VẤN ĐÁP PHẬT HỌC CƠ BẢN
Phần 2
Người giảng: Lão Hòa Thượng Tịnh Không
Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ
Câu hỏi 11: Tam học về phương diện tu học của Phật pháp gọi là giới định huệ. Giới chính là vừa rồi pháp sư đã nói, vậy định và huệ thì giải thích như thế nào?
Tam học là trung tâm giáo học của Phật pháp. Khóa trình bằng kinh điển của Phật giáo tuy nhiều, nhưng nó có hạt nhân trung tâm không thể trái. Hạt nhân này là giới định huệ, còn gọi tam học. Bất cứ bộ kinh điển nào, không luận đại bộ tiểu bộ, khi vừa mở ra đều đầy đủ ba hạt nhân này, nhưng nó nghiêng nặng về bên nào thì không giống nhau. Có cái nghiêng nặng về giới, có cái nghiêng nặng về định, hoặc nghiêng nặng về huệ, nhưng nhất định đều phải nói đến. Giới học nếu hiểu nghĩa rộng thì đó chính là phương pháp. Không luận làm bất cứ việc gì, đều phải có phương pháp, có trình tự, bạn phải tuân thủ. Bạn không tuân thủ phương pháp thì sẽ không đạt được hiệu quả tốt. Giữ giới pháp và tinh thần giữ giới pháp thì tâm của bạn mới có thể định. Định là không bị ngoại cảnh bên ngoài làm dao động, tâm bạn có chủ trương, có chủ thể. Từ định liền khai trí tuệ, bạn có chủ thể, có chủ trương, nhất định bạn sẽ đem chân tướng sự thật xem cho rõ ràng, chu đáo. Do đó giới định huệ là tổng cương lĩnh mà Phật giảng kinh nói pháp giáo hóa tất cả chúng sanh.
Câu hỏi 12: Quan hệ của nó cũng mật thiết không thể phân?
Đúng, mật thiết không thể phân.
Câu hỏi 13: Còn Lục Độ thì giảng giải như thế nào?
Lục độ là quy tắc chung Phật dạy chúng ta đối nhân xử thế tiếp vật. Sáu nguyên tắc này cần phải vâng giữ, không luận thân phận bạn như thế nào, không luận bạn trải qua đời sống như thế nào, từ công việc nghề nghiệp nào, không luận tại gia hay xuất gia, nhất định đều phải tuân thủ. Đó gọi là Bồ tát đạo, nghĩa là, nếu bạn muốn làm Bồ tát thì bạn nhất định phải vâng giữ sáu nguyên tắc này.
Điều thứ nhất là bố thí, ý nghĩa của sự bố thí dạy bạn buông xả, không phải buông bỏ công tác, mà buông bỏ những phiền não dính mắc ưu tư trong lòng. Hiện tại có rất nhiều người hiểu sai, cho rằng bố thí là đến chùa miếu cúng một ít tiền, làm chút việc tốt, đương nhiên đây cũng là bố thí, nhưng không phải ý nghĩa chân thật của sự bố thí. Bố thí chân thật là xả bỏ phiền não ưu tư vọng tưởng phân biệt chấp trước.
Điều thứ hai là trì giới, chính là tuân thủ pháp. Nhất định không luận làm bất cứ việc gì, đều phải chiếu theo pháp tắc, theo thứ tự mà làm.
Điều thứ ba là nhẫn nhục. Làm bất cứ việc gì, nếu không có lòng nhẫn nại thì không thể thành công. Sự việc càng lớn thì lòng nhẫn nại phải càng lớn hơn.
Điều thứ tư là tinh tấn, cầu tiến bộ, nhất định không bảo thủ, không thể được ít cho là đủ. Cũng như khoa học ngày càng tiến bộ, nếu bạn không tiến bộ thì bạn liền bị thời đại đào thải. Phật pháp mong cầu tiến bộ, không luận ở đức hạnh, trí tuệ, kỹ thuật, thậm chí ngay trong đời sống, đều phải không ngừng hướng lên cao. Do đó Phật pháp không hề lạc hậu, nó không hề thủ cựu, mà vĩnh viễn đang tiến bộ.
Điều thứ năm là thiền định, ý nghĩa của thiền định dạy bạn có chủ thể, không dễ dàng bị cảnh giới bên ngoài dao động.
Điều sau cùng là trí tuệ. Không có trí tuệ cao độ, không luận bạn làm bất cứ việc gì, đều không đạt đến viên mãn. Cho nên sáu nguyên tắc này nhất định phải vâng giữ, đặc biệt đối với Bồ tát.
Câu hỏi 14: Vừa rồi ngài nói đến bố thí làm cho chúng tôi có được quan niệm chính xác, thì ra bố thí tuyệt đối không phải đi đến nơi nào đó quyên một ít tiền, hay đi cứu trợ người bần khổ. Kỳ thật bố thí dạy chúng ta buông bỏ phiền não, buông bỏ những tạp niệm trong tâm. Thế nhưng thưa pháp sư, điểm này đối với người thông thường chúng tôi tương đối khó, bởi vì người thông thường có quá nhiều phiền não tạp niệm, chính mình không thể khống chế được. Xin pháp sư dạy bảo, chúng tôi phải làm thế nào mới có thể đạt được điểm này?
Điều này đích thực rất khó đối với người sơ học. Vì sao họ không thể buông bỏ? Họ có nhìn thấu hay không? Không, họ không thấu suốt được chân tướng của vụ trụ nhân sanh. Giả như triệt để thông suốt chân tướng rồi, tự nhiên họ sẽ liền buông bỏ. Cho nên Thích Ca Mâu Ni Phật cả đời giảng kinh nói pháp, vì sao phải giảng kinh Bát Nhã đến hai mươi hai năm. Vì Bát Nhã nói trí tuệ, chính là nói rõ chân tướng của vụ trụ nhân sanh. Hai mươi hai năm Phật tổng kết quy nạp lại thành một bộ tâm kinh hai trăm sáu mươi chữ. Rõ hơn một chút thì kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật mà người Trung Quốc thích đọc có thể đại diện tinh hoa Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói suốt hai mươi hai năm.