/ 17
588

HỌC PHẬT VẤN ĐÁP

PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG TRẢ LỜI CÁC CÂU HỎI CỦA CÁC ĐỒNG TU

Giảng ngày 28 tháng 9 năm 2007

Tại Hiệp Hội Giáo Dục Phật Đà Hồng Kông

TẬP 10

Các vị Pháp sư, các vị Đồng học, xin mời ngồi.

Hôm nay, có ba mươi lăm câu hỏi, chúng ta y theo thứ tự để giải đáp. Trước hết là đồng tu Hồng Kông, có chín câu hỏi.

Câu thứ nhất: Xin hỏi ý nghĩa chân thật của câu “Trụ tâm một chỗ, không việc gì chẳng thành”? Phải làm sao mới có thể thật sự đạt được tiêu chuẩn này?

Thế Tôn đối với câu giáo huấn này, trong Kinh luận Đại Tiểu Thừa đã nói rất nhiều. Do đây có thể biết, khi Thế Tôn còn tại thế thường hay nêu ra câu nói này. Thường hay nêu ra, vậy thì đây là câu nói rất quan trọng. “Trụ tâm một chỗ” có sâu cạn khác biệt không như nhau, có pháp thế gian và xuất thế gian không như nhau, đương nhiên tác dụng của nó cũng không giống nhau. Gần đây chúng tôi đọc được ở trong “Kinh Hoa Nghiêm” đoạn Kinh luận này: “Đắc tam muội tịch dụng không ngằn mé”. “Tịch” chính là nhập định, chính là trụ tâm một chỗ, “dụng” là khởi tác dụng. Cho nên, bạn hiểu được đây là định, công phu của nó cạn sâu không như nhau. Theo tiêu chuẩn của pháp Đại thừa, “Trụ tâm một chỗ” chính là trong Tâm Bồ Đề đã nói là Tâm chân thành, Tâm chí thành. Tâm chí thành là chân tâm của bạn, là bản tánh của bạn, từ trên đây mà nói bạn vốn dĩ là Phật. Câu nói này không giả chút nào, là chân tâm của bạn. Hiện nay, bạn mê mất chân tâm rồi. Mê mất chân tâm thì biến thành vọng tâm. Vọng tâm là không thật. Không thật chính là nói tâm của bạn là giả, không phải là chân tâm. Không thành, tâm của bạn là hư ngụy. Chúng ta không nói người khác, mà nói chính mình, bạn sẽ thấy tâm của mình là giả, là hư ngụy, ý niệm của bạn đang thay đổi trong từng sát-na, ý niệm trước nói đúng, ý niệm sau nói sai, lập tức phủ định ngay, chính là bạn không thành thật với chính mình. Chính mình còn không chịu trách nhiệm với chính mình, làm sao bạn có thể làm tốt công việc được? Làm sao bạn có thể xây dựng được niềm tin? Đây là điều rõ ràng dễ thấy.

Chân thành, chân không phải là hư vọng. Bạn thử nghĩ những điều Phật giảng ở trong Tam Thừa Kinh Giáo, vũ trụ bao la, nơi đâu là chân thật? “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”. “Tướng” này không những là vật chất, mà còn bao gồm cả hiện tượng tinh thần trong đó. Nói đến Pháp Tướng Duy Thức thì bạn càng dễ hiểu hơn, A Lại Da đều là giả, đều không phải thật. Bạn xem những pháp hữu vi được liệt kê trong Bách Pháp, pháp hữu vi không phải là thật, pháp vô vi là thật. Cái đầu tiên trong pháp hữu vi chính là A Lại Da, thứ hai là Mạt Na, thứ ba Ý Thức, thứ tư là năm thức đầu. Tâm là hư vọng, tâm sở là hư vọng, bất tương ưng hành pháp là hư vọng, đều không phải là thật. Sắc pháp và vật chất thì sao? Vật chất là y theo chúng mà khởi, cũng không phải thật. Cho nên trong Bách Pháp thì chín mươi bốn loại pháp hữu vi này bao gồm tất cả pháp thế xuất thế gian, quy nạp nó thành chín mươi bốn loại, toàn là hư vọng không thật. Cái thật là gì? Cái thật là vô vi. Trong vô vi có tương tự vô vi, có chân thật vô vi, vô vi chân thật chỉ có một, cái sau cùng gọi là chân như vô vi. Tâm an trụ ở chân như vô vi thì người này đã thành Phật rồi, đó gọi là trụ tâm một chỗ, không việc gì chẳng thành, đó là thật. Ở đây nói bạn chứng đắc chân như, bạn minh tâm kiến tánh.

Tánh là gì? Tánh chính là chân như.

Hình dáng của chứng đắc chân như là gì? Cách nói của Lục Tổ Huệ Năng Đại Sư nói rất hay, đơn giản rõ ràng: chân như thanh tịnh, chân như không sanh không diệt, chân như trọn đủ vạn pháp. Trọn đủ vạn pháp này rất khó hiểu, vô lượng trí huệ, vô lượng đức năng, vô lượng tướng hảo thảy đều trọn đủ. Toàn bộ vũ trụ chính là trọn đủ ở trong chân như. Chân tâm từ trước tới nay chưa từng dao động, không giống như vọng tâm của chúng ta, vọng tâm là ý niệm này tiếp nối ý niệm kia mà đến, cho nên vọng niệm lăng xăng, niệm niệm không trụ, đây là vọng tâm. Phía sau nói năng sanh vạn pháp, toàn bộ sâm la vạn tượng trong vũ trụ đều là chân như biến hiện ra. Quả địa Như Lai thật sự thì trụ tâm một chỗ, đây là quả vị Phật cứu cánh viên mãn. Tiếp theo nói, bốn mươi mốt địa vị pháp thân Đại Sĩ trên “Kinh Hoa Nghiêm” cũng là trụ tâm một chỗ, chính là chân thành. Vì sao chân thành vẫn có nhiều cấp bậc đến như vậy? Cấp bậc này là tập khí vô minh từ vô thủy còn mang theo, là từ chỗ này mà nói, chúng ta ở trong “Kinh Hoa Nghiêm” nói được rất rõ ràng. “Không việc gì chẳng xong” là giống như Quán Thế Âm Bồ Tát có ba mươi hai ứng thân, Ngài có thể cảm ứng đạo giao với chúng sanh thập pháp giới, đáng dùng thân gì để độ thì hiện thân đó (trong thập pháp giới có Bồ Tát, có Phật, các Ngài chưa kiến tánh, các Ngài cũng là chúng sanh). Thân không có tướng nhất định, pháp không có pháp nhất định, nên dùng phương pháp gì để giúp họ khai ngộ, giúp họ quay đầu thì dùng phương pháp đó, cho nên phương pháp là vô lượng vô biên. Không chỉ có tám mươi bốn ngàn phương pháp. Đây là “không việc gì chẳng xong” của Như Lai, Pháp thân Bồ Tát, là Cõi Thật Báo Trang Nghiêm trong bốn cõi.

/ 17