/ 17
1.314

HỌC PHẬT VẤN ĐÁP

PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG TRẢ LỜI CÁC CÂU HỎI

CỦA CÁC ĐỒNG TU

Giảng ngày 1 tháng 9 năm 2006

tại Hiệp Hội Giáo Dục Phật Đà Hồng Kông

 

TẬP 3


Chư vị Pháp sư, chư vị đồng học, xin chào mọi người!

Hôm nay có 32 câu hỏi, chúng ta sẽ lần lượt giải đáp. Trước hết là 19 câu hỏi của các đồng tu Trung Quốc.


Câu hỏi thứ nhất: Ngày ngày kiên trì tụng kinh, niệm Phật, sám hối, sửa đổi bản thân, liệu có thể nhổ trừ được hết thảy gốc rễ của nghiệp lực, tình chấp không?

Điều này phải xem cách tu của bạn như thế nào, nếu bạn biết tu thì không có vấn đề gì; nếu không biết tu thì không đạt được mục tiêu này, có thể bạn lại sanh phiền não nhiều hơn. Phật dạy rằng sám trừ nghiệp chướng nhất định phải nương vào giới định huệ, nhân giới đắc định, nhân định khai huệ, sau khi khai trí huệ rồi thì chuyển phiền não thành Bồ-đề, nghiệp chướng mới được tiêu trừ. Nếu không đạt được mục tiêu này thì vô cùng, vô cùng khó.

Nói thật ra, ở vào thời đại hiện nay, muốn nhổ trừ hết thảy nghiệp lực, tình chấp thì rất khó! Trước hết, bạn phải tự hỏi chính mình, bạn còn có chấp trước không? Bạn còn có thất tình ngũ dục không? Ở trong hoàn cảnh nhân sự, hoàn cảnh vật chất còn ưa thích không? Còn chán ghét không? Nếu còn những thứ này thì bạn diệt không nổi. Cho nên đáp án là chắc chắn vẫn còn; nếu không còn thì bạn là Bồ-tát tái lai, bạn không phải là phàm phu, phàm phu thì chắn chắn là còn.

Đức Phật từ bi, Ngài biết trong thời kỳ mạt pháp phiền não tập khí rất nặng, sức mạnh dụ hoặc của ngoại duyên vô cùng lớn, không có cách gì liễu sanh tử xuất tam giới, nên mới đặc biệt vì chúng ta mà mở ra pháp môn đới nghiệp vãng sanh. Ngoài pháp môn này ra, nếu dùng pháp môn khác thì thật sự là khó. Thế nhưng đới nghiệp vãng sanh so với tám vạn bốn ngàn pháp môn, tuy có dễ hơn, nhưng trên thực tế cũng chẳng dễ. Những pháp môn đó đều phải đoạn phiền não, bạn không đoạn phiền não tập khí thì bạn không có cách gì. Pháp môn này chỉ cần có năng lực khống chế được phiền não, không để nó phát tác là được, việc này dễ hơn nhiều. Bạn có thể khống chế được không? Nếu bạn khống chế không nổi, thì vẫn không thể vãng sanh.

Vậy làm thế nào để khống chế được? Quan trọng nhất vẫn là hiểu rõ lý. Thành thật mà nói, gọi là Phật độ người có duyên, có hai loại người có duyên, loại người thứ nhất là có trí huệ, họ hiểu rõ, loại người này dễ độ. Loại người còn lại là thật thà, mặc dù họ chẳng biết gì, nhưng bạn dạy họ niệm một câu A Di Đà Phật, họ sẽ tuyệt đối không xen tạp một vọng niệm nào, đó là người thật thà. Người thường chúng ta không thật thà, sao lại nói không thật thà? Niệm Phật mà vọng niệm rất nhiều thì không thật thà, còn khởi vọng tưởng thì cũng không thật thà, không thật thà thì không thể thành tựu. Cho nên, bạn phải hiểu, người thông minh thì ít, người thật thà cũng ít, đại đa số đều ở trong nhóm không thật thà, tự cho mình thông minh, tự cho mình giỏi giang, sau cùng đều để lỡ cả đời, điều này chúng ta không thể không biết.

Học thật thà cũng không dễ, khi xưa thầy của tôi là lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam đã nói với tôi, thầy ấy muốn học thật thà, học suốt bốn, năm mươi năm cũng chẳng học được, bạn mới hiểu thật thà quả thật là việc không dễ. Nếu không thể học thật thà thì học kinh giáo, khi đạo lý đều thông đạt thấu tỏ rồi, dần dần sẽ thành thật, mới biết thật sự phải buông xuống, buống xuống là đúng, không phải sai. Từ trong kinh giáo mà hiểu rõ ràng, hiểu thấu suốt, đây là một con đường. Trong kinh giáo, người trung thượng căn đúng thật đều có phần, chúng tôi thường hay nghĩ đến tổ tiên xưa của chúng ta chân thật là kiệt xuất, họ có 24 chữ trở thành chân ngôn, chân lý, vĩnh hằng bất biến.

Hai mươi bốn chữ này là gì? Là tám câu đầu tiên trong Tam Tự Kinh, “Nhân chi sơ, tánh bổn thiện” (con người khi mới sanh ra vốn có tánh thiện), bạn phải tin tánh người vốn thiện. Chữ thiện này không phải là thiện của thiện ác, thiện của thiện ác cũng không phải là thiện pháp, là nhiễm pháp, không phải là tịnh pháp. Thanh tịnh rồi thì lìa khỏi thiện ác hai bên, đó mới gọi là chân thiện, cho nên nói tánh vốn thiện. “Tánh tương cận, tập tương viễn” (tánh ấy gần giống nhau nhưng do tập tục mà khác nhau), về mặt tánh mà nói, mọi người đều như nhau, tương cận là chúng sanh cùng Phật không khác biệt; tập tương viễn, ‘tập” là thói quen, tập tánh, tập tánh có khác biệt lớn. Người xưa thường nói "gần mực thì đen, gần đèn thì sáng", nói cách khác, bạn sẽ bị hoàn cảnh làm cho ô nhiễm. Ô nhiễm chính là có thiện ác, cho nên Mạnh Tử nói tánh thiện, Tuân Tử nói tánh ác, cái nào cũng là thiện của thiện ác, đó không phải là bổn thiện, nhất định phải biết điều này, đó là nói về tập tánh. Khổng Tử nói bổn tánh, Mạnh Tử, Tuân Tử đều là nói tập tánh. Bởi vì có tập tánh cho nên giáo dục mới quan trọng. Tiếp theo là “cẩu bất giáo, tánh nãi thiên” (nếu không được giáo dục thì cái tánh ấy sẽ thay đổi), bạn không được dạy dỗ thật tốt, thật tích cực thì bạn sẽ học các thứ tiêu cực. Dù thế nào thì con người từ khi sinh ra đến khi già chết, ngày ngày đều đang học, không học cái tốt thì học cái xấu, ngày ngày đang học tập. “Giáo chi đạo, quý dĩ chuyên” (cách giáo dục quý ở sự chuyên cần), 8 câu 24 chữ này là chân ngôn!

/ 17