/ 17
2.088

HỌC PHẬT VẤN ĐÁP

PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG TRẢ LỜI CÁC CÂU HỎI

CỦA CÁC ĐỒNG TU

Giảng ngày 28 tháng 7 năm 2006

tại Hiệp Hội Giáo Dục Phật Đà Hồng Kông

 

TẬP 2


Chư vị Pháp sư, chư vị đồng học, xin chào mọi người!

Hôm nay có 32 câu hỏi, chúng ta cứ theo thứ tự để giải đáp. Trước hết là các câu hỏi của các đồng tu Trung Quốc, tổng cộng có 14 câu hỏi.


Câu hỏi thứ nhất: Chúng con y theo giáo huấn của lão Pháp sư, lấy bộ Kinh Vô Lượng Thọ, một câu Phật hiệu, mỗi ngày nghe giảng kinh 4 giờ, dùng phương pháp như vậy để học tập. Nhưng chúng con tự tu ở trong nhà, thiếu ngoại duyên đến chùa cộng tu, liệu có thể tự tại vãng sanh không?

Niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ thì ngoại duyên quan trọng nhất chính là không bị hoàn cảnh bên ngoài quấy nhiễu, điều này quan trọng hơn bất cứ điều gì. Có khi tu hành trong nhà còn thù thắng hơn ở chùa. Nếu trong chùa không có trợ duyên tốt, không có Niệm Phật Đường thật sự tốt, không có sự hộ trì như lý như pháp, người ở ngoài nhiều. Lời người xưa nói vẫn là có đạo lý, “biết quá nhiều việc thêm phiền não, quen quá nhiều người lắm thị phi”, nhiều người thì có thị phi, ngược lại không thể thành tựu. Từ xưa đến nay, người thật sự thành tựu, quá nửa là bế quan, họ hoàn toàn đoạn tuyệt với ngoại duyên. Từ chỗ này thì bạn sẽ biết người hộ quan rất tận tâm, rất có trách nhiệm, có thể ngăn mọi ngoại duyên cho bạn, để hoàn cảnh tu hành của bạn thanh tịnh. Một ngày có thể nghe giảng kinh 4 giờ, niệm Phật 20 giờ, đây là thông thường nói tối thiểu. Tốt nhất là niệm Phật không được gián đoạn, vậy mới chân thật đạt được tự tại vãng sanh.

Gần đây, trường hợp của cư sĩ Hoàng Trung Xương ở Thâm Quyến rất đáng để tham khảo. Ông ấy bế quan, tịnh khẩu ba năm, mỗi ngày ít nhất đọc hai bộ Kinh Vô Lượng Thọ. Ông không nghe giảng kinh, chỉ đọc kinh, sáng đọc một bộ, tối đọc một bộ, niệm Phật hiệu không gián đoạn, mệt thì nghỉ, nghỉ khoẻ rồi lại niệm tiếp. Ông không nói chuyện với người khác, người khác cũng không nói chuyện với ông, cho nên tâm của ông là định. Bế quan 3 năm, ông là 2 năm 10 tháng, còn có 2 tháng nữa là viên mãn, ông đã biết trước giờ đi, đã vãng sanh rồi. Ông đã làm thí nghiệm cho chúng ta, pháp môn Tịnh Tông niệm Phật cầu vãng sanh, ba năm rốt cục có phải là thật không? Ông đã làm rất nghiêm túc, quả nhiên sau ba năm thì thành công.

Chính mình phải có quyết tâm, quan trọng nhất chính là bạn phải buông được xuống. Bạn còn có chuyện bận tâm không thể buông xuống, vậy thì không được, bạn tu ba mươi năm cũng không có cách gì vãng sanh. Chân thật buông xuống, triệt để buông xuống. Người thân quyến thuộc của bạn phải hiểu bạn thì sẽ không làm phiền bạn, đây mới là quan trọng. Nếu người thân quyến thuộc thường hay đến quấy nhiễu bạn thì bạn sẽ gặp phiền phức. Cho nên, ở chùa hay trong nhà đều không nhất định, chủ yếu chính là hoàn cảnh, hoàn cảnh ở nhà tốt thì ở nhà có thể vãng sanh; hoàn cảnh ở chùa tốt thì cũng là trợ duyên rất tốt.


Câu hỏi thứ hai: Có đồng tu tu hành tại gia chỉ nắm một câu Phật hiệu, không đọc kinh cũng không nghe giảng kinh. Ba tháng sau, cảm thấy hằng ngày khi nhiễu Phật thì có hoa sen đi cùng, khi lễ Phật thì Tây Phương Tam Thánh đang ở trước mặt. Vì vậy rất nhiều đồng tu đã noi gương học tập theo, không nghe giảng kinh, không đọc kinh, chỉ niệm một câu Phật hiệu. Xin hỏi chúng sanh thời mạt pháp phải nên tu hành như thế nào mới có thể thật sự được tự tại vãng sanh?

Lời họ nói là đúng, cũng giống như cư sĩ Hoàng Trung Xương. Vấn đề chính là họ chân thật có thể buông được xuống, thật sự không muốn sanh tử trong lục đạo luân hồi nữa, chân thật muốn xuất ly, buông được sạch sẽ, vậy thì được. Khi xưa, đồ đệ của lão Pháp sư Đế Nhàn chính là một câu Phật hiệu mà vãng sanh, Ngài ấy không biết chữ, Ngài cũng không tụng kinh, chính là một câu A Di Đà Phật, cũng là ba năm, biết trước giờ đi, đứng mà vãng sanh, đây là tấm gương rất tốt. Cho nên mấu chốt là ở chỗ bạn có chân thật buông xuống hay không? Quan trọng nhất chính là câu nói này, chân thật buông xuống thì không ai chẳng thành tựu. Nếu không phải là chân thật buông xuống, còn có việc bận tâm, còn có vọng tưởng phân biệt chấp trước, vậy thì không đi được, nhất định phải biết đạo lý này.

/ 17