính mình, liền chứng được pháp thân thanh tịnh. Tam đức, thực tế mà nói, đạt được một đức thì tất cả đều đạt được. Chúng ta không biết tất cả chúng sanh là chính mình, tất cả chúng sanh sao lại là chính mình? Là nhất niệm tâm tánh của mình biến hiện ra, nhất niệm tâm tánh đó là chính mình. Nghĩa là nói năng biến hư không pháp giới, năng biến thập pháp giới y chánh trang nghiêm, năng biến đó là chính mình. Chư vị thử nghĩ xem, năng biến là chính mình, sở biến còn có ngoại lệ ư? Điều này rất khó hiểu. Trong kinh điển Đức Phật thường dùng ví dụ để nói rõ sự tướng này, hy vọng từ trong ví dụ ta có thể ngộ nhập. Nhưng cần phải biết, ví dụ không thể ví một cách hoàn toàn thích hợp, không ví được, chỉ có thể ví một cách tương tự, hàng căn tánh lanh lợi từ ví dụ có thể ngộ nhập. Chẳng hạn chúng ta nằm mộng, tất cả phàm phu đều có kinh nghiệm nằm mộng, vì thế Phật dùng mộng làm ví dụ, trong kinh luận thường thấy. Có thể nằm mộng là tâm ý thức của chúng ta, ngạn ngữ nói rất hay: “nhật hữu sở tư, dạ hữu sở mộng”. Có suy nghĩ là tâm mình, ban đêm khi ngủ tâm liền hóa thành cảnh mộng. Khi tâm biến hiện ra cảnh mộng, như trong Kinh Hoa Nghiêm Đức Phật nói “duy tâm sở hiện”. Hoa Nghiêm nói hư không pháp giới y chánh trang nghiêm là duy tâm sở hiện, ví như cảnh giới trong mộng vậy. Trong mộng cũng có hư không pháp giới, cũng có y chánh trang nghiêm. Trong mộng là tâm ý thức chúng ta biến hiện ra, trong mộng cũng có rất nhiều biến hóa, sự biến hóa đó đích thực là duy thức sở biến. Đây là đem cái lớn rút nhỏ lại, mà thời gian mộng còn rất ngắn. Khi thức dậy, giấc mộng vừa mới thấy, cảnh giới trong mộng rõ ràng như thật. Mộng thấy những ai, làm việc gì. Quý vị nghĩ thử xem, những người trong mộng, bản thân và người khác, sơn hà đại địa, hư không thế giới, nghĩ kỷ xem phải chăng tất cả đều là chính mình? Ngoài mình ra, không có gì cả.

/ 28