VẤN ĐÁP HỌC PHẬT
KỲ 61
Chủ giảng: pháp sư Tịnh Không
Thời gian: 02/02/2007
Địa điểm: Hiệp hội giáo dục Phật-đà Hồng Kông
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin chào mọi người. A-di-đà Phật! Hôm nay có 70 câu hỏi, rất nhiều vấn đề, chúng ta vẫn phải theo thứ tự. Trước hết là câu hỏi của đồng tu Hồng Kông, có 5 câu hỏi.
Hỏi: Câu hỏi đầu tiên, đệ tử thích trang điểm, rất chú trọng đến việc phối hợp quần áo, đây có phải là tâm tham không? Con phải nên làm thế nào mới tốt?
Đáp: Vấn đề là ở chỗ bạn có tâm tham hay không, nếu không có tâm tham thì rất tốt, thế thì giống như Bồ-tát. Bạn xem Bồ-tát trang điểm cũng rất xinh đẹp nhưng các ngài không có tâm tham. Vì sao Bồ-tát phải trang điểm đẹp như vậy? Là vì để tiếp dẫn chúng sanh, là phương tiện tiếp dẫn chúng sanh. Trên kinh Phật nói với chúng ta, Bồ-tát muốn thành Phật, trước khi thành Phật thì phải dùng thời gian 100 kiếp để tu tướng hảo, tu 32 tướng tốt 80 vẻ đẹp. 32 tướng là quả báo, quả thì ắt có nhân. Ví dụ như trên kinh nói với chúng ta, tướng lưỡi rộng dài của Phật, lưỡi của chúng ta thè ra không liếm đến mũi, lưỡi của Phật thè ra có thể che cả mặt. Tướng hảo này là do tu gì mà thành? Đời đời kiếp kiếp không vọng ngữ, Phật nói với chúng ta, ba đời không vọng ngữ thì đầu lưỡi của bạn có thể liếm được đến mũi, là ba đời. Nếu ba đời của bạn có vọng ngữ thì tướng này sẽ không có. Cho nên dùng thời gian 100 kiếp để tu tướng hảo, vì sao vậy? Con người thích tướng hảo, nhìn thấy hảo tướng thì họ sẽ đi theo các ngài, cho nên Phật dùng tướng hảo để tiếp dẫn chúng sanh. Tướng hảo không khác nhiều với trang điểm đúng không? Cho nên phải hiểu đạo lý này, không phải là vì chính mình, mà là vì tiếp dẫn chúng sanh. Vì để cho hết thảy chúng sanh thấy được thì sanh tâm hoan hỷ, là vì điều này, đây là phương tiện độ chúng sanh.
Sau khi bạn hiểu đạo lý này rồi thì đây là bạn tiếp dẫn chúng sanh, do đó đệ tử Phật chúng ta nhất định phải chú trọng oai nghi. Nếu học Phật mà học thành luộm thuộm, người ta vừa nhìn thấy đều không hoan hỷ, vậy thì không thể học Phật, bạn xem học Phật rồi đều giống như thế. Người ta đều sợ, sợ đến vậy, đó là sai lầm. Cho nên có rất nhiều người tu khổ hạnh, Phật đều không tán thành, ở trên kinh Phật nói không tu khổ hạnh vô ích, sự khổ hạnh đó không có lợi ích. Hết thảy đều là suy nghĩ vì lợi ích chúng sanh, đây là chính xác.
Hỏi: Câu hỏi thứ hai, trong Cảm Ứng Thiên nói không được “vô cớ cắt may áo quần”, nhưng đệ tử ở trong mười năm nay vẫn huấn luyện một thợ may nhỏ sống ở Trung Quốc Đại Lục, chuyên môn may quần áo cho đệ tử và bạn bè của đệ tử, nếu như không làm như vậy thì thu nhập của thợ may nhỏ này cũng sẽ bị giảm xuống, có thể ảnh hưởng đến sinh kế của họ, phải nên làm sao cho tốt?
Đáp: Phạm vi của “cắt” rất lớn, không nhất định là chuyên nói về quần áo, ngay cả cắt tỉa hoa cỏ cây cối đều là ở trong cắt xén, cho nên phạm vi này rất lớn. Không nên vô cớ, vô cớ là nói quá dư thừa, không phải thứ thật cần thiết, ví dụ như trong xã hội hiện nay, lúc giao tiếp ở trong xã hội thượng lưu đều phải mặc lễ phục, đó chính là điều tất yếu. Đồng thời, ví dụ như lễ phục, hiện nay tôi cũng không rõ lắm, đại khái là những thứ theo trào lưu, dường như một, hai năm sau thì không phổ biến nữa, bạn cũng phải làm lại. Nếu chân thật hiểu được Phật pháp, hiểu rõ đạo lý này, chính mình có loại năng lực này thì lễ phục của chúng ta đã làm và dùng được một lần rồi thì có thể tặng cho người khác. Bởi vì rất nhiều người có nhu cầu, họ không nhất định phải lãng phí, đây đều là thuộc về bố thí; khi mình cần dùng thì có thể tự mình may lại. Nếu như năng lực kinh tế kém một chút, lễ phục này của ta có thể giữ lại, có thể sử dụng được rất lâu. Đây đều là từ trên hoàn cảnh của mình, năng lực kinh tế của mình mà xem xét. Cho nên, Phật pháp là viên dung, không phải là chấp trước ở ngôn từ. Phật dạy chúng ta không nên chấp trước lời nói, không nên chấp trước danh tự, không nên chấp trước tâm duyên, nhất định phải hiểu ý của ngài. Hiện nay gọi là khéo học khéo dùng, ở trong Phật pháp có thể được pháp hỷ, pháp hỷ sung mãn.
Hiện nay quần áo cũng vô cùng quan trọng, chúng ta xem thấy rất nhiều lãnh đạo của Trung Quốc ở nước ngoài đều mặc đồ tây, tôi xem thấy rất không thoải mái. Vì sao vậy? Đồ tây rất khó chịu, rất nhỏ, trói chặt cả thân, đâu có thoải mái như trang phục nhà Đường của Trung Quốc! Cho nên tôi khuyến khích trang phục nhà Đường, mọi người đều mặc trang phục nhà Đường. Lần đầu khi tôi đến Paris dự hội nghị, tôi cũng mặc trang phục nhà Đường, cái này phải nên đề xướng. Người Trung Quốc chú trọng nhất là sự thoải mái, lấy cái này làm đệ nhất, những thứ đẹp đẽ khác làm thứ yếu, thoải mái là ưu tiên số một. Mặc vào không thoải mái, bó buộc tù túng thì cái này chắc chắn có hại đối với cơ thể.