/ 28
517

Địa Tạng Kinh Huyền Nghĩa

Tập 4

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 1998

Địa điểm: Tịnh Tông Học Hội_Singapore


Mời mở kinh ra, Địa Tạng Kinh Khoa Chú, luận quán trang thứ nhất, hàng thứ hai từ dưới lên, bắt đầu xem từ đoạn giữa, chúng ta đọc qua đoạn văn một lượt.

“Thị dĩ Địa Tạng từ vương, thiên hướng u minh giới nội, dĩ đồng thể từ bi, kiếp kiếp cứu viện, nhi vị nghệ. Thích Ca Văn Phật đặc thăng đao lợi thiên trung, báo thánh mẫu từ đức, truân truân phó chúc dĩ tần thân. Linh hướng Phật pháp trung, hiến thiểu thủy thiểu hoa, tịnh thoát u đồ chi khổ, tỉ tùng đại sĩ tiền, năng nhất chiêm nhất lễ, hàm mông thắng địa chi hoan, công mạc kinh yên, nghĩa phả lượng hỷ”. Đến đây là một đoạn.

Đoạn này nói về duyên khởi của kinh, bài tựa luận quán viết rất hay, thứ lớp mỗi đoạn rõ ràng. Từ căn nguyên pháp giới cho đến duyên khởi của bộ kinh này, vì đoạn trước thuật về nguồn gốc của lục đạo. Lục đạo là chúng sanh mê muội sâu nặng, tạo nghiệp rộng, quả báo rất khổ. Hai chữ “thị dĩ” chính là chỉ điều này.

Chính vì nguyên nhân này, Bồ Tát Địa Tạng phát tâm đại từ bi, ở đây xưng “từ vương”, là đối với từ bi xưng tán đến tận cùng. Ý nghĩa chính là nói, chư Phật Bồ Tát từ bi, Bồ Tát Địa Tạng còn từ bi hơn họ, vua trong từ bi.

Cho thấy như thế nào? “Nghiêng về trong giới u minh”, ngài đặc biệt thường giáo hóa chúng sanh ở nơi đau khổ nhất. “Lấy đồng thể đại bi, kiếp kiếp cứu viện”, kiếp kiếp tức là vô lượng kiếp, vĩnh viễn không hề ngưng. Về điểm này, chư vị đồng học không còn là hàng sơ học, chúng ta nhất định phải biết, bất kỳ Chư Phật Như Lai nào, bất kỳ vị Bồ Tát nào, vào địa ngục giáo hóa chúng sanh đều xưng là Bồ Tát Địa Tạng, phải hiểu đạo lý này. Như vậy mới thật sự lãnh hội “pháp môn bình đẳng”, “vạn pháp nhất như”.

Nếu trong thời đại hiện nay, bất luận Chư Phật Bồ Tát nào thị hiện làm Phật tại thế giới Ta bà, danh hiệu đều gọi là Thích Ca Mâu Ni, không được dùng các danh hiệu khác. Chư Phật Bồ Tát không có danh hiệu. Danh hiệu kiến lập như thế nào? Vì căn tánh chúng sanh bất đồng mà kiến lập. Vì sao tất cả Chư Phật Như Lai thành Phật lúc này ở đây đều gọi là Thích Ca Mâu Ni? Vì chúng sanh lúc này ở đây không có tâm từ bi, tự tư tự lợi, không biết yêu thương chúng sanh, không biết yêu kính người khác, vì thế phải dùng danh hiệu Thích Ca. “Thích Ca” là năng nhân, có thể nhân từ đối nhân tiếp vật, nghĩa là như vậy. Chúng sanh lúc này tại đây tâm không thanh tịnh, ác trược đến cực độ, vì thế dùng Mâu Ni. “Mâu Ni” nghĩa là tịch tịnh. Vì thế danh hiệu là vì chúng sanh mà thành lập. Không phải Bồ Tát thích danh hiệu này, không có ý này. Danh hiệu là độ chúng sanh, độ chúng sanh lúc này ở đây.

Vậy là biết, bất kỳ ai vào địa ngục giáo hóa chúng sanh, đều gọi là Bồ Tát Địa Tạng, đều là thân phận của Bồ Tát Địa Tạng. Nếu chúng ta phát nguyện vào địa ngục độ sanh, cũng là thân phận Địa Tạng, khắp nơi hiển thị tận hư không biến pháp giới là nhất thể. Không những nhất thể về lý, mà về sự cũng là nhất thể. Trong đại kinh thường nói về “mê ngộ”, chư Phật Bồ Tát ngộ chính là ngộ điều này, tất cả phàm phu mê cũng là mê điều này, mà vấn đề này không có mê và ngộ. Lý không có mê ngộ, sự cũng không có mê ngộ, mê ngộ do con người.

Chúng ta đã hiểu rõ ý nghĩa tán thán, đây là bi nguyện đặc biệt, không nhẫn tâm thấy chúng sanh khổ, thấy chúng sanh khổ phải nghĩ cách giúp họ, giúp họ lìa khổ được vui. Vì thế Địa Tạng “nghiêng nặng chúng sanh trong u minh giới”.

Chúng ta muốn hỏi, Bồ Tát Địa Tạng hóa độ chúng sanh trong u minh giới, ngài có đến nhân gian chăng? “U minh” là chỉ đường địa ngục, các đường khác có chăng? Trong u minh giới mà từ bi như vậy, đâu có đạo lý không đến các thế giới khác? Bao gồm tất cả. Bồ Tát không có nơi nào không hiện thân, không có lúc nào không hiện thân, lúc nào cũng ở bên cạnh chúng ta. Chúng ta mắt thịt phàm phu không nhận thấy được, cô phụ ân đức của Phật Bồ Tát, đây là sự thật. Từ đâu có thể thấy được? Nếu từ chỗ rõ ràng là hình tượng Phật Bồ Tát, khi thấy hình tượng Phật Bồ Tát, Phật Bồ Tát tồn tại. Ta thấy kinh điển của Phật Bồ Tát, Phật Bồ Tát cũng tồn tại. Trong cuộc sống hằng ngày gặp một vài người, người ta khuyên mình hành thiện, chẳng lẽ không phải Phật Bồ Tát thị hiện? Nếu cơ duyên của ta thuần thục, đây chính là trong kinh nói “minh cảm minh ứng”. Cơ duyên của ta thuần thục, quả thật rất nhiều người bản thân không biết. Nếu cơ duyên không thuần tục, sao có thể gặp được nhân duyên thù thắng? Người bây giờ gọi là “cơ hội”, sao ta có thể gặp được cơ duyên học Phật tốt như vậy?

/ 28