/ 3
23

VẤN ĐÁP PHẬT HỌC CƠ BẢN

Phần 1

Người giảng: Lão Hòa Thượng Tịnh Không

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ


Câu hỏi 1: Trước tiên xin thỉnh pháp sư, Phật giáo rốt cuộc là gì? Phật giáo có phải là tôn giáo hay không? So với các tôn giáo khác có điểm nào khác biệt?

Vấn đề này nếu nói ra sẽ rất dài. Năm xưa khi Phật Thích Ca Mâu Ni còn ở đời, hành nghi của Thế Tôn cùng Khổng Lão phu tử Trung Quốc rất giống nhau. Nếu nói sự khác biệt, thì Khổng tử năm xưa đích thực muốn cầu quan vị để phát huy học thuật, còn Phật Thích Ca Mâu Ni bản thân ngài là vương tử. Ngài có thể phế bỏ vương vị, chuyên tâm làm công tác giáo dục. Do đây mà biết, giáo học xác thực là việc lớn của quốc gia xã hội.

Trong điển tích Trung Quốc, như trong Lễ ký và Học ký nói: “Kiến quốc quân dân, giáo học vi tiên”, muốn kiến lập một chính quyền lãnh đạo quốc gia, việc then chốt nhất chính là công tác giáo dục. Cho nên Khổng Tử cả đời từ giáo dục mà trở thành một nhà giáo dục vĩ đại. Phật Thích Ca Mâu Ni Phật cũng vậy, ngài là một nhà giáo dục lớn. Phật pháp là giáo học, không phải tôn giáo. Qua cách xưng hô trong nhà Phật hiện tại, chúng ta cũng có thể biết. Ví dụ, chúng ta gọi Phật là bổn sư, bổn sư chính là lão sư khai sáng của chúng ta.

Thông thường, người xuất gia được gọi là hòa thượng, “hòa thượng” là tiếng Ấn Độ, ý nghĩa của nó là “thân giáo sư”, chỉ vị lão sư đích thân dạy bảo ta, chúng ta mới gọi hòa thượng. Cho nên hòa thượng có quan hệ rất mật thiết với quá trình học hành của chúng ta. Hòa thượng không nhất định phải là người xuất gia. Người tại gia khi dạy bảo chúng ta cũng là hòa thượng. Ngày xưa, tôi theo học Phật với lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam mười năm. Lão cư sĩ là người tại gia, đối với tôi, ông là hòa thượng, cho nên tôi gọi hòa thượng, bởi vì ông đã đích thân dạy tôi, có mối quan hệ rất gần gũi, thân thiết với tôi. Do đó, hòa thượng là tên gọi chung, không luận nam nữ già trẻ, cũng không luận xuất gia tại gia. “Pháp sư” là tên gọi chung, nếu không trực tiếp dạy thì chúng ta gọi họ là pháp sư. Còn “tỳ kheo”, “tỳ kheo ni”, “sa di”, “sa di ni” là cách gọi người xuất gia.

Câu hỏi 2: Vừa rồi ngài nói, Phật giáo không phải là tôn giáo mà là giáo dục. Vậy nội dung của nó có những thứ gì? Hơn nữa mục tiêu giáo học của Phật giáo là những gì?

Nội dung của Phật giáo rất rộng lớn, đối với giáo học của nhà Nho chúng ta đã cảm thấy nó rộng lớn rồi, vì nó bắt đầu từ thai giáo rốt ráo đến sau cùng, cho nên nó là giáo dục một đời viên mãn. Nhưng giáo học của Phật pháp còn rộng lớn hơn so với nhà Nho. Phật pháp biết được tất cả chúng sanh có đời quá khứ, đời vị lai; quá khứ vô cùng, vị lai vô tận. Từ trên thời gian mà nói thì Phật pháp là không bờ mé; từ không gian mà nói thì Phật pháp biết được cả vũ trụ này, không chỉ riêng quả địa cầu của chúng ta mà là cả hệ tinh cầu. Trên kinh luận Phật thường hay nói, giống như tinh cầu, hệ ngân hà trong vũ trụ là nhiều vô kể. Do đó, nội dung giáo học của ngài là tận hư không khắp pháp giới. Chúng ta phải thấu hiểu một cách triệt để đối với khắp hư không pháp giới, không những đối với sự việc trước mắt mà đối với quá khứ vị lai cũng phải tường tận. Những việc này có thể làm được không, nhất là chuyện quá khứ vị lai làm sao có thể thông hiểu? Phật pháp khẳng định “có thể”, bởi vì cái “có thể” này là bản năng của chúng ta, không phải từ bên ngoài học được.

Phật nói, khởi nguồn của sinh vật vũ trụ thảy đều từ tự tánh biến hiện ra, cho nên trọng tâm giáo học của ngài chính là “minh tâm kiến tánh” mà nhà thiền đã nói. Chỉ cần bạn đạt đến cảnh giới này thì tất cả sự lý, bạn đương nhiên liền thông suốt. Do đó “minh tâm kiến tánh” là trọng tâm tu học của Phật pháp, không luận thiền tông, giáo hạ, hiển giáo, mật giáo, chỉ cần là Phật pháp Đại Thừa, đều lấy điểm này làm trọng tâm. Thế nhưng trong các tông phái, danh từ và thuật ngữ không giống nhau, tuy thực chất thì hoàn toàn giống nhau. Chẳng hạn trong tông môn gọi là “minh tâm kiến tánh”, giáo hạ gọi là “đại khai viên giải”, mật tông gọi là “tam mật tương ưng”, còn tịnh độ thì gọi là “nhất tâm bất loạn”.

Câu hỏi 3: Xin thỉnh pháp sư, ở phương diện Phật giáo có phải còn phân ra Phật giáo truyền thống, Phật giáo của tông giáo và Phật giáo của học thuật hay không? Thậm chí tương đối không hợp trào lưu là Phật giáo của tà môn ngoại đạo. Có phải có những phân loại này?

/ 3