/ 3
12

VẤN ĐÁP PHẬT HỌC CƠ BẢN

Phần 3

Người giảng: Lão Hòa Thượng Tịnh Không

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ


Câu hỏi 26: Pháp sư! Một số người cho rằng, mình chỉ cần làm người tốt thì được, hà tất phải đi học Phật. Học Phật đối với cá nhân mỗi người chúng ta rốt cuộc có cái gì tốt? Tại sao nhất định phải học Phật?

Việc này lại là một hiểu lầm, vừa rồi tôi nói, nên có một hiểu biết tương đối, học Phật là học làm người minh bạch. Tôi làm người tốt, hà tất phải đi làm người minh bạch? hà tất phải biết chân tướng của vũ trụ nhân sanh, làm người tốt là được rồi? Với cách nói như vậy, bạn liền có được đáp án, nhất định phải làm một người minh bạch mới là người tốt viên mãn. Bạn tuy là người tốt, nhưng người tốt của bạn không viên mãn, còn khiếm khuyết rất nhiều. Nếu bạn có định huệ có thể làm người minh bạch, bạn mới là người tốt viên mãn. Còn người tốt thông thường chỉ là người tốt phổ thông mà thôi, không viên mãn.

Câu hỏi 27: Muốn học Phật có thành tựu, lẽ nào nhất định phải xuất gia? Ở tại gia học Phật có thể học đến thành tựu được không?

Học Phật không nhất định phải xuất gia, quan niệm này sai lầm. Xuất gia cũng giống như một nghề nghiệp ở thế gian. Bạn thích nghề nghiệp nào thì bạn chọn lựa nghề nghiệp đó. Bất cứ nghề nghiệp nào cũng có thể học Phật, bất cứ nghề nghiệp nào cũng thành Bồ tát, thành Phật. Xuất gia là một nghề nghiệp trong tất cả các nghề nghiệp, nghề nghiệp này tương đương với nghề nghiệp mà chúng ta đã chọn. Tôi thích giáo dục, tôi thích dạy học, tôi đến học ở trường sư phạm, tương lai sau khi tốt nghiệp, tôi sẽ làm công việc giáo dục, đây là chí nguyện cá nhân. Cho nên nhất định phải hiểu, Phật pháp là trí tuệ viên mãn, biểu hiện ngay trong bất cứ phương thức đời sống khác nhau nào, ngay trong bất cứ hoàn cảnh công tác nào, đây là chân chánh học Phật, chân thật có được thành tựu trong Phật pháp, không nhất định phải xuất gia.

Nếu xuất gia mà không từ nơi công tác giáo học thì lại càng đặc biệt sai lầm. Giống như bạn tốt nghiệp trường sư phạm, bạn được phân công đến trường học làm giáo viên, nhưng ngày ngày bạn không chịu lên lớp thì còn gì để nói nữa. Bạn từ công việc nghề nghiệp nào cũng phải đem nghề nghiệp mình chọn mà làm cho tốt, trở thành tấm gương mô phạm, đó gọi là Phật Bồ tát. Phật Bồ tát chính là tấm gương tốt nhất cho chúng sanh thế gian.

Câu hỏi 28: Vừa rồi pháp sư có nói đến học Phật giúp chúng ta lìa khổ được vui, hơn nữa đây là mục tiêu, một cảnh giới mà người học mong muốn đạt đến. Thế nhưng mọi người trên thế gian đều có khổ não, không biết Phật pháp có phương pháp nào tương đối cụ thể để lìa khổ được vui hay không, có thể giúp chúng ta hóa giải những khổ não này chăng?

Kinh Phật nói, khổ não từ mê mất đi chính mình, mê mất đi chân tướng hoàn cảnh sinh hoạt mà sanh ra. Vì bạn không hiểu rõ chân tướng sự thật, mỗi ngày bạn đang vọng tưởng, cách nghĩ cách nhìn của bạn thảy đều sai lầm, hành vi tạo tác của bạn cũng sai lầm theo. Tư tưởng chỉ đạo hành vi con người, nghĩ sai thì nhất định sẽ làm sai, đã làm sai đương nhiên sẽ mang đến kết quả khổ đau. Phật muốn giải quyết khổ nạn của chúng sanh, trước tiên phải giúp họ giác ngộ, giúp họ chân thật hiểu được nhân sanh. Người hiện đại chúng ta không bằng người xưa, bạn xem người xưa có thể an phận nghèo vui đạo, họ đạt nhiều an vui. Còn người hiện tại dục vọng không hề ngừng nghỉ, chẳng phải tự tìm lấy cái khổ hay sao. Hãy bình lặng mà nghĩ, mỗi ngày bạn làm việc khổ cực đến vậy, rốt cuộc bạn trải qua ngày tháng như thế nào, bạn đã đạt được cái gì, cứ bình lặng mà nghĩ chính mình liền sẽ hiểu ra.

Những năm đầu tôi học Phật, một vị hòa thượng giảng cho tôi nghe câu chuyện thật. Ở Thái Châu Giang Tô, có một người lang thang xin ăn rất đáng thương, con cái của ông buôn bán phát tài to luôn nghĩ cách cho người đi tìm ông về. Ông trở về, họ sắm sửa quần áo mới cho cha, thuê người hầu hạ. Thế nhưng người cha chỉ ở khoảng một tháng rồi lại bí mật trốn đi. Ông tiếp tục lang thang xin ăn. Người ta hỏi lý do vì sao ông làm vậy. Ông trả lời, vì được nhiều người hầu hạ khiến ông cảm thấy đắc tội; họ mang thức ăn cao sang đến ép nhưng ông không thích ăn; ông cũng không chịu mặc quần áo mới; thà mỗi ngày đi xin ăn, mỗi ngày được du sơn ngoạn thủy, đói thì xin một bát cơm, buổi tối ngủ nghỉ nơi nào cũng được, đời sống chân thật là đời sống mà chính mình bằng lòng trải qua, an vui, tự tại, rất tuyệt vời. Quan niệm này của ông cùng với quan niệm của người thế tục chúng ta hoàn toàn không giống nhau. Tuy ông không học Phật, nhưng nếu học Phật, chắc chắn ông ấy cũng sẽ thành Phật. Trên thực tế ông ấy là Bồ tát trong ăn xin, một người giác ngộ trong ăn xin. Biểu hiện của ông ấy là không tranh giành với người, không mong cầu ở đời, cuộc sống đại tự tại, hòa nhập với đại tự nhiên. Người nào có được cảnh giới này, quay đầu nhìn lại thấy con cái buôn bán, cảm thấy không tiếc rẻ, bản thân thong dong không phải là đời sống của người bình thường. Việc lìa khổ được vui các vị phải từ đây mà nghĩ.

/ 3